Đầu xuân ngắm bộ sưu tập tranh của hoạ sĩ Trần Lưu Hậu

LÝ ĐỢI 02/02/2022 11:00

Họa sĩ Trần Lưu Hậu là gương mặt đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam, người đã “xé rào” từ hậu ấn tượng cho đến trừu tượng biểu hiện. Tranh của ông được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước "săn đuổi"...

Vàng son tranh Việt

Nhân dịp đầu Xuân mới, Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Lý Đợi, với bộ sưu tập tranh của doanh nhân Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group.

Tác phẩm

Tác phẩm "Khu phố cổ", 110 x135cm, sơn dầu trên vải bố, Trần Lưu Hậu (thuộc bộ sưu tập tranh của doanh nhân Phan Minh Thông)

Khóa mỹ thuật kháng chiến (1950 - 1954) do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng dù chỉ có 22 học viên, nhưng về sau đa số đều thành danh, trong đó có bộ tứ “Hòa - Nhân - Hậu - Kiệm” rất riêng biệt. Trần Lưu Hậu (3/10/1928, Mậu Thìn - 29/2/2020, Canh Tý) không chỉ khác với Nguyễn Trọng Kiệm (1/1/1934 - 29/8/1991), Lưu Công Nhân (17/8/1929 - 21/7/2007) và Lê Huy Hòa (1/9/1932 - 10/1/1997) trong bộ tứ, mà còn khác với nhiều bậc thầy trước và sau ông.

Trần Lưu Hậu

Tác phẩm "Đường phố", 55 x79 cm, màu nước trên giấy, Trần Lưu Hậu (thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Phan Minh Thông)

Trần Lưu Hậu là một trong số ít những họa sĩ tiên phong theo đuổi chủ nghĩa hậu ấn tượng (post-impressionism) và bút pháp trừu tượng biểu hiện (abstract expressionism) tại Việt Nam. Giữa thập niên 1980, khi mà bối cảnh mỹ thuật Việt Nam chưa thể thoát ra khỏi các cái bóng rất cá nhân thầy cô thời Đông Dương, còn chịu nhiều ràng buộc bởi ý thức hệ tuyên truyền - bao cấp và chủ nghĩa hiện thực, việc Bùi Xuân Phái và Trần Lưu Hậu chọn theo chủ nghĩa hậu ấn tượng, vẽ với bút pháp thiên về biểu hiện, được xem là một cuộc xé rào.

Trần Lưu Hậu

Tác phẩm "Phong cảnh", 55x79cm, màu nước trên giấy, Trần Lưu Hậu (thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Phan Minh Thông)

Học khóa kháng chiến, sau trở thành giảng viên mỹ thuật và làm thiết kế sân khấu, bản thân lại vẽ hiện thực rất ngọt, đáng lý Trần Lưu Hậu sẽ trở thành một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực (realism). Thế nhưng ông lại bất ngờ chuyển hướng! Sinh thời, khi hỏi lý do tại sao phải xé rào, ông chia sẻ: “Không phải tôi chống lại chủ nghĩa hiện thực, hoặc thấy hiện thực không đẹp, mà đơn giản là muốn làm cuộc thay đổi với chính mình. Tôi tự thấy mình đã vẽ hiện thực như vậy cũng tạm đủ rồi, ở tuổi tri thiên mệnh, muốn vẽ cái gì đó thật tự do, phóng khoáng, không cần ràng buộc vào bất cứ điều gì, ngay cả chuyện tiền bạc. Suốt một thời gian dài cứ vẽ như vậy, mà có bán được đâu, nhiều người thấy ái ngại, khuyên tôi nên vẽ thêm ít hiện thực cho dễ bán, có đồng ra đồng vô. Nhiều người khác thì cho rằng tôi lẩn thẩn rồi, già run tay nên quậy quọ cho vui vậy thôi, chứ vẽ với vời gì nữa”.

Trần Lưu Hậu

Tác phẩm "Mùa hoa", 110 x135 cm, sơn dầu trên vải bố, Trần Lưu Hậu (thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Phan Minh Thông)

Những bức khỏa thân vẽ theo tinh thần hậu ấn tượng có lẽ là những tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Lưu Hậu, đặt dấu ấn rõ rệt trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Còn những bức tĩnh vật và phong cảnh theo tinh thần trừu tượng biểu hiện thì cho thấy sự phóng khoáng, tự do hiếm gặp, nên càng về sau này, khi nhìn lại, càng thấy hấp dẫn. Mọi sự tự do đều có sự hấp dẫn tự thân của nó, mà nhiều khi qua năm tháng mới nhận ra được. “Nó rần rần chảy từ nguồn năng lượng bên trong, rất cá nhân. Cái bên trong ấy là gì thì có lẽ chính ông cũng không bày tỏ thành lời được, nhưng ông là một trong những họa sĩ tôi yêu thích. Kính phục. Tranh của ông khá thuần túy ngôn ngữ của hội họa, không còn tính văn học như các họa sĩ khác, kể cả Bùi Xuân Phái cũng còn đượm chất văn học” - họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ.

"Cánh đồng lau sậy", màu nước trên giấy, 60x80cm, Trần Lưu Hậu (thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Phan Minh Thông)

Những năm 1980, sự xé rào của ông với hậu ấn tượng và trừu tượng biểu hiện không chỉ là điều mới mẻ tại Việt Nam, mà nhìn ra khu vực Đông Nam Á và một phần của châu Á, cũng là điều khá mới. Không phải cứ chọn trường phái mới thì tác phẩm sẽ mới, bởi suy cho cùng, trường phái cũng như vật liệu và chất liệu, chỉ là phương tiện, còn tư duy sáng tạo và tinh thần tác phẩm mới là chính yếu. “Ba thập niên đầu của sự nghiệp, Trần Lưu Hậu sáng tác cầm chừng, nhưng đến ba thập niên sau, khi đã bước sang tuổi lục tuần, ông như được khai thông long mạch sáng tạo, nên vẽ rất nhiều; sự đổi mới trong tác phẩm của ông cũng trùng với sự đổi mới của kinh tế thị trường. Những tác phẩm hội họa của Trần Lưu Hậu thể hiện được trí óc lịch duyệt, kinh nghiệm từng trải trong một trái tim thanh xuân và tâm hồn trẻ” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận định.

"Sapa", 110 x135cm, sơn dầu trên vải bố, Trần Lưu Hậu (thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Phan Minh Thông)

Bước vào thế kỷ 21, khi đã ngoài 70 tuổi, vậy mà mỗi năm trung bình ông vẽ được 100 - 200 bức, nhiều bức có kích thước khá lớn. Có lần đến thăm xưởng của ông, thấy toan mới và tranh đã vẽ xong rất nhiều, chật ních cả 3-4 tầng nhà. Khác nhiều họa sĩ lớn tuổi và thành danh tại Hà Nội, thường thích “ngồi chiếu cao”, Trần Lưu Hậu thích đi xem triển lãm của các họa sĩ trẻ. “Không mời mà biết tin và đi được là mình cứ đi xem thôi. Xem cho mình mà, có xem cho ai đâu mà đợi mời với kính” - ông nói. Có lẽ nhờ quan niệm này mà ông “trẻ ngược”, càng lớn tuổi càng vẽ sung. Những bức tranh trừu tượng biểu hiện cuối cùng được ông hoàn thành vài ngày trước khi quá yếu và qua đời sau đó, thọ 93 tuổi.

Doanh nhân Phan Minh Thông vượt thách thức với "Vượt lên, những con đường kinh doanh"

Tinh thần tự do, trọng nghệ sĩ tính và thích mở lối đi riêng là những điều mà họa sĩ Trần Lưu Hậu đã để lại cho hậu thế. Đứng trước các bức tranh hậu ấn tượng và trừu tượng biểu hiện của ông, dễ dàng thấy ấy không bị bất cứ điều gì chi phối, ngay cả quan niệm trường quy hoặc tiền bạc, vì vậy mà tranh rất phóng khoáng và mới mẻ” - họa sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Họa sĩ Victor Tardieu với mỹ thuật Việt Nam

    Họa sĩ Victor Tardieu với mỹ thuật Việt Nam

    22:30, 04/08/2021

  • [eMagazine] Phan Minh Thông

    [eMagazine] Phan Minh Thông "Vượt lên, những con đường kinh doanh"

    10:49, 12/11/2021

  • Kphucsinh.vn của Vua Hồ tiêu Phan Minh Thông lên kệ sản phẩm mới K PEPPER

    Kphucsinh.vn của Vua Hồ tiêu Phan Minh Thông lên kệ sản phẩm mới K PEPPER

    16:31, 26/11/2019

  • Phúc Sinh vì sao chọn bán lẻ hàng nguyên liệu đến tận tay người dùng?

    Phúc Sinh vì sao chọn bán lẻ hàng nguyên liệu đến tận tay người dùng?

    12:32, 31/03/2021

  • Phúc Sinh Group trên hành trình mở lối tương lai

    Phúc Sinh Group trên hành trình mở lối tương lai

    11:02, 12/02/2021

LÝ ĐỢI