Pháp thay đổi chiến lược đối ngoại, tái định hình châu Âu
Sự thay đổi tầm nhìn địa chính trị của Pháp đối với việc mở rộng NATO có thể định hình lại tương lai của cả châu Âu.
>> Lý do NATO chưa kết nạp Ukraine
Châu Âu đang đứng trước những thay đổi bước ngoặt của các trụ cột. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố về một “bước ngoặt lịch sử” đối với Đức sau chiến sự Nga - Ukraine với lời hứa đầu tư mạnh vào quốc phòng lần đầu kể từ Thế chiến II. Một ông lớn khác cũng đang trước ngưỡng cửa 1 cuộc cách mạng về đối ngoại, dù ít được chú ý hơn – nước Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron.
Cú xoay 180 độ của Pháp
Hai điểm thay đổi lớn nhất của Paris là ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO và mở rộng biên giới EU về phía Đông và Nam. Cả hai lối tiếp cận này đều trái ngược hoàn toàn với quá khứ e dè trong việc chào đón những người mới của nước Pháp.
Trong thời gian chuẩn bị diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Vilnius (Lithuania), nhiều đồng minh đã ngạc nhiên khi Pháp thể hiện cách tiếp cận mới này. Pháp, bên cạnh Anh, Ba Lan và các nước vùng Baltic, tranh cãi về việc nhanh chóng kết nạp Ukraine sau chiến sự Nga - Ukraine. “Chúng tôi cần một con đường hướng tới tư cách thành viên cho Ukraine”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuyên bố tại Bratislava, thủ đô của Slovakia, vào ngày 31/5.
"Điều này khiến Pháp trở nên khác biệt không chỉ với Đức mà còn khiến chính quyền Mỹ của ông Joe Biden ngạc nhiên", ông Daniel Fried, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh.
Còn nhớ vào năm 2008, Pháp và Đức đã ngăn Ukraine trở thành thành viên trực tiếp của NATO. Năm 2019, ông Macron còn nói rằng NATO đang trải qua tình trạng “chết não”. Tuy nhiên, giờ đây sườn phía đông châu Âu đã tìm được một nhà ủng hộ mới đầy bất ngờ.
Sự thay đổi thứ hai của Pháp về việc mở rộng EU ít được nhìn thấy hơn. Quyết định về việc có nên mở các cuộc đàm phán thành viên với Ukraine (và Moldova) phải chờ đến tháng 12/2023, sau cuộc thảo luận ban đầu vào tháng 10. Việc mở rộng thành viên EU sẽ đòi hỏi những thay đổi phức tạp đối với các quy tắc quản lý tổ chức nội bộ của EU. Một nhóm làm việc Pháp-Đức đang xem xét các tác động. Ủy ban Châu Âu sẽ báo cáo lại vào tháng 10 về việc mở rộng. Nhưng các chuyên gia đánh giá rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp.
Pháp có truyền thống cảnh giác với việc mở rộng EU, coi việc mở rộng này là mối đe dọa đối với chiến lược của Paris là “làm sâu sắc thêm” liên minh và xây dựng một dự án chính trị. Năm 2019, Pháp phủ quyết việc mở các cuộc đàm phán thành viên với Albania và Bắc Macedonia. Nước Anh, khi vẫn còn là thành viên EU, thường cổ súy mở rộng quy mô và do đó bị Paris nghi ngờ là tìm cách biến châu Âu thành một khu vực thương mại đơn thuần.
Theo các nhà phân tích, chiến sự Nga - Ukraine đã làm thay đổi cách tiếp cận của ông Macron. Năm ngoái, các nhà ngoại giao của Pháp đã nỗ lực hết sức để đảm bảo sự ủng hộ cho quyết định của EU cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine. Pháp dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với các hồ sơ dự thầu của Albania và Bắc Macedonia, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thành viên bắt đầu.
Sự nồng nhiệt trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo Pháp tại Bratislava đã khiến người dân Trung và Đông Âu, vốn từ lâu đã ủng hộ một EU rộng lớn hơn, kinh ngạc. Ông Macron tuyên bố: “Vấn đề đối với chúng tôi không phải là liệu chúng tôi có nên mở rộng hay không mà là chúng tôi nên làm điều đó như thế nào”.
>> EU tuyên bố muốn kết nạp Ukraine làm thành viên
Động cơ nào đằng sau?
Sự xoay chuyển quá nhanh khiến nhiều nhà quan sát vẫn hoài nghi. Một nhà ngoại giao châu Âu nói với tờ The Economist: “Việc ông Macron ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine là bữa trưa miễn phí”, ám chỉ việc lãnh đạo Pháp coi đây là cách để nâng cao uy tín.
Trong khi Pháp biết rõ rằng người Mỹ sẽ thận trọng trong việc này, các chuyên gia chỉ ra lợi ích chiến thuật của ông Macron trong việc đứng lên bảo vệ Trung và Đông Âu là rõ ràng, sau khi ông đã đánh mất uy tín vào năm ngoái do cách tiếp cận với Nga. Đường lối của Pháp đối với NATO cũng một phần mang tính chiến thuật: rằng một thông điệp mạnh mẽ của NATO gửi tới Nga sẽ tăng thêm sức nặng cho Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai.
Tuy nhiên, ngoài các lý do cá nhân, các nhà quan sát cũng nhận thấy Pháp cần có sự thay đổi thực sự để đáp ứng với tình hình mới. Đó là nhu cầu của ông Macron về cái gọi là “chủ quyền châu Âu” - khả năng của lục địa trong việc xác định tương lai của mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc. Mối đe dọa hiện hữu từ Nga, hay nguy cơ một nước Mỹ theo trường phái Donald Trump lãnh đạo, hay từ gã khổng lồ Trung Quốc… đều khiến Paris phải hành động.
Ông Benjamin Haddad, một trong những cấp phó của ông Macron, lập luận: “Đây thực sự là một sự thay đổi mang tính cơ cấu”.
Dù điều này không có nghĩa là việc mở rộng EU và NATO sẽ sớm xảy ra, nhưng sự nhiệt thành của Paris vẫn được xem là một động lực mạnh mẽ cho những quyết định mở rộng của EU và NATO, qua đó định hình tương lai địa chính trị của cả châu Âu.
Có thể bạn quan tâm
NATO sẽ kết nạp Ukraine tại Thượng đỉnh sắp tới?
04:00, 10/06/2023
Châu Âu "lục đục" nội bộ vì ngũ cốc Ukraine
04:30, 18/09/2023
Châu Âu khó thoát “lời nguyền năng lượng”!
04:30, 16/09/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Những lỗ hổng “chết người” của châu Âu
04:30, 23/06/2023
Châu Âu tăng năng lực quốc phòng: Vì sao "nói dễ hơn làm"?
04:30, 19/06/2023
Châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế?
12:00, 05/06/2023
Châu Âu xoay xở giữa căng thẳng Mỹ - Trung
03:30, 27/05/2023