Một trong những hành động thiết thực của tỉnh Bình Thuận trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển đảo, đó là quyết tâm đưa cảng cá, khu tránh bão tại đảo Phú Quý hoạt động vào năm 2020.
Hiện thực hóa tinh thần của Nghị Quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 36-NQ/TW) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh Bình Thuận đã đề ra các mục tiêu hành động và triển khai thực hiện hết sức cụ thể, trong đó tập chung thực hiện tái cơ cấu toàn diện hoạt động khai thác và tổ chức xắp xếp lại thuyền nghề trên các tuyến, các vùng biển.
Đặc biệt tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình cảng biển, khu tránh bão trên địa bàn tỉnh. Hiện nay đã hoàn thiện được 6/12 cảng cá và khu tránh bão theo quy hoạch. Nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị Quyết số 36 – NQ/TW và quy hoạch phát triển kinh tế đảo quốc gia, Bình Thuận đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai đầu tư, đẩy mạnh tiến độ xây dựng để đưa vào khai thác khu tránh bão và cảng cá Phú Quý với quy mô khoảng 1000 tàu cá với công suất từ 90 đến 100 cv. Đây là dự án được khởi công xây dựng ngày 26/12/2016 với tổng vốn ngân sách đầu tư gần 550 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết:
“Chúng tôi xác định cảng cá và khu tránh bão tại đảo Phú Quý có tầm quan trọng rất đặc biệt bởi vị trí chiến lược của đảo Phú Quý trong kinh tế biển cũng như trong khai thác hải sản hiện nay. Với sự hỗ trợ của Trung ương, Bình Thuận đangtriển khai toàn bộ các dự án khu neo đậu tránh bão Phú Quý. Trong đó tập trung vào đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ dự án vào năm 2020 với kỳ vọng khu tránh bão đảo Phú Quý ra đời sẽ thúc đẩy đảo sẽ là một trong những cái trung tâm khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá trên vùng biển khơi theo đúng tinh thần Nghị quyết 36 cũng như phát triển kinh tế biển đảo của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.”
Hiện nay Bình Thuận đang tập trung vào công tác hiện đại hóa quản lý nghề cá đó là trang bị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhằm giám sát và quản lý đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Ngoài việc kịp thời cứu hộ cứu nạn còn đưa ra các cảnh báo ngăn chặn các trường hợp có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trong công tác quản lý bảo vệ nguồn lực để có thể duy trì bền vững các nguồn lợi thủy sản, Bình Thuận đã triển khai xây dựng đề án quản lý khai thác bảo vệ phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản đến 2025 dựa trên sự chỉ đạo chung về chiến lược phát triển thủy sản theo Luật thủy sản 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Bên cạnh đó Bình Thuận cũng đang nỗ lực để giải quyết và cương quyết xử lý các hoạt động khai thác của loại hình giã cào bay. Loại hình khai thác này không những đã vi phạm luồng tuyến khai thác mà còn có nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản, gây bức xúc dư luận.
“Để triển khai tốt Nghị quyết 36/NQTW về phát triển kinh tế biển,Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã đề ra chương trình hành động hết sức cụ thể, bên cạnh việc hiện đại hóa công tác quản lý và kiểm soát các hoạt động khai thác, bảo vệ, phát triển duy trì nguồn lợi thủy hải sản, Bình Thuận cũng kiện toàn và nâng cao năng lực kiểm ngư,hệ thống quản lý cảng cá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng khai thác cảng cá và khu tránh bão đảo Phú Quý. Đây sẽ là một đầu tàu dẫn dắt và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận trong lĩnh vực khai thác và phát triển kinh tế biển đảo, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.” ông Chiến nhấn mạnh.