Ít ai biết giữa một vùng đất nắng đến ngây người lại có một "ốc đảo" quy tụ kỳ hoa dị thảo...
Với người dân Quảng Trị, nhắc đến địa danh An Lạc, phường Đông Giang - Tp Đông Hà, đồng nghĩa với nói đến hai đặc sản trứ danh, đó là hoa và bánh ướt.
“Nghề nâng niu”
Làng An Lạc hình thành bên hông quốc lộ 1A, nép mình bên dòng sông Hiếu nên thừa hưởng dòng phù sa ngọt dịu của con sông này, tạo ra thứ thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, có lẽ nhờ thế mới đủ sức chiều chuộng sự kiêu kỳ, rực rỡ và sang chảnh của loài hoa.
Khác với không khí náo nhiệt trên quốc lộ 1A, khi rẽ ngoặt vào con hẻm nhỏ xuôi ra bờ sông, một luồng không khí mát dịu lạ thường xộc vào sống mũi, miên man khắp da thịt, đó là hương đầu đời của cúc, thược dược, thọ hoàng gia, hồng cổ...
Người ta nói “nâng như trứng, hứng như hoa” chẳng sai chút nào, để thuần phục được tính nết tiểu thư đài các, sự đỏng đảnh của hoa, để chúng tỏa hương khoe sắc ở vùng đất khắc nghiệt này phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Trong cái nắng xuân rực rỡ, anh Hoàng cẩn thận ria từng luồng nước làm mát dãy thược dược vừa hé nụ, đây là thời điểm thúc để hoa bung nở đúng Tết. Khoảng 24 âm lịch một số lượng hoa được mang ra nhà văn hóa trung tâm “đấu sắc” với mai Bình Định, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên.
Ngắm hoa, thưởng cảnh cứ tưởng nghề trồng hoa nhàn hạ như thú tiêu diêu, ai dè nó vô cùng vất vả, cần nhiều kinh nghiệm, hiểu thấu tính cách từng loài hoa để “điều khiển” nhịp sinh học của chúng.
Vườn nhà anh Hoàng năm nay có cúc, thược dược, hồng, thọ hoàng đế, tất cả đã chớm hoa chờ chủ nhân tậu về chơi Tết. Vốn đầu tư khoảng 70 triệu, anh Hoàng dự tính thu về 150 triệu đồng, tính bình quân mỗi tháng thu nhập ròng 10 triệu đồng.
Anh Hoàng kể: “nhìn vậy nhưng phải vật lộn quanh năm với chúng, ra Tết, bán hết hoa là tiến hành đúc lại chậu, tháng bảy âm lịch bắt đầu xuống giống, tháng 10 trở đi là lúc chiến đấu với gió mùa đông bắc, bão, lụt. Tiết trời lạnh khiến cây chậm phát triển, muốn ra hoa đúng thời điểm phải thúc. Có năm thời tiết thuận lợi phải hãm cây đừng cho hoa sớm quá”.
Nhìn dãy chậu thược dược non mơn mởn, cây mập, nụ căng tròn cũng đủ biết sự tài hoa của người nông dân. Với loài hoa này đúng 7 đốt phải bấm ngọn - đốt là khoảng thân giữa hai tầng lá, cây đủ 11 đốt sẽ cho hoa, căn cứ vào đó để canh thời gian cho chuẩn.
Làng hoa chuyển mình
Làng An Lạc bén duyên với nghề trồng hoa khoảng từ năm 1990, thời trước chủ yếu trồng hoa cúc Đà Lạt, cây lùn, hoa nhỏ, ít màu, trồng theo luống phó mặc cho thời tiết, may rủi hên xui “nhờ trời”.
Nhưng nay hoa An Lạc đã vươn lên tầm cao mới, loài cúc tí hon dường như không còn, thay vào đó là vô số cái tên mỹ miều được du nhập như “Mai địa thảo, “Diễm châu”, “Dạ yến thảo”, “Cúc đồng tiền”... vô cùng sang chảnh, làm thỏa mãn mọi giác quan khó tính nhất.
Trang trại hoa của chị Tạ Thị Thúy những ngày này tấp nập người vào ra, hàng chục loài kỳ hoa dị thảo với muôn vàn sắc màu lung linh, cuốn hút mọi ánh mắt người đi đường.
Chị Thúy tâm sự: “tôi yêu hoa vô cùng, mỗi ngày không đến trang trại để tưới, cắt tỉa, ngắm hoa, chờ nụ là tay chân luống cuống không chịu nổi, để trồng được những loài hoa bướng bỉnh này phải học kỹ thuật, tôi bén duyên với nghề từ khi lấy chồng”.
Năm nay gia đình chị đầu tư 700 triệu đồng, không những phụ vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán mà còn cung cấp cho thị trường quanh năm, bất kể thời tiết nắng nóng hay lạnh, vườn nhà chị vẫn bung nụ nở hoa.Có thể bạn quan tâm
05:05, 05/11/2019
09:00, 31/10/2019
Khi được hỏi: Bí quyết từ đâu? Chị nói, “đó là lòng nhiệt huyết cộng với kỹ thuật chăm sóc”. Quan sát một lúc tôi nhận nhận ra rằng, bên những đóa hoa là những con người tỉ mẫn, những chị những anh lấm tấm mồ hôi trên gò má, tay lấm lem bùn đất nhổ từng cọng cỏ, nâng từng cánh hoa.
An Lạc tuy thuộc thành phố từ lâu nay, nhưng người ta vẫn quen gọi là “làng” gắn với hoa từ mấy chục năm nay, thành phố đã có quỹ đất để quy hoạch khu trồng hoa tập trung.
Hoa mang đến vẻ đẹp cho đời, làm thi vị thêm cuộc sống, rồi hoa cũng đem lại cuộc sống no ấm đề huề. Hoa thật kỳ diệu! Phải không?