Câu chuyện khởi nghiệp từ “chả ống tre”
Với mong muốn lưu giữ hương vị đặc sản quê hương Quảng – Đà, anh Trương Thanh Hiên (Quảng Nam) đã khởi nghiệp với sản phẩm chả bê ống tre từ nguyên liệu xanh.
>>Martech cho startup Việt
Không chùn bước trước thất bại
Từ bỏ công việc ổn định với vị trí kế toán tổng hợp Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai, anh Trương Thanh Hiên (SN 1986, quê ở xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) ôm mộng về quê khởi nghiệp. Anh bắt đầu với việc tạo trang thương mại điện tử chỉ điểm thuốc đông y, nhưng vì ít người quan tâm, không còn đủ vốn để tiếp tục duy trì nên phải dừng lại. Sau đó, anh kinh doanh nhà hàng và buôn bán nhỏ, nhưng bản thân thấy không có gì ý nghĩa nên cũng từ bỏ. Trải qua 3 lần thất bại, sau cùng, anh quyết định rẽ lối sang con đường khởi nghiệp với đặc sản chả bê Cầu Mống.
Chia sẻ về cơ duyên đến với hành trình khởi nghiệp, anh Hiên cho hay bản thân muốn làm điều gì đó cho cộng đồng, mà trước tiên phải nuôi sống bản thân, gia đình. Được bạn bè giới thiệu, anh định hướng kinh doanh từ đặc sản chả quê hương. Đồng thời, đây sẽ là một viên gạch nhỏ trong việc xây dựng thương hiệu chả bê ống tre được thế giới biết đến. Anh tận dụng ống tre vì đây là thế mạnh của Việt Nam, mong muốn mang hình ảnh cây tre gắn liền với văn hóa ẩm thực quê hương.
“Đó là sự lựa chọn, không phải cố tình”, anh Hiên nói.
Chả bê là sản phẩm truyền thống, quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tìm hướng đi riêng và tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm của mình, anh Hiên đã mày mò, học hỏi nhiều nơi, tìm ra “công thức” riêng của sản phẩm chả ống tre.
Xuất phát là một dân “tay ngang” chưa có nhiều chuyên môn, kinh nghiệm trong việc sản xuất, anh Hiên tốn khá nhiều thời gian tìm hiểu, học nghề, thử nghiệm cho đến bước hoàn hiện. Sau nhiều lần thất bại, anh tìm ra kĩ thuật riêng để tạo nên sản phẩm chả bê ống tre vừa lưu giữ hương vị món ăn truyền thống, vừa mang nét độc đáo, ấn tượng.
“Trước đó, tôi nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm khá lâu. Đến năm 2020, tôi bắt đầu tìm thầy học nghề. Năm 2021, cho ra thị trường sản phẩm chả bê ống tre đầu tiên và được bạn bè, người thân rất ủng hộ. Cùng động lực đó, đầu năm nay, tôi tiếp tục làm thêm chả heo ống tre, tôm chua ống tre và xúc xích. Mỗi năm nghiên cứu cho ra thêm món mới để dần hoàn thiện công thức sản phẩm”, anh Hiên chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết là quyết định kinh doanh khá liều lĩnh. Từcông sức đến thời gian, anh Hiên cho hay đã dành nhiều thời gian cho việc chọn sản phẩm, đến cái tên, đặc biệt là phải luôn đặt giá trị cộng đồng lên hàng đầu. Chưa kể đến giá tre luôn cao hơn so với lá chuối, và phải đo lường được thời gian sử dụng sản phẩm...
Để tạo nên những sản phẩm khác biệt so với thị trường, anh Hiên sử dụng phương pháp làm chả ống tre hoàn toàn thủ công, không sử dụng các chất phụ gia, làm nên một ống chả “mọi”, thiên về tự nhiên, ít gia vị, vị chả thật.
“Sản phẩm thủ công nên công đoạn khó nhất là lựa chọn nguyên liệu, sau đó là chọn ống tre phù hợp. Lúc bắt đầu làm, không biết ống tre như thế nào mới phù hợp, thử từ ổng nhỏ, ống dày, ống mỏng,... hỏng rất nhiều, nhưng rồi từ từ nghề nó dạy mình hoàn thiện từng bước một. Khoảng hơn 1 tiếng là xong một sản phẩm chả ống tre. Nhưng nghĩ lại thì bản thân mất gần 6 năm để vừa nghiên cứu, vừa kinh doanh thì cũng rất đáng”, anh Hiên cho biết.
Xu hướng tiêu dùng hiện nay thiên về các sản phẩm truyền thống đơn giản mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe. Chả ống tre ra đời với định hướng phát triển thủ công từ nguyên liệu xanh, đồng thời góp phần tạo động lực hình thành ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên hiện nay.
Sản phẩm “xanh”– giá trị vì môi trường
Sản phẩm “Chả bê Cầu Mống Cocimo” sử dụng các ống tre đổ trực tiếp chả vào, định hình, một đầu ống bọc giấy bạc. Chứa chả trong ống tre, khi hấp dậy mùi thơm tre nứa đặc trưng, hương vị tự nhiên. Anh Hiên đích thân tìm nguồn ống tre uy tín từ nhiều nơi, luộc qua nước sôi để đảm bảo loại bỏ vi khuẩn có thể ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
“Lợi thế của ống tre là khi khách hàng hấp chả, nước không tràn vào, đặc biệt chả giữ được độ tươi ngọt, chất lượng không thay đổi, tạo nên nét đặc trưng chỉ có ở sản phẩm bên Cochimo”, anh Hiên nói.
Anh Hiên cho biết thêm, “Chả bê Cầu Mống Cocimo” luôn hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm “xanh”, tự nhiên, an toàn, không chứa thành phần độc hại. Đa phần các công đoạn được xưởng thực hiện thủ công, trừ công đoạn dùng máy hỗ trợ xay thịt. Nhân công được chính anh Hiên đào tạo từng công đoạn, họ là những thân, bạn bè, người dân tại quê hương anh.
Sản phẩm mang theo ước mơ vì cộng đồng, xã hội, tạo việc làm cho người lao động, nguồn nguyên liệu đặc trưng Việt Nam như bê non, tôm, tre… có giá trị hơn. Hơn 5 năm học nghề, phát triển sản phẩm, “Chả bê Cầu Mống Cocimo” có mặt trên nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Anh Hiên bày tỏ: “Trong thời gian sắp đến, tiếp tục phát triển đại lý phủ rộng trên 63 tỉnh thành để đông đảo người Việt Nam được tiếp cận, được thưởng thức một “sản phẩm xanh” của chính người Việt tạo nên”.
Nhắc đến hành trình khởi nghiệp, anh Hiên gặp khó khăn trong tìm người đồng hành, nguồn nhân lực… để có thể nhân rộng, xuất khẩu sản phẩm rộng ra thế giới. Anh từng bước đưa sản phẩm đến các hội chợ; đặt các ki ốt tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; phân phối cho các đại lý bán lẻ; tìm hiểu về tiêu chí đạt chuẩn sản phẩm OCOP địa phương, quốc gia...
Nhờ ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, bắt kịp xu hướng người tiêu dùng hướng về thực phẩm xanh, hệ thống “Chả bê Cầu Mống Cocimo” của anh Hiên từng bước phát triển và định vị thương hiệu trên thị trường. Hiện nay, bình quân mỗi tháng anh bán ra hơn 1,5 tấn hàng với tổng doanh thu gần 400 triệu/ tháng. Theo đó, xưởng sản xuất có khoảng 8 nhân công làm việc, 2 nhân viên với mức lương trung bình 6 triệu đồng/ tháng.
Mỗi giai đoạn, anh Hiên tập trung tìm hiểu, phát triển thêm các sản phẩm mới để tiếp cận rộng rãi khách hàng từ học sinh đến phụ huynh... Cung cấp sản phẩm sạch, an toàn, vì môi trường, vì sức khỏe cộng đồng.
Anh Hiên xây dựng thương hiệu chả ống tre với phương châm “Chả thật, chất lượng thật”, hạn chế dùng túi nilong – tạo đặc trưng riêng cho thương hiệu. Nhằm phát triển thương hiệu, anh Hiên tham gia vòng loại chương trình Shark Tank hồi tháng 3, thuyết phục các nhà đầu tư đồng hành cùng anh phát triển thương hiệu. Đồng thời, phát triển quảng bá trên mạng xã hội, mở rộng các cơ sở, tìm kiếm đối tác đầu tư, từ đó sản phẩm “xanh”– giá trị vì môi trường được phổ biến đến người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Công ty khởi nghiệp phân tích và dữ liệu không gian Hydrosat huy động được 20 triệu USD
01:39, 26/04/2023
Công ty khởi nghiệp hậu ENTER mở rộng thị trường tại Đức và châu Âu
01:05, 24/04/2023
Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông
00:29, 23/04/2023
Công ty khởi nghiệp CoreWeave huy động thành công 221 triệu USD từ Magnetar Capital
00:56, 22/04/2023