Họa sĩ Victor Tardieu đến Đông Dương và thành lập trường Mỹ thuật tại Hà Nội.
Nếu bước vào Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay, nằm trên phố Lê Thánh Tông, đến thăm Hội trường Ngụy Như Kon Tum, vẫn còn bức tranh của họa sĩ Victor Tardieu, được phục dựng vào dịp kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương (1906-2006).
Họa sĩ Victor Tardieu (Vic-to Tạc-đi-ơ) đặt chân đến Đông Dương năm 1921 với tư cách là người đoạt Giải thưởng Đông Dương về hội hoạ (Le Prix de l’Indochine).1 Một tình cờ may mắn là sau khi đến Hà Nội không lâu, hoạ sĩ Tardieu đã nhận được một hợp đồng với Phủ toàn quyền cho việc trang trí toà nhà Đại học Đông Dương được xây dựng vào thời kỳ này.2 Việc xây dựng tòa nhà Đại học Đông Dương bị kéo dài, cho nên ông Tardieu đã ở lại Đông Dương lâu hơn dự kiến. Trong thời gian đó ông đã tiếp xúc với một vài nghệ sĩ trẻ Annam có mong muốn làm mới nghệ thuật truyền thống và sẵn sàng tiếp nhận kỹ thuật hội họa phương Tây.
Có dịp hướng dẫn một vài nghệ sĩ trẻ bản địa làm việc, ông xúc động trước tố chất nghệ sĩ của họ. Đồng thời, ông cũng có tình cảm tốt đẹp với con người nơi đây. Khi trả lời báo chí, ông đã bày tỏ suy nghĩ và tình cảm như sau: “Tôi rất yêu mến người An Nam (Việt Nam). Tôi muốn giúp họ tìm lại được diện mạo thực sự của họ (…). Khi tôi đến Đông Dương (…) xứ sở này đã đánh mất diện mạo mỹ thuật của nó. Những truyền thống cổ đã bị bỏ đi và thay vào đó là một phong cách lai tạp".5 Trước hiện tình đó, với một thiện chí, họa sĩ Victor Tardieu đã đề xuất với chính quyền Pháp tại Đông Dương về việc thành lập một trường mỹ thuật, nơi sẽ là vườn ươm các nhà giáo có kiến thức và năng lực để tạo ra công cuộc phục hưng nghệ thuật quốc gia, đồng thời đào tạo cả những thợ thủ công mỹ thuật để tạo ra được các sản phẩm có bản sắc riêng.
Họa sĩ Victor Tardieu đã hồi tưởng lại việc vận động thành lập trường như sau: “Ý tưởng thành lập một trường mỹ thuật hiện ra, một ngôi trường mà ở đó chúng tôi sẽ đào tạo không chỉ giáo viên hội hoạ cho những trường học khác nhau ở Đông Dương mà cùng đó, buổi tối, sẽ là giáo dục dành cho các thợ thủ công mỹ nghệ. Toàn quyền Maurice Long đón nhận dự án này với sự ủng hộ. Nhưng rồi sau đó Toàn quyền Baudoin đã yêu cầu tôi làm một báo cáo về giảng dạy mỹ thuật tại Đông Dương. Người kế nhiệm của ông là ngài Martial Merlin đã quyết định thành lập Trường Mỹ thuật mà năm 1925 tôi đã được giao mở của khai giảng”.
Trường Mỹ thuật Đông Dương đã được thành lập theo nghị định ngày 27/11/1924 của Toàn quyền M.Merlin (Mec-Lanh).7 Họa sĩ Victor Tardieu đã được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Theo nghị định ngày 01/10/1926, thành lập thêm Ban Kiến trúc đào tạo sinh viên trong năm năm học và hoạt động cùng với Ban Mỹ thuật. Cần lưu ý là trước khi thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong quá trình giao lưu và vẽ tranh trang trí cho Đại học Đông Dương, có một nghệ sĩ trẻ nguời Việt có năng khiếu mà họa sĩ Tardieu gặp tại Bắc kỳ, tên là Nam Sơn, đã theo học trường chữ nho, trường Pháp-Việt và có bằng thành chung (giống như bằng THCS, thời đó rất ít).
Họa sĩ trẻ Nam Sơn khi đó đã giúp đỡ ông Victor Tardieu trong công việc8 rồi trở thành học trò của ông. Có thể họa sĩ Nam Sơn đã trình bày với thầy Tardieu ý tưởng thành lập một trường mỹ thuật và mong muốn thầy của mình đứng ra vận động chính quyền Pháp cho thành lập một trường Mỹ thuật ? Trong sách “Les Ecoles d’Arts de l’Indochine” (Các Trường Nghệ thuật Đông Dương) do chính quyền Pháp tại Đông Dương xuất bản năm 1937 đã xác nhận ngắn gọn rằng hai hoạ sĩ Victor Tardieu và Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ là những người sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương: "Để đạt mục tiêu cải tiến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trường Mỹ thuật Đông Dương, còn gọi là Trường Hà Nội, đã được sáng lập bởi hoạ sĩ Victor Tardieu (...). Giảng dạy hội họa và nghệ thuật trang trí được phụ trách bởi một giáo sư kỹ thuật hạng hai, ông Nam Sơn, người là một trong hai nhà sáng lập của Trường".
Gian nan vượt khó, đi đến thành công
Tuy nhiên quá trình vận động thành lập trường gặp đầy trắc trở. Theo họa sĩ Trần Văn Cẩn, người từng là sinh viên và là học trò của họa sĩ Tardieu tại trường: “Thalamas (Ta-la-max), Giám đốc học chính Đông Pháp, mới đầu ủng hộ đề án rồi sau chống lại với lý do là đào tạo nghệ sĩ ở thuộc địa ra trường không có việc làm, thêm rắc rối chính trị”.
Trong nhiều năm sau khi trường được thành lập, còn có những ý kiến phản đối, muốn đóng cửa trường. Bài viết có tiêu đề "Ông Victor Tardieu" trong chuyên mục Mỹ thuật, trên báo Ngày nay, số 166, ngày 17/6/1939, họa sĩ Tô Ngọc Vân với bút danh Tô Tử đã nhắc đến điều này: "Không có một năm nào, trong tám chín năm đầu của Trường Mỹ thuật, ở Đại hội nghị Đông Dương, người ta không kêu gào đóng cửa trường ấy".
Vậy làm thế nào để vượt qua được những thách thức này?
Để đảm bảo cho trường có được những giáo sư, giảng viên có chất lượng, Hiệu trưởng Tardieu đã có những sáng kiến. Theo nghị định thành lập trường, Hiệu trưởng sẽ phải đảm bảo việc vận hành Giải thưởng Đông Dương (điều 3). Trong vai trò này, họa sĩ Tardieu đã đề xuất đổi mới cách tổ chức giải thưởng để mang đến cho trường những giảng viên giỏi. Theo cách mới, người đoạt giải sẽ có hai năm liền để lưu trú ở Đông Dương với khoản kinh phí là 500 đồng bạc piastres (pi-at) hoặc 5000 phăng Pháp. Trong năm đầu, người đoạt giải sẽ được đi du lịch tham quan theo ý muốn trên khắp Đông Dương. Những chuyến đi mức hạng nhất và miễn phí giống như quy định trước đó. Trong năm thứ hai, người đoạt giải sẽ lưu trú tại Hà Nội trong một biệt thự nhỏ gồm một xưởng vẽ rộng, một căn nhà tiện nghi hiện đại nằm trong khu vườn hoa của Trường. Tại đây, họ sẽ phụ trách việc giảng dạy mỹ thuật cho sinh viên năm thứ ba. Nhờ vào giải thưởng này mà những sinh viên có cơ hội được làm việc, học tập dưới sự hướng dẫn của các giảng viên đã được lựa chọn ra trong số những nghệ sĩ ưu tú tinh hoa của Pháp.
Trong quá trình giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương, các giảng viên tại đây, đặc biệt là những năm đầu tiên thành lập trường, ngoài họa sĩ Victor Tardieu, còn có họa sĩ Joseph Inguimberty, đã hướng đến đào tạo nghệ sĩ có một phong cách nghệ thuật đặc trưng, có bản sắc riêng và khuyến khích sinh viên sáng tạo theo hướng đó. Năm 1935, trong một lần được hỏi về Trường Mỹ thuật, ông V.Tardieu đã đề cập như sau: “Trong nghệ thuật, có hai cực: nghệ thuật viễn đông và nghệ thuật Địa trung hải” (và) “Chúng tôi không đào tạo các nghệ sĩ Địa trung hải”. Họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng đã nhận định như sau: “Nếu không có hướng đào tạo đúng, đào tạo nghệ sĩ chứ không phải đào tạo nghệ nhân, sự quyết tâm, bền bỉ của ông Tardieu, thì trường không thể ra đời và tồn tại được.”12 Trường hợp họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là một ví dụ điển hình về việc hướng đến một phong cách riêng mang màu sắc á đông trên nền tảng của kỹ thuật hội họa phương Tây. “Ông Chánh học khóa đầu của trường cùng Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Tường Tam… (…). Thấy ông không hợp với lối vẽ chính thức học thuật và cũng không hợp với sơn dầu, khi đi Vân Nam, Tardieu mang về một số tranh lụa và đồ vẽ tranh lụa cho ông Chánh nghiên cứu. Ông Chánh nghiên cứu thành công, tạo ra một phong cách tranh lụa Việt Nam độc đáo, không tô từng mảng phẳng mà áp dụng ít nhiều quy luật viễn cận về kỹ thuật bố cục hội họa phương Tây. Khác hẳn lụa Trung Quốc và Nhật Bản, mà vẫn giữ được cái chất mờ ảo Á Đông. Bức “Chơi ô ăn quan” thật tuyệt về màu sắc, đặc biệt “gam” nâu. Truyền thống và hiện đại phương Tây kết hợp nhuần nhuyễn. Tardieu tìm cách cho triển lãm tranh lụa Nguyễn Phan Chánh ở Pháp, vận động tạp chí L’Illustration in màu lại, do đó tranh lụa Việt Nam được khẳng định”.
Dù nghị định thành lập trường chỉ quy định đào tạo mỗi khóa trong 3 năm học nhưng trên thực tế đã được nâng thành 5 năm học và đã được áp dụng ngay từ khóa đầu tiên (trừ một vài khóa cuối, do Nhật đảo chính Pháp và dẫn đến phải đóng cửa trường nên không thể thực hiện đủ thời gian đào tạo 5 năm). Chính vì vậy, ngay từ đầu, Trường đã xứng với tính cách Đại học. Việc đào tạo nếu chỉ thực hiện theo chương trình ngắn thì rất khó để hình thành được những nghệ sĩ mỹ thuật. Thực tế chứng minh là những trường mỹ thuật dạy nghề đã được mở ra từ trước đó có số năm học hạn hẹp hơn, chỉ đủ để đào tạo nên phần đa là những thợ mỹ thuật, thợ thủ công mỹ nghệ.
Việc thường xuyên tổ chức các triển lãm và tham dự các triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế rất quan trọng để giới thiệu kết quả đào tạo của Trường mỹ thuật đến công chúng. Triển lãm quốc tế đầu tiên mà các tác phẩm của trường Mỹ thuật Đông Dương tham dự và thành công ngay lập tức là triển lãm năm 1931 tại Pháp. Báo L’Éveil économique de l’Indochine số ra ngày 13/3/1932 có bài (bằng tiếng Pháp) viết về thành công của Trường Mỹ thuật Hà Nội tại triển lãm 1931 như sau: “Những kết quả về vật chất nhận được từ việc bán các bức vẽ tại triển lãm là khá đáng kể, việc bán các tranh đã đạt được khoảng 60 ngàn phăng, riêng sinh viên Nguyễn Phan Chánh đạt 20.000 phăng với những tranh trên lụa. Một Hội thuộc Anh, có tên là "Indian Society", được hình thành từ các vị có danh tiếng về mỹ thuật và khoa học thuộc Anh, chuyên phụ trách về khảo cổ học, văn học và nghệ thuật Hin Đu, đã cử một đại biểu đến thăm quan triển lãm thuộc địa và nghiên cứu rất chi tiết, đặc biệt là về Trường Mỹ thuật. Những Người Anh đã quyết định tổ chức một triển lãm của Trường Mỹ thuật Hà Nội tại Luân Đôn. Triển lãm Luân Đôn nhằm mục đích cho công chúng của Anh thấy rằng Đông Dương đã thành công. Tại Paris, trong tất cả mọi giới đã nói về Trường Mỹ thuật Đông Dương và về những nhân vật có năng lực mà không cần bàn cãi nữa, về sự xứng đáng được tôn trọng như những Chánh, những Nam Sơn, những Lê Phổ”.
Ngoài ra, trường còn tổ chức, tham dự các triển lãm trong nước và quốc tế khác và cũng gặt hái được những thành công. Các triển lãm thành công là một căn cứ quan trọng để thuyết phục chính quyền cũng như dư luận đồng ý, ủng hộ cho sự tồn tại của trường. “Ông già ấy cách đây sáu năm, có một hôm, nửa đêm, đến đấm cửa nhà chúng tôi, vừa hát vừa báo: ‘người ta không đóng cửa trường mỹ thuật nữa!’”.
Như vậy, Trường được thành lập và tiếp đó duy trì được hoạt động là có công lao rất lớn, sự lãnh đạo khôn khéo, tận tâm của Hiệu trưởng, họa sĩ Victor Tardieu cùng với sự giúp sức của các cộng sự của ông. “Người ta cứ phá, ông cứ xây. Xây bằng sự khéo léo, sự nhiệt thành, sự kiên nhẫn. Ông đã thắng. Nên mới có chúng ta ngày nay: những người biết yêu mỹ thuật, nhận mỹ thuật là cần cho sự sống, biết lo bồi đắp mỹ thuật Việt Nam”.
Tưởng nhớ và ghi công
Học trò Tô Ngọc Vân đã viết về thầy Tardieu của mình như sau: “Ông mến học trò. Ông làm cho học trò tin ở mình, ở tương lai. Ông săn sóc ân cần đến họ, như một người cha trông nom âu yếm các con”.15 Theo họa sĩ Trần Văn Cẩn: “Những nghệ sĩ như Tardieu, Inguimberty… đã tạo ra ở trường của họ một ‘không khí nghệ thuật’ chưa có ở Việt Nam: quan niệm về học đại học vì thích cái đẹp chứ không phải ra làm quan, sống bằng nghề tự do, vẽ không những hoa lá, phụ nữ… mà còn nghiên cứu vốn cổ dân tộc, vẽ chùa chiền, đất nước, nông dân…”. Nhưng không may mắn là họa sĩ Tardieu đã mất tại Hà Nội vào ngày 12./6/1937, thọ 67 tuổi . Năm 1938, chính quyền bổ nhiệm nhà điêu khắc Evariste Jonchère, đoạt giải Đông Dương năm 1932 và cả giải thưởng khác của Italia từ Paris sang làm hiệu trưởng mới.
Trong quá trình tồn tại (1924-1945), trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo được những nghệ sĩ, kiến trúc sư có tài năng và danh tiếng. Tiếp theo sáu vị đầu tiên được nhận bằng tốt nghiệp vào năm 1930, những năm học sau đó, trường đã tiếp tục đào tạo và cho ra trường những nghệ sĩ mỹ thuật khác, trong số đó có những nghệ sĩ mà tên tuổi đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu, Nguyễn Tường Lân, Đan Hoài Ngọc, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Trịnh Hữu Ngọc, Hoàng Lập Ngôn… Ngoài ra, trường cũng đào tạo ra những kiến trúc sư thuộc vào những thế hệ đầu của các kiến trúc sư Việt Nam như kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Gia Đức, Hoàng Như Tiếp, Tạ Mỹ Duật… Vì thế, ngôi trường này, họa sĩ Tardieu, cùng các giáo sư giảng dạy tại đây có một vị trí đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam.
Danh sách 10 thí sinh trúng tuyển vào khoá đầu năm 1925 của Trường Mỹ thuật Đông Dương:
1-Nguyễn Tường Tam, Bắc kỳ
2-Mai Trung Thứ, Bắc kỳ
3-Georges Khánh, Bắc kỳ
4-Nguyễn Xuân Phương, Bắc kỳ
5-Công Văn Trung, Bắc kỳ
6-Lê Quang Tính, Nam kỳ
7-Nguyễn Phan Chánh, Trung kỳ
8-Lê Văn Đít, Nam Kỳ
9-Lê Phổ, Bắc kỳ
10-Léan Phan, Campuchia
Nguồn. Báo L’Echo annamite ngày 13.11.1925 : Cuộc thi vào Trường Mỹ thuật- 300 thí sinh tham dự đã được xếp hạng (bằng tiếng Pháp- ảnh bên); (Theo báo cáo của chính quyền thì có 266 thí sinh, có thể báo l›Echo annamite đã làm tròn)
Để ghi nhớ công lao của họa sĩ Victor Tardieu với mỹ thuật tại Đông Dương, chính quyền thời đó đã có những việc làm cụ thể. Vào năm 1938, tượng một phần trên (xin được gọi là tượng bán thân) của họa sĩ Victor Tardieu đã được dựng nên trong khuân viên của Trường Mỹ thuật. Tác phẩm này là do nhà điêu khắc Georges Khánh, học trò khóa một của ông tại Trường Mỹ thuật thực hiện và được đánh giá rất cao. Đã có những hoạt động tưởng nhớ đến ông theo như truyền thống văn hóa Pháp. Một lễ tưởng nhớ ông vào năm 1939 được mô tả lại như sau: “Sau bài diễn văn, một cựu sinh viên đọc bày tỏ sự nhớ tiếc biết ơn ông, ông Loubet đại điện ông giám đốc học chính, cũng nói mấy lời. Ông nói: nếu vào thời trước, có lẽ người An-nam đã dựng đình tôn ông Tardieu làm thành hoàng. Theo phong tục Pháp, chúng ta đã kỷ niệm người ân nhân ấy bằng buổi lễ hôm nay. Cách biểu lộ tuy khác, xong lòng biết ơn không vì thế mà kém thiết tha”. (Bài của Tô Tử, báo Ngày nay, 17/6/1939).
Tên của ông, họa sĩ Victor Tardieu đã từng được đặt cho một con phố tại Hà Nội vào trước năm 1945.
Họa sĩ Victor Tardieu đã sống trong tâm trí nhiều thế hệ học sinh của ông và cả những người yêu mến mỹ thuật. Với những đóng góp to lớn trong giáo dục và đào tạo các nghệ sĩ mỹ thuật giỏi cho nước ta, và với tâm huyết, tình cảm của ông đối với Việt Nam, chúng tôi rất đồng thuận với những ý kiến, những đề nghị rằng Nhà nước, chính phủ Việt Nam nên sớm xem xét để có thể trả lại hoặc đặt tên một còn đường mang tên Victor Tacdieu tại Hà Nội.
Link dẫn: https://tiasang.com.vn/-van-hoa/Hoa-si-Victor-Tardieu-voi-my-thuat-Viet-Nam-28298