Cuộc chiến Hamas - Israel đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch viện trợ của Mỹ giành cho Ukraine. Đến thời điểm này, nguồn lực viện trợ của Mỹ đã bị xé lẻ.
>> Nga đã “tấn công” kinh tế Ukraine như thế nào?
Chính trường Mỹ luôn tiềm ẩn nhiều bất ngờ và điều đó đã xảy ra vào tuần trước, ông Kevin McCarthy bất ngờ bị phế truất khỏi chức Chủ tịch Hạ viện lần đầu trong 234 năm lịch sử của Mỹ. Người thay thế lãnh đạo cơ quan quyền lực này là ông Mike Johnson thuộc đảng Cộng hòa.
Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 14 tỷ USD cho Israel nhưng khẳng định gói này như một phần của dự luật tài trợ an ninh quốc gia tổng thể trị giá 106 tỷ USD, bao gồm 61,4 tỷ USD cho Ukraine và 13,6 tỷ USD cho an ninh biên giới ở Mỹ.
Cơ hội để ông Joe Biden thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ trên ngày càng mong manh, vì những người thuộc phe Cộng hòa ngày càng chiếm ưu thế với luồng quan điểm phản đối cấp thêm tiền bạc, vũ khí cho Ukraine.
Ông Mike Johnson- tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ là đồng minh thân thiết của cựu Tổng thống Trump - người đang khởi động chiến dịch tái tranh cử cho cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2024 - sẽ tìm mọi cách chứng minh đường lối của đương kim Tổng thống là sai lầm!
Ông Mike Johnson đã bỏ phiếu chống lại hai gói viện trợ cho Ukraine từ năm ngoái và đặt câu hỏi liệu Kiev có “hoàn toàn sẵn sàng và minh bạch về việc sử dụng nguồn lực khổng lồ của người nộp thuế Mỹ hay không”.
Bao nhiêu tiền với người Mỹ là không thành vấn đề. Tuy vậy, việc chi tiêu minh bạch, đúng mục đích luôn luôn là vấn đề lớn do bị ràng buộc bởi cơ cấu quyền lực chính trị chồng chéo. Bởi thế, không ít lần chính phủ rơi vào nguy cơ đóng cửa vì không thống nhất được trần nợ công.
Dĩ nhiên, với chiến sự Nga - Ukraine, phe đối lập càng có thêm lý do để chứng minh nó không thuộc phạm vi trách nhiệm và lợi ích sát sườn của Mỹ. Trên thực tế, người dân “xứ cờ hoa” bắt đầu thay đổi thái độ về chiến sự Nga - Ukraine.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos kéo dài 2 ngày đối với 1.005 người trưởng thành ở Mỹ, kết thúc ngày 4/10, cho thấy chỉ 41% số người được hỏi đồng ý rằng Mỹ “nên cung cấp vũ khí cho Ukraine”, 35% không đồng ý và số còn lại không chắc chắn.
>>Vì sao viện trợ Ukraine bị gạt khỏi dự luật ngân sách Mỹ?
Vấn đề quan trọng nhất với Ukraine lúc này không phải là quyết tâm chiến đấu của binh sĩ mà là tiền, Kiev cần khoảng 100 triệu USD/ngày cho chi phí chiến tranh trong bối cảnh nền kinh tế không thể tự lực cánh sinh.
Không dừng lại ở đó, công cuộc tái thiết quốc gia Đông Âu sau chiến tranh dự tính cần đến 500 - 600 tỷ USD. Mỹ và châu Âu sẽ không bao giờ buông bỏ “miếng bánh” béo bở này. Nhưng trước khi nghĩ về lợi ích chiến lược lâu dài, nhà cầm quyền phải đương đầu với áp lực rất lớn từ trong nước.
Nữ Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis nói: “Tôi không muốn người dân Hoa Kỳ phải trải qua những gì họ đang trải qua hiện nay, tức là phải sống bằng đồng lương hàng tháng, để trang trải cho cuộc chiến ở Ukraine. Tôi rất muốn giúp đỡ Ukraine và tôi nghĩ đó là điều tôi có thể đạt được, nhưng sẽ không thể nếu người dân không được trả tiền lương.”
Sự kiện Hamas tấn công Israel ngày 7/10 làm bùng phát cuộc chiến đẫm máu tại Trung Đông khiến đồng minh Ukraine bị phân tán nguồn viện trợ. Rõ ràng, Washington không thể bỏ rơi đồng minh Tel Aviv, nếu không muốn nói rằng vai trò của Israel tối quan trọng với Mỹ trên bản đồ địa chính trị quốc tế.
Có thể bạn quan tâm