Định hướng mới của Trung Quốc về sáng kiến Vành đai và Con đường
Sau hơn 1 thập kỷ triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc bắt đầu làm mới sáng kiến này để thích ứng với bối cảnh mới.
>> BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?
Đại diện của 140 quốc gia và 30 tổ chức toàn cầu đã tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRI), trong đó có Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Những đòi hỏi khách quan
Tính đến hết năm 2022, Trung Quốc đã ký 206 thỏa thuận liên quan đến BRI với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế; khoảng 3.000 dự án đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực với tổng số vốn giải ngân ước tính 1.000 tỷ USD.
Có thể nói, BRI đã mang đến dòng vốn dồi dào, điều kiện giải ngân rất “mở” cho hàng trăm quốc gia đang phát triển, góp phần tạo ra những công trình làm thay đổi bộ mặt hạ tầng cơ sở. Trong đó, phải kể đến tuyến đường sắt cao tốc của Lào, đường sắt Trung Quốc - Thái Lan, dự án đường ống dẫn dầu với Nga, các dự án hợp tác với Campuchia, Indonesia, Pakistan,…
Tuy nhiên, do điều kiện vay khá dễ dàng, khâu đánh giá thẩm định ban đầu lỏng lẻo nên dòng vốn BRI cũng để lại nhiều hệ lụy, trong đó khá nhiều dự án bế tắc, thiếu hiệu quả.
Mặt khác, lúc mới ra đời, BRI được coi là sáng kiến kết nối hạ tầng vĩ đại nhất lịch sử nhân loại, với khả năng vươn xa không ngừng của nó khiến Mỹ và đồng minh lo ngại. Tất nhiên, nguy cơ về an ninh, quốc phòng, địa chính trị nhiều nơi bị thổi phồng vì mục đích kiềm chế Trung Quốc.
Năm 2021, các nước G7 đề xuất chương trình “Xây lại thế giới tốt đẹp hơn”. Đến giữa năm 2022, các nhà lãnh đạo G7 đã khởi động Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) cam kết 600 tỷ USD tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu vào năm 2027.
Đã có những ý kiến cho rằng PGII có khả năng thay thế BRI, khi các nước G7 đã nhiều lần tuyên bố tham vọng chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mỹ đã nhấn mạnh yếu tố “hợp tác dân chủ” để cho thấy sự khác biệt với BRI.
Với một chương trình khổng lồ như BRI - sẽ rất dễ gặp trục trặc khi Trung Quốc bắt đầu gặp phải các diễn biến không thuận lợi ở trong nước. Do vậy, việc tái cấu trúc lần này sẽ hướng đến một BRI hoàn toàn khác, linh hoạt hơn, thân thiện hơn và giảm rủi ro cho đối tác.
>> Cách tiếp cận mới của Trung Quốc trong sáng kiến BRI
Hơn nữa, do đòi hỏi hạ tầng tương lai tập trung vào phát triển xanh, bền vững, kinh tế số, khoa học công nghệ… nên BRI sẽ làm mới nội dung của nó để phù hợp với bối cảnh kinh tế mới.
Chờ đợi gì từ phiên bản mới?
Trong phiên bản BRI 2.0, Trung Quốc sẽ tập trung vào những nội dung quan trọng, như xây dựng hành lang hậu cần xuyên suốt châu Âu và châu Á; Tạo ra khu vực thương mại điện tử con đường tơ lụa, với nhiều hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư hơn; Cam kết tài trợ 47,8 tỷ USD từ các ngân hàng phát triển Trung Quốc; thúc đẩy phát triển xanh, cam kết phát triển khoa học và trí tuệ nhân tạo; Tăng cường trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, trong đó có liên minh du lịch. Đồng thời, nhấn mạnh yếu tố “hợp tác sạch” để cải thiện tính minh bạch; Nỗ lực thành lập các thể chế gắn liền với BRI.
Có thể nói BRI được nâng cấp lên phiên bản 2.0 với rất nhiều sự điều chỉnh linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới. Một trong những nội dung rất đáng chú ý là “hợp tác sạch để cải thiện tính minh bạch”. Hy vọng những thương vụ đầu tư nghiêm túc sẽ tránh được hệ quả tham nhũng, tiêu cực tại nhiều quốc gia chưa hoàn thiện khung khổ pháp lý.
Đối với khoa học công nghệ tiêu biểu hiện nay là trí tuệ nhân tạo thì Trung Quốc rất giàu tiềm năng. Chẳng hạn, quốc gia này đang dẫn đầu thế giới về công nghệ 5G, sở hữu số lượng lớn siêu máy tính mạnh nhất thế giới; với nhiều nền tảng Internet hùng mạnh cho phép kết nối xuyên biên giới để hình thành khu vực thương mại điện tử con đường tơ lụa.
Vì sao có thể kỳ vọng? Bởi vì bối cảnh ra đời của BRI 2.0 hoàn toàn khác cách đây 10 năm trước. Lúc đó, Trung Quốc một mình một ngựa, mục tiêu hàng đầu là làm sao để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng hiện nay, BRI đã có đối thủ ngang cơ do G7 dẫn đầu, nên Trung Quốc phải có chương trình hành động hiệu quả để lấy lại uy tín, gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Áp lực cạnh tranh buộc các bên phải thay đổi chính mình theo hướng tích cực, hấp dẫn hơn để thu hút đối tác. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí trên thì BRI 2.0 khó giúp Trung Quốc lòng lấy lại lòng tin sau nhiều bê bối đã xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Nhìn lại 10 năm BRI: Vì sao Trung Quốc thúc đẩy Con đường Tơ lụa kỹ thuật số?
04:30, 16/10/2023
Trung Quốc đã làm gì với sáng kiến BRI sau 10 năm?
04:30, 29/08/2023
Italy muốn rút khỏi BRI, "hé lộ" căng thẳng EU - Trung Quốc
03:30, 02/08/2023
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ II): Nguy cơ khủng hoảng nợ
01:00, 13/08/2022
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ I): Rủi ro vay nợ Trung Quốc
12:00, 08/08/2022
Đối trọng mới của "Vành đai và Con đường"
05:30, 14/06/2021
G7 sắp xây dựng dự án thay thế Vành đai và Con đường của Trung Quốc?
11:00, 06/06/2021
Cái chết của “Vành đai và Con đường”
06:00, 24/04/2021