Quảng Trị: Trăn trở với “ngành công nghiệp không khói” (Bài 2)

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 12/06/2020 07:00

Quảng Trị không thiếu địa điểm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, nhưng chưa có hệ sinh thái đi kèm nên hiệu quả khai thác chưa tốt.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh (Quảng Trị) được mệnh danh là “đất thép”. Có một kiệt tác chiến tranh được thế hệ trước để lại - “làng dưới lòng đất”, địa đạo Vịnh Mốc nổi tiếng.

Ðể bảo đảm cho hàng trăm con người ăn, ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi, dọc hai bên đường hầm người ta xây dựng rất nhiều căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho ba đến bốn người ở. Trong lòng địa đạo có ba giếng nước, một hội trường (với sức chứa 50 người), bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại.

Bên trong địa đạo (Ảnh: Khắc Trà)

Bên trong địa đạo (Ảnh: Khắc Trà)

Cổng vào địa đạo (Ảnh: Khắc Trà)

Cổng vào địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh: Khắc Trà)

Trục chính địa đào dài 2.000m, có tới 18.000 mét khối đất đá được đào lên và bí mật cất dấu ở đâu đó là kẻ thù không hề phát hiện ra. Có giai thoại kể lại rằng, người cho ta cho đất, cát vào túi quần rồi phát tán đi dần dần...!

Và, câu chuyện hôm nay với địa đạo hùng vĩ nhất nước này không chỉ là dấu tích lịch sử mà còn là bài toán kinh tế. Làm sao phát huy nguồn lực độc đáo này thành điểm du lịch hái ra tiền?

***

Năm 1983, địa đạo được đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan, hành hương về lại chiến trường xưa. Nhưng, như chúng tôi đã nói trong bài trước: Quảng Trị: Trăn trở với ngành “công nghiệp không khói” (Bài 1). Để di tích mang hơi thở thời đại, cần trang bị cho nó một hệ sinh thái kèm theo. Đó là “sản phẩm du lịch thứ cấp”.

Gần 20 phút tại quầy bán vé sát cổng vào địa đạo, chỉ thấy nhân viên xuất được 2 vé với mệnh giá 50.000đ/ 1 vé. Chủ bãi gửi xe nằm đối diện cũng đìu hiu, bà chủ có vẻ không quan tâm lắm tới công việc này, tranh thủ hái hồ tiêu, thỉnh thoảng có khách mới vào tiếp.

Khu nhà trung tâm điều hành mọi hoạt động của khu di tích cũng vắng vẻ, trước sảnh chính có một cái tủ kính nhỏ trưng bày sản phẩm bán kèm cho khách tham quan. Đó là một gian hàng nghèo nàn, mặt tủ phủ đầy bụi, có lẽ lâu lắm không ai mua.

Khu nhà điều hành trung tâm vắng hoe (Ảnh: Khắc Trà)

Khu nhà điều hành trung tâm vắng hoe (Ảnh: Khắc Trà)

Thỉnh thoảng có một nhóm du khách vào tham quan (Ảnh: Khắc Trà)

Thỉnh thoảng có một nhóm du khách vào tham quan (Ảnh: Khắc Trà)

Con đường lát đá ong xanh dẫn vào địa đạo ngoằn ngoèo, thi thoảng có một vài biển chỉ dẫn, cổng xuống địa đạo, bảng chú thích lịch sử công trình..., tất cả đều không mang hình hài của một địa điểm du lịch bận rộn.

Tại khu nhà trưng bày hình ảnh, chứng tích chiến tranh cũng vắng lạnh, yên ắng, thỉnh thoảng có một vài nhóm khách năm bảy người vào xem chút xíu rồi trở ra...

Điểm cuối của địa đạo là cổng hướng ra phía biển, từ đó phóng tầm mắt sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hùng vĩ của Tổ quốc, xa xa những con thuyền nhấp nhô theo sóng. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu, hiếm có.

Trên đường trở ra, đối diện với quần thể di tích là dãy chòi quán tạm bợ nhếch nhác, rất nhiều chỗ đã đóng cửa, toang hoác lều bạt. Nếu có quán hoạt động cũng chỉ vài cái ghế con, chiếc bàn nhựa, đôi ba cái võng mắc tạm bợ vào gốc cây.

Tủ trưng bày sản phẩm truyền thống (Ảnh: Khắc Trà)

Tủ trưng bày sản phẩm truyền thống (Ảnh: Khắc Trà)

Nhếch nhác chòi quán trong di tích (Ảnh: Khăc Trà)

Nhếch nhác chòi quán trong di tích (Ảnh: Khăc Trà)

Dãy hàng quán này chỉ bán nước giải khát, đặc sản chỉ là vài gói tiêu khô, mấy bịch thảo dược dùng làm nước uống. Chỉ có thế thôi. Địa đạo hùng vĩ là thế nhưng chỉ 1h đồng hồ là hết chỗ xem!

Theo quan sát, với một khách tham quan, cơ sở này chỉ khai thác được 60.000 đồng, ngoài tiền vé, cùng lắm du khách chỉ nghỉ chân bên quán tạm uống chai nước lọc. Muốn chi tiêu thêm cũng không có dịch vụ.

Phương - cô nhân viên bán vé lanh lợi cho hay: “Trước dịch COVID-19, ngày cao điểm đón 1.000 lượt khách, còn ngay lúc này mỗi ngày tầm 25 - 30 người”. Tức là nếu lượng khách đạt đỉnh, doanh thu mỗi ngày mới đạt 60 triệu đồng (theo tính toán sơ bộ của pv).

Anh Định, Trưởng Ban quản lý di tích nói, tổng cộng có 9 nhân sự vận hành, nhưng do dịch bệnh nên một số lao động đã nghỉ việc không lương.

Du lịch không phải là bài toán tổng thể, mà nó là những phép tính cụ thể, làm sao để kết hợp bán được nhiều dịch vụ càng tốt. Vì sao mấy chục năm qua, vẫn chưa có một trung tâm bài bản bán hàng lưu niệm, đặc sản Quảng Trị, vui chơi, ăn uống..., mọc lên gần địa đạo Vịnh Mốc?

Di tích cầu Hiền Lương (Ảnh: Khắc Trà)

Di tích cầu Hiền Lương (Ảnh: Khắc Trà)

Từ địa đạo này, chỉ mất tầm 30 phút để đến hai địa danh rất nổi tiếng, đó là cầu Hiền Lương (vĩ tuyến 17) và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Hai địa điểm này, bản thân nó đã là những “địa chỉ đỏ” cả nước không ai không biết.

Nhưng tại cầu Hiền Lương cũng lặp lại khung cảnh hoang vắng, đìu hiu suốt mấy trăm ngày trong năm - trừ một vài ngày lễ lớn trọng đại của đất nước. Mặc dù đây là quần thể được đầu tư khá tốt, song không có lấy một bóng cây để che nắng, tạo điểm nhấn!

Còn tiếp...

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Trị: Trăn trở với ngành “công nghiệp không khói” (Bài 1)

    Quảng Trị: Trăn trở với ngành “công nghiệp không khói” (Bài 1)

    05:00, 10/06/2020

  • Quảng Trị: Vì sao nhà máy Hồng Đức Vượng mãi bốc mùi?

    Quảng Trị: Vì sao nhà máy Hồng Đức Vượng mãi bốc mùi?

    05:00, 28/05/2020

  • Quảng Trị: Doanh nghiệp nợ lương, ngóng gói hỗ trợ

    Quảng Trị: Doanh nghiệp nợ lương, ngóng gói hỗ trợ

    14:04, 07/05/2020

  • Quảng Trị: Rực rỡ “làng khoe sắc” ven bãi bồi đón Tết

    Quảng Trị: Rực rỡ “làng khoe sắc” ven bãi bồi đón Tết

    03:00, 07/01/2020

TRƯƠNG KHẮC TRÀ