Châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 05/06/2023 12:00

Đức- nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, đã rơi vào suy thoái kinh tế kỹ thuật, khiến nhiều người lo ngại Đức sẽ kéo theo suy thoái đồng loạt ở châu Âu.

GDP quý I/2023 sau điều chỉnh của Đức đã giảm 0,3% so với quý trước đó. Trong quý IV/2022, GDP của Đức đã giảm 0,5%.

 Kinh tế Đức đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.

Kinh tế Đức đã tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.

>> Châu Âu xoay xở giữa căng thẳng Mỹ - Trung

Hiện tượng dị thường

Nhìn chung, các nền kinh tế hàng đầu của châu Âu đã phân hóa về kết quả hoạt động trong quý I/2023. Hàng loạt chỉ số quan trọng của nền kinh tế Đức đã suy giảm trong tháng 3/2023, như sản xuất công nghiệp giảm 3,4%, các đơn hàng công nghiệp giảm kỷ lục 10,7%, xuất khẩu cũng giảm mạnh 5,2%... Đáng chú ý, lạm phát hiện vẫn ở mức cao, 7,4% trong tháng 4/2023.

Trong khi đó, GDP của Pháp chỉ tăng 0,2% trong quý I/2023. GDP quý I/2023 của Ireland giảm 2,7% so với quý trước. Nền kinh tế Bồ Đào Nha tăng trưởng 1,6%...

Tổng quan lại, nền kinh tế khu vực đồng Euro tăng trưởng khiêm tốn, chỉ 0,1% trong quý đầu tiên của năm nay. Mặc dù vậy, các chiến lược gia ở Ngân hàng TW châu Âu (ECB) “đánh tiếng” sẽ tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp tuần này.

Trước hàng loạt khó khăn, thách thức của nền kinh tế châu Âu, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo GDP Đức giảm 0,1% trong năm 2023, trước khi phục hồi 1,1% năm 2024 và trở thành nền kinh tế hoạt động kém thứ 2 sau Vương quốc Anh.
Trọng tâm của những lo ngại về triển vọng nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” trong năm qua là khả năng xảy ra khủng hoảng năng lượng, khi châu Âu cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga sau cuộc xâm lược toàn diện của Moscow vào Ukraine.

Một minh chứng cho sự suy thoái ở Đức là ngành công nghiệp ô tô, lĩnh vực xe điện chậm chạp hơn so với Trung Quốc, gã khổng lồ Volkswagen xếp sau BYD; Mercedes, BMW liên tục cắt giảm nhân sự, tiến thoái lưỡng nan trước yêu cầu chuyển đổi công nghệ sang sử dụng pin lithium thay năng lượng hóa thạch.

Ba biểu hiện khả quan

Nhìn chung, dấu hiệu suy thoái sâu lần này không rõ rệt, lạm phát toàn phần trên toàn khu vực đồng euro đã giảm xuống 6,9% trong tháng 3 từ mức 8,5% trong tháng 2, do chi phí năng lượng hạ nhiệt. Nguy cơ khủng hoảng năng lượng ở Đức và các nền kinh tế hàng đầu châu Âu được đẩy lùi.

>> Dầu Nga “lách” cấm vận chảy về châu Âu

Ông Joachim Nagel, Chủ tịch Ngân hàng Bundesbank tự tin rằng: “Hệ thống tài chính ở Đức đang an toàn và lành mạnh, bất chấp những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây ở Mỹ”. Ủy viên Kinh tế Châu Âu, Paulo Gentiloni trấn an: “Chúng tôi không nhận thấy nguy cơ lan tỏa khủng hoảng ngân hàng trong hệ thống EU”.

Quả vậy, hiện đã và đang có một số dấu hiệu khả quan hơn, có thể sẽ giúp khu vực châu Âu có thể sẽ tránh được nguy cơ suy thoái trong năm nay.

Thứ nhất, Cục dự trữ Liên bang (FED) đang ở giai đoạn cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất, chuẩn bị bước qua trạng thái đi ngang trong thời gian ngắn và sau đó có thể hạ dần lãi suất về mức lý tưởng.

Các chuyên gia đưa ra kịch bản về việc FED sẽ thực hiện các đợt hạ lãi suất 1% vào năm 2024, xuống 4,1% vào cuối năm tới. Tiếp theo đó là những đợt giảm lãi suất khác của FED vào năm 2025, đưa lãi suất xuống 3,1% và cuối cùng chạm mục tiêu dài hạn là 2,5%.

FED giảm lãi suất sẽ giúp thị trường tài chính bùng nổ, nhất là khu vực tiêu dùng sôi động như châu Âu; tín dụng ngân hàng đóng vai trò “bà đỡ” cho mọi hoạt động mua sắm. Điều đó sẽ kích hoạt đơn hàng, giải phóng hàng tồn kho tại nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia châu Âu.

Thứ hai, châu Âu từng bước ổn định nguồn cung năng lượng từ đối tác Trung Đông, Bắc Phi và Trung Quốc - cho phép triệt tiêu chi phí đẩy, hạ nhiệt giá cả tiêu dùng, qua đó hoàn thành mục tiêu đẩy lùi lạm phát. Khi lạm phát về mức cho phép thì các ngân hàng mạnh tay bơm tiền ra thị trường, kích cầu kinh tế.

Thứ ba, chiến sự Nga - Ukraine đi vào quỹ đạo ổn định, hết “dư địa” phát sinh hành động trả đũa kinh tế, thương mại có thể gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi, nghĩa là không còn rủi ro tiềm ẩn ngoại trừ cuộc xung đột hạt nhân.

Theo dự báo mới nhất của Ủy ban Châu Âu (EC), kinh tế khu vực châu Âu sẽ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2023 và 1,7% trong năm 2024, so với mức dự báo trước đó lần lượt ở mức 0,5% và 1,6%.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine:

    Chiến sự Nga - Ukraine: "Gió đảo chiều" ở châu Âu

    04:30, 02/05/2023

  • Quan hệ Mỹ và châu Âu đang

    Quan hệ Mỹ và châu Âu đang "rạn nứt"?

    04:00, 01/05/2023

  • Suy thoái kinh tế đã bắt đầu?

    Suy thoái kinh tế đã bắt đầu?

    03:00, 03/05/2023

  • Chỉ báo suy thoái kinh tế hiện hữu?

    Chỉ báo suy thoái kinh tế hiện hữu?

    12:25, 14/03/2023

  • "Phao cứu sinh" giúp EU thoát suy thoái kinh tế

    06:30, 17/02/2023

  • "Đo đếm" suy thoái kinh tế toàn cầu 2023

    04:30, 21/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO