Bất chấp khủng hoảng ngân sách, Đức vẫn kiên định kinh tế xanh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/11 cho biết chính phủ của ông vẫn sẽ "đầu tư mạnh mẽ" vào quá trình hiện đại hóa và chuyển đổi xanh của nền kinh tế bất chấp khủng hoảng ngân sách.
Đức cam kết theo đuổi tăng trưởng xanh
Thủ tướng Đức tuyên bố “bây giờ chúng ta phải đảm bảo rằng Đức có thể chuyển đổi nền kinh tế và duy trì khả năng cạnh tranh như một quốc gia công nghiệp hóa mạnh mẽ”, thông qua việc “phải đầu tư mạnh mẽ" và "làm mọi thứ có thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đức và châu Âu”.
>>Suy thoái cận kề, Đức "ra tay" vực dậy nền kinh tế
Dù vậy, lãnh đạo Đức không cung cấp thông tin cụ thể về cách thức liên minh cầm quyền của ông sẽ chi trả cho việc này như thế nào giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân sách đã hạn chế mạnh mẽ khả năng chi tiêu của Berlin.
Vấn đề đối với ông Scholz là phe đối lập bảo thủ khó có thể đồng tình với các đề xuất mới, khiến liên minh cầm quyền ba bên gần như không có lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngân sách đang diễn ra.
Liên minh của Thủ tướng Đức đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ đầu tháng 11 này khi Tòa án tối cao của Đức ra phán quyết rằng việc chính phủ tái sử dụng 60 tỷ euro còn sót lại từ quỹ khẩn cấp COVID-19 cho các dự án khí hậu là vi hiến.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ Đức bị hạn chế trong việc rút tiền từ nhiều loại quỹ đặc biệt khác.
Cuộc khủng hoảng ngân sách đã buộc chính phủ phải đóng băng các ủy quyền chi tiêu mới và tạm dừng phê duyệt ngân sách năm tới. Nó cũng buộc chính phủ phải tìm cách ban bố tình trạng khẩn cấp trở về trước và đình chỉ "phanh nợ" cho năm 2023. Chính phủ của Scholz hôm thứ Hai đã công bố ngân sách bổ sung cho năm 2023 mà Quốc hội phải phê duyệt.
Trước tới nay, Đức thường có các quỹ đặc biệt phục vụ các mục đích đặc biệt, nhằm tránh để các khoản đầu tư lớn được tính trong ngân sách thường xuyên của quốc gia. Cách làm này giúp nước Đức tránh các đòn bẩy nợ được quy định trong hiến pháp của đất nước, vốn hạn chế thâm hụt liên bang ở mức 0,35% GDP, trừ trường hợp khẩn cấp.
Tham vọng bị nghi ngờ
Hiện vẫn chưa rõ liên minh cầm quyền sẽ thu hẹp khoảng cách ước tính 20 tỷ euro trong ngân sách năm tới như thế nào. Nhưng việc tài trợ cho một số khoản trợ cấp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Đức đang bị nghi ngờ do khủng hoảng ngân sách. Đó bao gồm các khoản trợ cấp để giúp các nhà máy thép chuyển đổi sang năng lượng hydro, cũng như đầu tư vào các nhà máy pin và vi mạch.
Tuy nhiên, với phát biểu mới nhất rằng chính phủ vẫn sẽ tài trợ cho những khoản đầu tư, những người ủng hộ kinh tế xanh ở Đức có quyền hi vọng. Ông Olaf Scholz nói các cường quốc hàng đầu đều đang “bận rộn đầu tư ồ ạt vào tương lai” và Đức không được để mất vị thế trong cuộc cạnh tranh này mà phải “giữ vị trí dẫn đầu”.
Thế nhưng, sự phản đối kịch liệt từ các đảng phái trung hữu và cực hữu cho thấy kế hoạch của Thủ tướng Đức sẽ không hề dễ dàng.
Ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu (CDU), chỉ trích, “Bạn không biết đất nước này sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới”.
Theo đó, ông này cho biết đảng của ông sẽ không ủng hộ việc cải cách "phanh nợ" để cho phép chính phủ có nhiều quyền tự do tài chính hơn. Merz cũng đe dọa sẽ đưa ra thách thức pháp lý nếu chính phủ của ông Scholz cố gắng đình chỉ phanh nợ một lần nữa vào năm 2024 bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp. Điều đó dường như khiến chính phủ cầm quyền Đức có ít lựa chọn ngoài việc cắt giảm chi tiêu. Vào thời điểm kinh tế trì trệ kéo dài, những cắt giảm như vậy dường như không phù hợp, theo nhiều chuyên gia.
Dù vậy, trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Đức đã cam kết rằng cuộc khủng hoảng ngân sách sẽ không ảnh hưởng đến các lợi ích xã hội, chẳng hạn như trợ cấp trẻ em và lương hưu.
Một gợi ý về giải pháp đã được ông đưa ra, khi cho biết khoản trợ cấp nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ khỏi giá năng lượng cao - được tài trợ thông qua quỹ đặc biệt trị giá 200 tỷ euro - sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Khoản trợ cấp ban đầu được cho là sẽ kéo dài đến cuối tháng 3/2024, nhưng lãnh đạo Đức nói rằng nó không còn quan trọng nữa vì giá năng lượng đã giảm.
Dù vậy, việc không nêu rõ chi tiết các giải pháp hoặc dấu hiệu cụ thể nào về thời điểm chính phủ đưa ra ngân sách cho năm 2024, khiến các chuyên gia lo ngại về các mục tiêu tham vọng của Đức. Bởi nếu ngân sách năm tới không được hoàn tất trước cuối năm 2023, chính phủ Đức sẽ cần bắt đầu năm 2024 với ngân sách khẩn cấp.
>>Kinh tế Đức đang đi vào "vết xe đổ" của hơn 20 năm trước?
Lo ngại càng gia tăng khi các thành viên trong chính phủ của ông Scholz đã nói rằng sẽ không có thỏa thuận nhanh chóng về ngân sách năm tới dù thời điểm cuối năm đang tới gần.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, viết trong một lá thư gửi tới liên minh cầm quyền của Đức: “Vẫn cần những nỗ lực đáng kể để hoàn tất ngân sách liên bang năm 2024…Chúng ta sẽ phải có những cuộc thảo luận chuyên sâu, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng”.
Có thể bạn quan tâm
Hé lộ nguyên nhân kinh tế Đức "mất phanh"
04:30, 24/11/2023
Châu Âu "lục đục nội bộ" về cách tiếp cận xung đột Israel - Hamas
04:00, 12/10/2023
Dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ Trung Quốc - Đức
04:00, 08/10/2023
Đức "nghiện” pin xe điện Trung Quốc
04:00, 20/09/2023
Châu Âu "lục đục" nội bộ vì ngũ cốc Ukraine
04:30, 18/09/2023