"Hé lộ" quan điểm của Mỹ về xung đột Israel - Hamas

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 23/10/2023 04:30

Tổng thống Joe Biden nhắc lại cách hành xử của nước Mỹ sau vụ khủng bố 11/9/2001 và khuyên Israel "đừng để lửa giận làm mờ lý trí".

Ông Joe Biden viện dẫn đến sự kiện 11/9/2001 để phát thông điệp với Israel

Ông Joe Biden viện dẫn đến sự kiện 11/9/2001 để phát thông điệp với Israel

>>Xung đột Israel - Hamas: Những tín hiệu đáng sợ!

Đến thời điểm này, những cái “đầu nóng” ở Tel Aviv đang sục sôi ý chí báo thù sau khi Israel bị tấn công gây thiệt hại khổng lồ về nhân mạng cũng như cơ sở vật chất. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thành lập nội các thời chiến, thề “sẽ quét sạch lực lượng Hamas”.

Ngày 19/10 trong cuộc gặp binh sĩ Israel gần Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói các binh sĩ này sẽ sớm được nhìn thấy Dải Gaza từ bên trong. Ẩn ý sẽ triển khai lực lượng truy kích Hamas ngay tại đại bản doanh.

Đây là lý do mà cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại cuộc chiến sẽ lan rộng, kéo theo Iran, Hezbollah,…làm bùng lên đại chiến giữa Hồi giáo và Do thái, khiến Trung Đông trước nguy cơ chìm ngập trong khói lửa.

Thế giới ngóng chờ giải pháp của các cường quốc, gần 10 ngày sau khi xung đột Israel- Hamas xảy ra. Tổng thống Biden nói trong cuộc trả lời phỏng vấn, rằng nước Mỹ cũng có chung tâm lý sục sôi như vậy sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, nhưng đã phải trả giá với những “cuộc chiến vô tận” ở Trung Đông.

“Tôi xin cảnh báo rằng chúng ta đừng để lửa giận làm mờ lý trí”, ông Biden nói và cho biết thêm “Sau vụ 11/9, chúng tôi đã vô cùng giận dữ. Khi tìm cách đòi công lý, chúng tôi đã phạm sai lầm”.

Đây có thể xem là thông điệp chuyển tải quan điểm của Mỹ với tình hình Trung Đông hiện nay. Nói một cách cụ thể: Washington không muốn nhìn thấy thêm một cuộc chiến tranh - sẽ phá tan nỗ lực của họ kể từ khi rút khỏi khu vực.

Dưới nhiệm kỳ ông Joe Biden, Nhà trắng có những bước đi cụ thể nhằm hàn gắn quan hệ với Trung Đông. Tháng 7 năm ngoái Tổng thống Mỹ đã thăm Trung Đông; sau Israel, ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo Palestine, hội đàm với lãnh đạo Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh.

Thay vì cách can thiệp “cứng” như nhiều đời Tổng thống trước, ông Biden chủ trương giúp Israel hội nhập với khu vực. Một trong những nỗ lực đó là Washington làm trung gian cho Israel cùng UAE, Bahrain và Morocco xây dựng cấu trúc an ninh, kinh tế mới.

Thêm vào đó, Tổng thống Biden đặc biệt quan tâm vun đắp quan hệ Israel và Saudi Arabia. Ông cho rằng "sự tăng cường mối quan hệ về mặt chấp nhận sự hiện diện của nhau, cùng nhau hợp tác ở một số khía cạnh nhất định “đều có ý nghĩa đối với tôi”.

>>Xung đột Israel - Hamas: Vấn đề nóng đặt ra với Trung Đông

Xung đột Israel - Hamas không hề giảm nhiệt

Xung đột Israel - Hamas không hề giảm nhiệt

Điều này không khó hiểu, vì nước Mỹ dưới thời ông Biden là “nước Mỹ trở lại”, sử dụng cơ chế đa phương, toàn cầu hóa để phát huy sức mạnh của họ thông qua hệ thống đối tác và đồng minh thân cận.

Tại Trung Đông, Israel đóng vai trò như “đại sứ” của Mỹ, làm lành quan hệ Mỹ - thế giới Hồi giáo; chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc và Nga; Thể hiện hình ảnh nước Mỹ thân thiện, vì hòa bình tiến bộ.

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng, quan điểm của Mỹ về xung đột Trung Đông lần này khiến quan hệ Mỹ - Israel đã xuất hiện rạn nứt. Trong bối cảnh “làn sóng hòa giải” mới xuất hiện ở Trung Đông, việc Tel Aviv làm thế nào để có thể trung hòa quan hệ với Washington sẽ trở thành thử thách không hề đơn giản đối với chính quyền ông Netanyahu!

Có thể bạn quan tâm

  • Xung đột Israel – Hamas đẩy giá vàng tuần tới vượt 2.000 USD/oz?

    Xung đột Israel – Hamas đẩy giá vàng tuần tới vượt 2.000 USD/oz?

    04:20, 22/10/2023

  • Xung đột Israel - Hamas: Những tín hiệu đáng sợ!

    Xung đột Israel - Hamas: Những tín hiệu đáng sợ!

    04:00, 22/10/2023

  • Xung đột Israel - Hamas: Hé lộ

    Xung đột Israel - Hamas: Hé lộ "trách nhiệm" của Mỹ

    03:30, 20/10/2023

  • Nga toan tính gì từ xung đột Israel - Hamas?

    Nga toan tính gì từ xung đột Israel - Hamas?

    04:00, 19/10/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ