"Bước đi" mới của NATO trong công nghệ hóa quân đội
Ngày nay, các ứng dụng công nghệ rộng rãi trong đời sống đang được NATO đưa ra chiến trường nhiều hơn, nhằm phục vụ tham vọng công nghệ hóa quân đội của mình.
Từ đời sống ra chiến trường
Với Spot, một người lính NATO có thể nằm cách xa chiến trường mà vẫn xem được hình ảnh mô phỏng trận địa. Ở phía xa, chú chó robot có thể di chuyển xung quanh để đánh giá các mối đe dọa và báo cáo vị trí chính xác của nó về căn cứ, trong khi vẫn đang ghi hình.
>>Thất bại tình báo của Israel là "hồi chuông cảnh tỉnh" cho NATO
Ban đầu được tạo ra nhằm phục vụ trong các khu công nghiệp lớn, Spot giờ đây đã được công ty Boston Dynamics (Mỹ) cải tiến để trở thành một phần trong kế hoạch tham vọng mà NATO đang nhắm tới - công nghệ hóa quân đội.
Mới đây, NATO đã giới thiệu một số khí tài công nghệ mới sẽ được trang bị cho các quân đội đồng minh trong Liên minh. Ngoài Spot, hàng loạt sản phẩm mới được ứng dụng bao gồm ứng dụng nhắn tin an toàn lượng tử, chatbot AI, công cụ điều hướng máy bay không người lái và cơ sở hạ tầng đám mây – tại buổi demo Công nghệ thế hệ tiếp theo 5G gần đây tại thủ đô Riga của Latvia vào tháng 10.
Theo các chuyên gia, có một xu hướng ngược đang diễn ra. Nếu như trước đây, những đổi mới về quân sự dần được thương mại hóa và ứng dụng vào đời sống - như Internet, lò vi sóng và thậm chí cả băng keo - thì ngày nay, ngành công nghệ đang dẫn đầu trong việc chuyển giao từ cuộc sống hàng ngày trở lại chiến trường. Các thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, như Amazon Web Services (AWS), Google và Microsoft đều đang tăng cường nỗ lực phát triển công nghệ lưỡng dụng, theo Politico.
Các công ty công nghệ gần đây đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine. Starlink của Elon Musk cung cấp các giải pháp internet vệ tinh cho binh lính Ukraine. AWS đã giúp chính phủ ở Kiev xóa dữ liệu cần thiết khỏi các địa điểm bị tấn công. Microsoft và Google đã giúp người Ukraine chống lại làn sóng tấn công mạng.
Tuy nhiên, Google và Amazon đều phải đối mặt với sự chia rẽ nội bộ trong những năm qua, khi các nhân viên công khai phản đối các dự án như Project Maven và Project Nimbus cho các dịch vụ quốc phòng ở Mỹ và Israel. Những công ty khác, như Apple, cũng thận trọng thực hiện các dự án trong lĩnh vực phòng thủ.
Tại Liên Hợp Quốc, các chính phủ đang nghiên cứu các quy tắc nhằm hạn chế sự phổ biến của vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot sát thủ, tranh luận về các ranh giới đỏ đối với sự phát triển của ngành chiến tranh thế hệ tiếp theo.
>>NATO bật “tín hiệu” vươn tới châu Á khiến Trung Quốc lo lắng
Công nghệ hóa quân sự
Nhưng nhu cầu ngày càng tăng và lợi nhuận khổng lồ tiềm tàng vẫn thúc đẩy các công ty công nghệ lớn nhỏ của phương Tây điều chỉnh chiến lược hoạt động nhằm phục vụ thị trường quốc phòng.
Exonicus, một công ty khởi nghiệp ở Latvia khởi đầu trong lĩnh vực hình ảnh 3D để giúp sinh viên y khoa nghiên cứu cơ thể con người, hiện đã chuyển sang cung cấp một trình mô phỏng chấn thương thực tế ảo để giúp huấn luyện binh sĩ đối phó với các chấn thương thông thường trên chiến trường.
Snowball của Amazon Web Services của Mỹ đã phát triển một “hộp xám” nhỏ gọn như một giải pháp lưu trữ đám mây từ xa. Đối với binh lính, giải pháp này giúp giải quyết được vấn đề vận hành thiết bị lớn ở khoảng cách xa vì cho phép truyền hàng terabyte dữ liệu dữ liệu mà không cần chi phí mạng cao, thời gian trễ hoặc các vấn đề bảo mật.
Ông Neil Beet, Giám đốc phát triển phần mềm tại AWS cho biết: “Ngành công nghiệp đang phát triển với tốc độ nhanh đến mức quốc phòng muốn được hưởng lợi từ công nghệ hiện đại như thế này”. Không có gì chúng tôi chế tạo dành riêng cho quốc phòng, tất cả đều là công nghệ thương mại sẵn có, được thiết kế để có thể tương tác, sẵn sàng với tốc độ nhanh và có thể thay thế được.”
Vào năm 2022, NATO đã thành lập Quỹ đổi mới NATO (NIF), một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 1 tỷ euro được thiết kế để tài trợ cho công nghệ đầy hứa hẹn về trí tuệ nhân tạo, không gian và công nghệ sinh học.
Ông David van Weel, Trợ lý Tổng thư ký NATO về các thách thức an ninh mới nổi, cho biết, chiến sự Nga-Ukraine là một trong những yếu tố lớn dẫn tới sự gia tăng đầu tư vào lĩnh vực an ninh phòng thủ.
Ông Van Weel cho biết vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh rất khan hiếm, đặc biệt ở châu Âu. Nhưng với nhu cầu an ninh châu Âu gia tăng, điều đó dường như đang thay đổi.
“Cho đến nay, rất nhiều quỹ hưu trí, quỹ đầu tư mạo hiểm và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu không thể đầu tư vào một công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng... Chúng tôi đã thay đổi điều đó bằng cách thành lập một quỹ chỉ có thể đầu tư vào các công ty có mục tiêu sử dụng kép và những gì chúng ta đang thấy hiện nay là thị trường cũng đang thay đổi”, ông Van Weel nói.
Ông Van Weel cho biết thêm, NATO đã thúc đẩy Ngân hàng Đầu tư Châu Âu nhận ra các cơ hội thị trường trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. “Vài năm trước, quốc phòng chắc chắn không được coi là một yếu tố trong Quản trị Môi trường, Xã hội và Doanh nghiệp (ESG). Nhưng ngày nay, các quốc gia châu Âu- nơi gần kề với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, nên thêm chữ D (defense – quốc phòng) vào ESG. Nếu bạn không bảo đảm được an ninh, bạn sẽ không thể có ESG”, ông Van Weel nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu của Nga không chỉ là Ukraine
03:00, 27/11/2023
Viện trợ của Mỹ bị xé lẻ, tương lai Ukraine sẽ về đâu?
04:00, 30/10/2023
Đây là lý do đảng Cộng hòa muốn viện trợ Israel, thay vì Ukraine
04:30, 19/11/2023
Ukraine sẽ tổ chức bầu cử giữa thời chiến?
03:30, 07/10/2023
Nga đã “tấn công” kinh tế Ukraine như thế nào?
03:30, 05/10/2023