Vì sao nhiều quốc gia mong muốn Mỹ - Trung "giảng hoà"?
Cuộc gặp vừa qua giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình được nhiều quốc gia kỳ vọng sẽ giúp 2 nước đẩy mạnh hợp tác, thay vì đối đầu như trong thời gian qua.
>> Hậu thượng đỉnh Mỹ - Trung, đột phá nào được kỳ vọng?
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco, nhiều quốc gia trên thế giới có thể đã kỳ vọng hai bên sẽ xoa dịu căng thẳng vốn gia tăng trong những năm gần đây. Nếu 2 bên "giảng hoà", thì nhiều quốc gia khác sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong giao thương với Trung Quốc.
Đến nay, gần một nửa số thành viên G-20 coi Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của họ. Australia, Brazil, Indonesia, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có tới 1/5 kim ngạch xuất khẩu của họ sang Trung Quốc.
Một số dữ liệu cho thấy sự phụ thuộc thương mại có thể là do yếu tố gần gũi về mặt địa lý. Tuy nhiên, các thành viên của khu vực Nam bán cầu rộng lớn hơn, bao gồm cả các quốc gia xa xôi trên khắp Liên minh châu Phi, vẫn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều gấp ba lần so với số lượng họ xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, giá trị tổng thương mại của Bắc Kinh với các quốc gia G-20 chỉ bằng khoảng một nửa so với Washington, chỉ chiếm 1,55 nghìn tỉ USD so với 2,92 nghìn tỉ USD của Hoa Kỳ. Phần lớn điều đó là do sự chú trọng của Trung Quốc vào các thị trường nhỏ hơn.
Mặt khác, Mỹ thống trị thương mại toàn cầu thông qua các nước láng giềng gần gũi: Hơn 3/4 hàng xuất khẩu của Mexico và Canada là sang Hoa Kỳ. Washington cũng là điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu từ các nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo ông Stephen R. Nagy, Giáo sư tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, việc thiết lập lại mối quan hệ Mỹ-Trung theo hướng ổn định sẽ cần có biện pháp ngoại giao bền vững và hành động cụ thể từ cả hai phía.
Thứ nhất, trong khi liên lạc giữa quân đội hai nước là cần thiết để mang lại sự rõ ràng về suy nghĩ, khả năng của mỗi bên và cách tiếp cận tương ứng của họ đối với khủng hoảng, thì ông Biden và ông Tập Cận Bình cần tái tham gia vào đối thoại kinh tế và an ninh ở ba cấp độ: cấp lãnh đạo, cấp nhóm làm việc và giữa các học giả của cả hai nước, cũng như các nước thứ ba như Nhật Bản...
>> Thượng đỉnh Mỹ - Trung thành công hay thất bại?
Thứ hai, đảm bảo an ninh của Đài Loan là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đài Loan nên là trung tâm của các biện pháp xây dựng lòng tin của hai bên. Mỹ nên nhắc lại cam kết của mình đối với chính sách “Một Trung Quốc”; về phần mình, Trung Quốc cần đáp lại bằng cách từ bỏ việc sử dụng vũ lực để tìm kiếm sự thống nhất.
Thứ ba, Bắc Kinh bày tỏ quan điểm rằng hợp tác với Washington không thể tiến triển trong môi trường mà Trung Quốc đang bị Mỹ thúc ép về các vấn đề nhạy cảm với quốc gia này. Cả hai nước cần xác định 4-5 lĩnh vực hợp tác cụ thể sẽ được bảo vệ khỏi các bất đồng chính trị.
Cụ thể, ông Nagy cho rằng lĩnh vực môi trường, phòng chống dịch bệnh xuyên quốc gia, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, trao đổi sinh viên và thậm chí cả các cam kết tham gia các dự án cơ sở hạ tầng và kết nối ở nước thứ ba nên được cân nhắc.
"Cả hai bên nên nhận ra rằng nếu không có sự hợp tác chung bền vững, rõ ràng và có ý nghĩa, mối quan hệ song phương sẽ trở nên tập trung quá mức vào những khác biệt về an ninh trong mối quan hệ", ông Nagy nhấn mạnh.
Theo ông Nagy, Washington và Bắc Kinh không thể làm điều này một mình và họ cũng không nên làm như vậy. Các quốc gia từ Nhật Bản, Canada, Đông Nam Á, Châu Âu và các quốc gia khác đều có liên quan đến sự thành công hay thất bại của quan hệ Mỹ-Trung.
"Các nước trên thế giới đều không muốn sự cạnh tranh chiến lược giữa hai bên buộc họ phải chọn một bên. Do đó, thông qua ngoại giao phối hợp, các nước có thể tạo cơ hội cho Mỹ và Trung Quốc cùng nhau đối thoại nhiều hơn", ông Nagy kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản Trung Quốc: Những “bài học” hiệu quả cho Việt Nam
05:00, 19/11/2023
Vì sao nhiều doanh nghiệp toàn cầu vẫn lo ngại về Trung Quốc?
03:30, 18/11/2023
Các công ty Trung Quốc “lách” hạn chế xuất khẩu của Mỹ
02:00, 17/11/2023
Vì sao thế giới chờ đón chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc?
03:00, 16/11/2023