Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, tại Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Thuận, tối 19/4/2025.
Phát biểu và nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình yêu cầu tỉnh Bình Thuận tiếp tục thi đua hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021 – 2025, tạo tiền đề vững chắc để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên thịnh vượng, hùng cường với kết quả tăng trưởng hằng năm bình quân đạt hai con số.
Song, để thực hiện thành công mục tiêu trên, Phó Thủ tướng cho rằng Bình Thuận cần tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế và hướng tới những mục tiêu cao hơn để trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia, trung tâm du lịch tầm vóc quốc tế, trung tâm phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Bình Thuận cũng cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, như:
Một là, quan tâm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp theo đúng Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, phát huy dân chủ và tăng cường đoàn kết trong toàn Đảng bộ; Quyết liệt thực hiện và hoàn thành sớm chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Tổ chức bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; các đơn vị hành chính sau sắp xếp phải phát triển mạnh mẽ hơn và phục vụ người dân tốt hơn. Trong đó, đội ngũ cán bộ sau sắp xếp, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị phải có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tận tuỵ phục vụ Nhân dân, có khát vọng phát triển, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Hai là, phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế; phát triển dựa trên sự cân bằng giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, đất liền và biển đảo, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2025 - 2030 đạt hai con số. Khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp về truyền thống, văn hóa, lịch sử và con người Bình Thuận để phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, các dự án nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Ba là, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ. Huy động nguồn lực và có cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu và xu thế trong kỷ nguyên phát triển mới.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, thực hiện tốt các hoạt động và chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa”, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Quan tâm thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Năm là, quan tâm đẩy mạnh công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Tăng cường quốc phòng, bảm đảm an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, tinh, gọn, mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
“Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, chặng đường phía trước của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, nêu cao tinh thần sáng tạo, năng động, ý chí “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực và nắm bắt, tận dụng tốt các cơ hội để bứt phá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và của cả nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.