“Nhà giáo quân đội” khởi nghiệp thành công từ đam mê trầm hương

TUẤN VỸ 02/06/2023 02:10

Từng là giáo viên tại một trường dạy nghề quân đội, song anh Trần Thế Hiển (Quảng Nam) đã rẽ lối sang con đường khởi nghiệp với các sản phẩm từ trầm hương mang lại nguồn thu nhập ổn định.

>>Trợ lực cho khởi nghiệp Quảng Nam

Năm 2010, anh Trần Thế Hiển (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu công tác giảng dạy tại Trường cao đằng nghề số 5 (TP Đà Nẵng). Trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, anh Hiển nhận thấy các thiết bị trong môi trường học tập khá đắt đỏ và học viên lại ít có cơ hội được thực tập, rèn giũa kỹ năng để thành thục trước khi tốt nghiệp.

Nghĩ đến đó, nhà giáo Trần Thế Hiển đã lên kế hoạch chế tạo máy móc để vừa phục vụ hỗ trợ kinh tế gia đình, vừa hỗ trợ đào tạo học viên và hỗ trợ được cho cả người dân trong sản xuất, kinh doanh. Sau khi được kết nối với một số hộ kinh doanh sản phẩm từ trầm hương, anh Hiển đã lên ý tưởng sản xuất máy gia công gỗ trầm để nhận gia công mặt hàng.

Từ giáo viên rẽ lối sang khởi nghiệp,

Từ giáo viên rẽ lối sang khởi nghiệp, anh Trần Thế Hiển gặt hái được nhiều thành quả lớn cho hành trình của mình.

“Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí mua sắm thiết bị. Nguồn thu nhập từ việc đi dạy không được bao nhiêu mà còn phải lo trang trải gia đình nên để mua sắm thiết bị là rất khó. Lúc ấy gia cảnh khó khăn nên việc đi vay mượn cũng không được suôn sẻ. Đành lòng phải hà tiện chi tiêu cá nhân để sắm từng món một, đến vài tháng mới hoàn thành được máy gia công hoàn chỉnh trong khi nếu đủ kinh phí thì chỉ cần một tuần”, anh Trần Thế Hiển chia sẻ.

Năm 2014, chiếc máy gia công trầm hương “made by Thế Hiển” ra đời và nhận được các đơn hàng đầu tiên. Mỗi ngày anh Hiển hỗ trợ các hộ kinh doanh vài chục sản phẩm hoàn thiện từ trầm, từng bước gia tăng thu nhập.

Hiện tại, các cơ sở gia công, kinh doanh

Hiện tại, anh Hiển đã đầu tư hơn 3,2 tỉ đồng cho các cơ sở gia công, kinh doanh.

Từ khi chế tạo được máy, anh Hiển cũng nhận đào tạo thêm cho các học viên đang theo học tại các cơ sở chế tạo cơ khí. Đến tại cơ sở, học viên sẽ được hướng dẫn về chế tạo máy móc, thực hành điều khiển thiết bị cũng như học gia công trầm hương. Như vậy, học viên vừa được đào tạo, vừa kiếm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt.

“Lúc ấy cơ sở vẫn là nhà thuê nên số lượng học viên đến để đào tạo thêm cũng hạn chế. Tuy nhiên mình cũng cố gắng hỗ trợ các em để thành thục thao tác trước khi tốt nghiệp, khi xin việc tại các cơ sở sẽ dễ dàng hơn”, anh Hiển nói.

Đến năm 2017, khi nhận thấy cơ hội khởi nghiệp đã đến, anh Trần Thế Hiển đã lựa chọn rẽ lối hẳn sang nghề gia công, kinh doanh trầm hương. Từ đây, anh chọn cách dừng lại với môi trường học đường để đi theo mục tiêu mới.

Sản phẩm trầm hương sau gia công đem lại giá trị cao, tạo doanh thu ổn định.

Sản phẩm trầm hương sau gia công đem lại giá trị cao, tạo doanh thu ổn định.

Để bắt đầu hành trình khởi nghiệp, anh Hiển vẫn lựa chọn Đà Nẵng làm nơi bắt đầu, là nơi dựng lên cơ sở sản xuất và kinh doanh. Với vốn kiến thức có được, người đàn ông này đã tiếp tục tìm tòi, chế tạo thêm nhiều máy gia công mới, từng bước mở rộng quy mô công xưởng để sản xuất, kinh doanh.

Sau 3 năm khởi nghiệp tại Đà Nẵng, anh Trần Thế Hiển quyết định thành lập một cơ sở gia công mới tại quê nhà Duy Xuyên và một cơ sở khác tại huyện Nông Sơn. Để đảm bảo đầu vào, anh Hiển đã lặn lội đến các vùng nguyên liệu tại Quảng Nam như Tiên Phước, Nông Sơn, Phước Sơn hay thậm chí mua trầm tận Đồng Nai chuyển về.

Đến nay, anh Hiển đã đầu tư cho cơ sở sản xuất trầm hương của mình trên 3,2 tỉ đồng với hạng mục nhà xưởng và thiết bị gia công. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm anh đều tái đầu tư 400 triệu đồng để cải thiện chất lượng sản phẩm.

Hơn 20 nhân công làm việc tại các cơ sở, anh Hiển đã tạo việc làm cho người dân tại địa phương

Hơn 20 nhân công làm việc tại các cơ sở, anh Hiển đã tạo việc làm, thu nhập cho người dân tại địa phương.

Khi đã tạo được uy tín với khách hàng, mỗi tháng cơ sở anh Hiển tung ra thị trường trên cả nước hàng nghìn sản phẩm,  mang lại doanh thu gần 400 triệu đồng.  Với 20 nhân công đang hoạt động tại các cơ sở, mỗi người được chi trả hơn 5 triệu đồng/tháng.

Sau những thành quả đạt được, anh Trần Thế Hiển đã xây dựng mục tiêu xuất khẩu mặt hàng để chinh phục khách quốc tế. Hiện cơ sở anh đã nhận được một số đơn đặt hàng từ Mỹ, Trung Quốc, Lào,...

“Ngoài ra, bản thân tôi cũng đã lên kế hoạch phát triển chuỗi bán hàng trên toàn quốc thay vì bỏ sỉ như trước đây. Cùng với đó là hướng đến đa dạng sản phẩm, sản xuất các mặt hàng theo hướng bền vững, cải tiến hướng đến thân thiện với môi trường”, anh Hiển chia sẻ.

Nhìn về hành trình khởi nghiệp nhiều gian nan, anh Hiển cho rằng bản  thân của chủ thể khởi nghiệp cần có nội lực nhất định, xác định rõ đam mê và hướng đi cho riêng mình. Trong đó, phải biết rằng mình muốn gì, hành động sản xuất kinh doanh phải bắt nguồn từ tâm và dám dấn thân vì đam mê.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hóa: Nuôi dưỡng khát vọng cống hiến cùng thanh niên khởi nghiệp

    Thanh Hóa: Nuôi dưỡng khát vọng cống hiến cùng thanh niên khởi nghiệp

    15:30, 31/05/2023

  • Khởi nghiệp thành công từ chăm sóc sức khỏe cộng đồng

    Khởi nghiệp thành công từ chăm sóc sức khỏe cộng đồng

    10:15, 31/05/2023

  • Công ty khởi nghiệp công nghệ giao thông công cộng Chalo huy động được 45 triệu USD

    Công ty khởi nghiệp công nghệ giao thông công cộng Chalo huy động được 45 triệu USD

    01:28, 30/05/2023

  • Công ty khởi nghiệp Neeva thông báo đóng cửa công cụ tìm kiếm

    Công ty khởi nghiệp Neeva thông báo đóng cửa công cụ tìm kiếm

    01:26, 29/05/2023

TUẤN VỸ