Bình Thuận ưu tiên nhà đầu tư chiến lược phát triển bền vững
Là cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận đang có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút những nhà đầu tư chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Định hướng phát triển của Bình Thuận đến năm 2030 sẽ tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu công nghiệp, xây dựng – dịch vụ - nông lâm thủy sản dựa trên các trụ cột du lịch, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế.
Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư 3 trụ cột chính
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” nhằm đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, sớm rút ngắn chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước, ngày 22/9/2019, tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư hướng đến “Kết nối tiềm lực - Phát triển bền vững”. Đây sẽ tạo động lực mới cho các hoạt động đầu tư, đối ngoại của Bình Thuận trong giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Có 3 trụ cột chính mà tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư là: Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị ven biển, khu dân cư; Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo; Nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Dự kiến, tại Hội nghị Xúc tiến Bình Thuận cũng công bố danh mục kêu gọi đầu tư với 45 dự án thuộc 3 trụ cột nêu trên và đặt kỳ vọng rất lớn sẽ thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Trong đó có thể kể đến: Khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi (mức đầu tư 500 triệu USD), Khu vui chơi giải trí tổng hợp trên đường Võ Nguyên Giáp (mức đầu tư 357 triệu USD) và Khu dân cư, đô thị, thương mại dịch vụ Thiện Nghiệp - Phú Long (mức đầu tư 1,2 tỷ USD). Đặc biệt là những dự án quy mô lớn như dự án điện gió ngoài khơi (tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD), dự án điện khí (mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD), Khu công nghiệp Tân Đức (mức đầu tư khoảng 500 triệu USD), ông Phong cho biết.
Ngoài ra, còn kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến sâu Rutin nhân tạo, các dự án đầu tư vào Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (huyện Bắc Bình), Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công… - ông Phong cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
22/9: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019
21:20, 17/09/2019
Thanh long Bình Thuận đến với người dân Thủ đô Hà Nội
15:39, 08/07/2019
Bình Thuận: Đảo Phú Quý sẽ là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế biển
14:10, 25/02/2019
Các tỉnh duyên hải miền Trung và phía Nam tìm đường phát triển bền vững kinh tế biển
18:48, 13/09/2019
Cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư
Cùng với tinh thần hợp tác tích cực, Bình Tluôn coi lợi ích hợp pháp và thành công của nhà đầu tư là lợi ích của chính mình.
Chia sẻ với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh luôn xác định doanh nghiệp, nhà đầu tư là động lực quan trọng. Vì vậy, chính quyền cam kết luôn luôn đồng hành và sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển thành công.
“Chúng tôi cam kết xây dựng tỉnh Bình Thuận là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn với các dịch vụ hành chính công tiện ích, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và chất lượng môi trường sống. Tỉnh Bình Thuận tiếp tục kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển các đô thị văn minh hiện đại theo hướng xanh - sạch - đẹp; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao biển mang tầm quốc gia và khu vực; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh dần được hình thành và đồng bộ, thêm vào đó còn có đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự kiến đưa vào vận hành vào giai đoạn 2020 – 2021, có 3 tuyến cao tốc qua địa bàn Bình Thuận khả năng sẽ sớm được giao mặt bằng và sớm khởi công vào cuối năm nay, gồm các tuyến: Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Cam Lâm. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng Sân bay Phan Thiết cũng đã được tỉnh thực hiện xong và Bộ Quốc phòng cũng hoàn thiện hồ sơ dự án báo cáo Bộ Kế hoạch - Đầu tư để sớm tiến tới thi công. Riêng Cảng Quốc tế Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 50.000 DWT sẽ góp phần nâng cao năng lực giao thông vận tải, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh…
Với những nỗ lực của tỉnh cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian qua, Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 được kỳ vọng tỉnh sẽ tranh thủ được các làn sóng đầu tư chiến lược, thu hút được nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Từ đó góp phần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đưa du lịch Bình Thuận “cất cánh” trở thành điểm đến du lịch cấp quốc gia cũng như phát huy lợi thế về công nghiệp năng lượng sạch. Đồng thời cũng thu hút phát triển trung tâm dịch vụ logistics, khai thác phát huy hạ tầng Cảng Quốc tế Vĩnh Tân kết nối kinh tế vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tạo hành lang kinh tế Đông – Tây; phát triển khu công nghiệp phía Nam Bình Thuận đồng bộ, hiện đại; thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa lớn và hiệu quả.
Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư 2019 quan trọng và ý nghĩa này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai cũng gửi gắm thông điệp tới các nhà đầu tư: “Hđến Bình Thuận và cùng chúng tôi khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương, cùng tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên trải dài từ Bắc đến Nam và gặp gỡ, tìm hiểu các câu chuyện đơn giản, mộc mạc từ những người dân chất phác, thân thiện”.