Tâm lý "e ngại" Trung Quốc lan rộng khắp châu Âu

TRƯỜNG ĐẶNG 22/11/2023 03:30

Khảo sát mới ở Mỹ và châu Âu cho thấy tâm lý ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc trên nhiều vấn đề quốc tế đang ngày một gia tăng trong công chúng.

Ngày càng nhiều người dân ở Mỹ và châu Âu quan ngại ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu

Ngày càng nhiều người dân ở Mỹ và châu Âu quan ngại ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Quỹ Marshall Đức của Mỹ vừa tiến hành khảo sát Xu hướng xuyên Đại Tây Dương năm 2023 về thái độ của công chúng để đánh giá ý kiến về một loạt vấn đề quan trọng của quốc tế. Trong đó, cách người dân các nước suy nghĩ về Trung Quốc đã gợi ý những tín hiệu quan trọng.

Khoảng cách ngày càng hẹp giữa Trung Quốc và Mỹ

Đáng chú ý ngày càng nhiều người Mỹ và châu Âu tin rằng khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thu hẹp trong 5 năm tới. Trước câu hỏi nước nào sẽ có ảnh hưởng nhất trong các vấn đề toàn cầu trong 5 năm tới, chỉ có 37% số người được hỏi trả lời là Hoa Kỳ, trong khi tỷ lệ này đối với Trung Quốc là 30%. Điều đáng nói, tỷ lệ những người cho rằng Trung Quốc đang trở nên có ảnh hưởng hơn đã tăng 5 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát năm ngoái.

>>Vì sao nhiều quốc gia mong muốn Mỹ - Trung "giảng hoà"?

Dù vậy, cuộc thăm dò rộng khắp 13 quốc gia châu Âu cộng với Mỹ vẫn cho thấy phần đông vẫn coi Mỹ là chủ thể có ảnh hưởng nhất thế giới (64%). Nhưng một dữ liệu khác cho thấy không phải các nước Đông Âu, mà chính các nước Tây Âu mới cho rằng vị thế của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong 5 năm tới.

Trong khi tỷ lệ cẩn trọng với Trung Quốc cao ở Italy (51%), Pháp (42%), Tây Ban Nha (36%) và Đức (34%); con số này lại thấp hơn nhiều ở khu vực Trung và Tây Âu. Tại các nước Đông Âu như Lithuania (15%) và Ba Lan (18%), dường như mọi người vẫn coi thế giới là đơn cực hơn với Mỹ là trung tâm.

Hình ảnh tiêu cực của Bắc Kinh 

Theo cuộc khảo sát, đa số nhìn nhận ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới một cách tiêu cực, ngoại trừ Romania và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, 58% số người được hỏi nhận thức tiêu cực về ảnh hưởng của Trung Quốc, và phần lớn trong số họ theo đảng Cộng Hòa. Vương quốc Anh (64%) hay Đức (74%) cũng là những quốc gia hàng đầu coi ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc là điều bất lợi. Trung bình, đa số công chúng được hỏi (31%) coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, trong khi 23% coi đây là đối tác và khoảng 19% xem Bắc Kinh là đối thủ.

Tuy nhiên, những con số này khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Người Mỹ, Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha nhìn nhận Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhiều hơn Đông Âu. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ảnh hưởng của Bắc Kinh đang có xu hướng giảm đi, như ở Ba Lan, Luthuania.

Ngoại lệ duy nhất là người dân Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chứng kiến ủng hộ của công chúng dành cho Trung Quốc tăng lên 38%. Điều này cho thấy những chính sách của Bắc Kinh đang dần phát huy hiệu quả tại một trong những thành viên quan trọng của NATO.

Dự báo chính sách ứng xử với Trung Quốc

Những dữ liệu về cuộc khảo sát nói trên phần nào đó giúp các chuyên gia dự báo về chính sách ứng xử với Bắc Kinh trong tương lai. Theo đó, nhiều khả năng các quốc gia hai bờ Đại Tây Dương sẽ tiếp tục ủng hộ đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Khi các cuộc bầu cử quan trọng tới gần ở Mỹ và châu Âu, ý kiến cử tri là một dữ liệu quan trọng cho các chính trị gia

Ông Biden và ông Tập Cận Bình tại cuộc gặp vừa qua bên lề Thượng đỉnh APEC.

Cuộc khảo sát Xu hướng xuyên Đại Tây Dương năm 2023 chỉ ra người Mỹ, người châu Âu và người Canada vẫn ủng hộ việc cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng ưu tiên của mỗi nước là khác nhau.

>>Thượng đỉnh Mỹ - Trung thành công hay thất bại?

Về thương mại, nhu cầu hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc đã tăng nhẹ, với châu Âu dẫn đầu (34%). Trong khi đó, người dân các nước Mỹ, Anh và Canada ít ủng hộ việc chính phủ của họ hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến thương mại (lần lượt là 26%, 27% và 23%).

Về biến đổi khí hậu, công chúng Pháp (57%), Bồ Đào Nha (56%) và Thụy Điển (53%) một lần nữa cổ vũ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Ngược lại, ở Thổ Nhĩ Kỳ (53%), Rumani (45%) và Litva (37%), Trung Quốc sẽ được chào đón hợp tác trên khía cạnh này nhiều hơn.

Những kết quả khảo sát này cho thấy ngày càng nhiều người tin rằng ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu đã suy giảm trong khi Trung Quốc tiếp tục vị thế đi lên. Thế nhưng, khi phần lớn tâm lý người dân là quan ngại trước các động thái cứng rắn của Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu, các chính phủ phương Tây sẽ có thêm động lực để theo đuổi các chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh, nhất là khi các cuộc bầu cử lớn đang đến gần. 

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao nhiều doanh nghiệp toàn cầu vẫn lo ngại về Trung Quốc?

    Vì sao nhiều doanh nghiệp toàn cầu vẫn lo ngại về Trung Quốc?

    03:30, 18/11/2023

  • Các BigTech Mỹ và Trung Quốc hoạt động ra sao ở Đông Nam Á?

    Các BigTech Mỹ và Trung Quốc hoạt động ra sao ở Đông Nam Á?

    04:00, 18/11/2023

  • Vì sao thế giới chờ đón chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc?

    Vì sao thế giới chờ đón chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc?

    03:00, 16/11/2023

  • Trung Quốc và sứ mệnh quản trị toàn cầu

    Trung Quốc và sứ mệnh quản trị toàn cầu

    04:30, 13/11/2023

  • Mỹ, Nga và Trung Quốc “long tranh hổ đấu” ở Trung Á

    Mỹ, Nga và Trung Quốc “long tranh hổ đấu” ở Trung Á

    04:00, 10/11/2023

TRƯỜNG ĐẶNG