Quan hệ giữa Đức và Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu khởi sắc khi hai bên thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực tài chính.
>> Đức "nghiện” pin xe điện Trung Quốc
Đức và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung sau cuộc Đối thoại tài chính giữa hai nước tại Frankfurt, trong đó đưa ra 25 điểm nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đầu tư vào thị trường vốn.
Những điểm mới đáng chú ý bao gồm bỏ qua việc đề cập đến Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bên cạnh đó, Trung Quốc cho biết, họ sẽ nỗ lực dỡ bỏ những trở ngại có thể xảy ra đối với các giao dịch xuyên biên giới. Hai nước cũng nhất trí tiếp tục hợp tác với các thành viên G20 để giải quyết vấn đề giảm nợ cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Cuộc đối thoại được diễn ra trong bối cảnh Đức đang có chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc và ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở Liên minh châu Âu về việc “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ với Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cho biết, động thái này cho thấy Đức vẫn coi trọng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc bất chấp căng thẳng địa chính trị. Ông Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết: “Bản thân việc ký kết đã mang những giá trị nhất định. Đó là việc xây dựng lòng tin giữa hai bên và việc cập nhật thỏa thuận có thể sẽ mở ra những bước cải thiện trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước".
Đồng quan điểm, ông Chong Jia Ian, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết, cách tiếp cận của Berlin phần lớn giống với cách tiếp cận của các đồng minh phương Tây – họ coi Trung Quốc là “mối đe dọa” an ninh quốc gia và Bộ Nội vụ Đức đang cân nhắc lệnh cấm thiết bị Huawei trong mạng viễn thông của nước này. Tuy nhiên, Đức ngần ngại thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế nước này. Bởi Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với Đức và EU.
Gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo cần chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại, trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang điều tra việc Trung Quốc trợ cấp cho xe điện. Nhưng ông Frederick Kliem, chuyên gia người Đức tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết Đức “rất cảnh giác” với bất kỳ biện pháp trả đũa nào của Trung Quốc nhằm đáp lại cuộc điều tra của EU.
"Đức là nước xuất khẩu lớn nhất của EU sang Trung Quốc và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bất kỳ sự trả đũa nào", chuyên gia này nói thêm.
Trên thực tế, Berlin vẫn coi Trung Quốc là một phần không thể thiếu trong nỗ lực phối hợp để giải quyết các vấn đề toàn cầu và là một đối tác kinh tế quan trọng.
Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc ở khu vực châu Âu trong 7 năm liên tiếp. Theo số liệu chính thức của Đức, thương mại song phương đạt kỷ lục 298 tỷ euro (312 tỷ USD) vào năm 2022. Vào năm ngoái, Đức đã đạt mức đầu tư kỷ lục 11,5 tỷ euro vào Trung Quốc, theo Ngân hàng Trung ương Đức, Deutsche Bundesbank. Các nhà đầu tư lớn nhất của Đức tại thị trường Trung Quốc là Volkswagen, Mercedes-Benz và BMW.
Tuy nhiên, những lo ngại về rủi ro địa chính trị đã lan sang lĩnh vực đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc. Theo báo cáo của Reuters trích dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu kinh tế Đức cho thấy, mức đầu tư vào Trung Quốc đã giảm xuống còn 10,31 tỷ euro trong nửa đầu năm 2023 từ mức 12 tỷ euro vào cùng kỳ năm ngoái.
“Sẽ rất thú vị khi xem cách Bắc Kinh thực hiện những gì đã đưa ra trong tuyên bố chung với Berlin, đặc biệt là khi xét tới những tác động mà những thỏa thuận này có thể tạo ra trong cuộc tranh luận của châu Âu về Trung Quốc, và việc Bắc Kinh coi Berlin là đối tác đặc biệt ở châu Âu,” Lily McElwee, Học giả về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết.
Có thể bạn quan tâm