Quảng Trị: Trăn trở với ngành “công nghiệp không khói” (Bài 1)

Diendandoanhnghiep.vn Quảng Trị vừa có biển đẹp, có đảo xinh nhưng vì sao kinh tế biển đảo, nhất là lĩnh vực du lịch biển chậm phát triển? Chúng tôi sẽ cố gắng tìm câu trả lời trong loạt bài này.

Lần nào cũng vậy, cứ ngồi cà phê với anh (lãnh đạo một Sở quan trọng của Quảng Trị ), chúng tôi tám đủ chuyện trên trời dưới biển. Đương nhiên, không thể thiếu chất liệu chủ đạo là doanh nghiệp, doanh nhân, khó khăn vướng mắc...

Lần này, anh ấy nói rất hào hứng về mấy dự án công nghiệp có tầm cỡ của Quảng Trị mới khởi công năm ngoái, về tương lai kinh tế của địa phương sau mấy năm nữa. Nhưng cũng có những phút giây lắng đọng về vài câu chuyện gọi là “chẳng mấy tự hào” trong tiến trình phát triển khi so sánh với mấy địa phương lân cận.

“Du lịch không sản phẩm” và “tay lái nghịch” là hai “hạt sạn” mà chúng tôi đã nhặt được trong cuộc thảo luận hôm đó về lĩnh vực du lịch tại Quảng Trị. Nó đã gợi ra rất nhiều ý tưởng để phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đủ động lực xách xe lên đường tìm hiểu.

***

Mới 8h sáng, mặt trời đã đỏ rực hằm hè phía đằng đông, mức nhiệt đã đạt mốc 33 độ C, với cái nắng bỏng rát này chỉ có đến với biển là thượng sách. Tin vui là món “giải nhiệt” này Quảng Trị chẳng thiếu, nếu không mu ốn nói là thừa thãi!

Từ thành phố Đông Hà chúng tôi bắt đầu hành trình đến địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Sau quãng đường 15km trên con đường xuyên Á phẳng lì. Mùi cá, mực bắt đầu xộc vào sống mũi, cảm giác rít rát, mằn mặn quấn lấy giác quan... biển ngay trước mặt rồi!

Biển Cửa Việt (Gio Linh - Quảng Trị)

Biển Cửa Việt, Gio Linh - Quảng Trị (Ảnh: Khắc Trà)

Không giống như nhiều miệt biển khác ở Miền Trung, bãi biển Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) vẫn còn giữ được nét hoang sơ, khu dân cư thưa thớt, hàng quán tuy có nhiều hơn trước nhưng cái ăn, cái chơi chẳng có gì khác. Tức là chỉ có tắm biển và ăn hải sản, xong về.

Một quần thể những khu nghỉ dưỡng, khách sạn với quy mô rất khiêm tốn bố trí rải rác ở phía bên kia con đường quốc phòng chạy dọc bờ biển, xen kẽ là những khối nhà loang lổ gạch, đá, bê tông dang dở..., có lẽ đây là một dự án bị “gãy gánh” giữa chừng?

Phải thừa nhận biển Cửa Việt rất đẹp, bờ biển thoai thoải, cát mịn, nước xanh màu canh hến - nói như cụ Nguyễn Tuân; sóng không quá lớn, rất hiếm khu vực có dòng xoáy nguy hiểm. Theo những gì tôi biết, thì đây là những tiêu chí lý tưởng để đánh giá chất lượng bãi biển phù hợp để phát triển du lịch.

Bờ cát thoải, nước trong, sóng dịu...

Biển Cửa Việt, Gio Linh - Quảng Trị với bờ cát thoải, nước trong, sóng dịu...(Ảnh: Khắc Trà)

Nhưng, như đã nói, về với biển để tắm xong lên chòi uống vài lon bia, ăn mấy miếng hải sản đắt đỏ - kiểu dịch vụ du lịch này chỉ thịnh hành cách đây 20 năm về trước. Nếu biển chỉ có thế thì khách du lịch có đặt phòng lưu trú qua đêm? Chắc chắn là không! Nếu có nán lại cũng chẳng có gì để chơi, chẳng nhẽ cứ ngày nào cũng quanh đi quẩn lại hai thứ dịch vụ kinh điển đó?

Từ một góc nhỏ tại biển Cửa Việt, chúng ta cũng logic được vấn đề tiếp theo đang tồn tại trên đất liền, rằng: chính vì vậy nên các cơ sở lưu trú dọc bờ biển không thể mọc lên thêm nữa và mấy khối nhà bỏ hoang kia, có phải vì chủ đầu tư hết tiền hay nhận thấy đầu tư khó lãi.

Trên đường dọc bờ biển, thỉnh thoảng có 1 vài dự án chỏng chơ như thế này (Ảnh: Khắc Trà)

Trên đường dọc bờ biển Cửa Việt, Gio Linh - Quảng Trị thỉnh thoảng có 1 vài dự án chỏng chơ như thế này (Ảnh: Khắc Trà)

Nếu nói Quảng Trị đang cố gắng phát triển du lịch “ít sản phẩm” hoặc “du lịch không sản phẩm” cũng không khác nhau là mấy.

Tiếp tục hành trình theo con đường quốc phòng dọc bờ biển ra phía Bắc, đây là con đường đẹp mịn màng, đủ chổ cho tất cả các loại xe chở khách lớn nhất chạy với tốc độ cao.

Hóa ra, đâu chỉ có biển Cửa Việt mới lý tưởng, dọc ra các xã lân cận như Gio Hải, Trung Giang (Gio Linh) biển vẫn rất thoải, nước vẫn rất trong và hiền hòa, nhìn là muốn lao xuống ngay!

Nhưng càng đi ra, mức độ đìu hiu càng lớn, rải rác vài nhà dân, đối xứng bởi con đường thênh thang là dãy phi lao rậm rịt. Không biết đây là tín hiệu nên vui hay mừng.

Nói thế là bởi nhẽ, ở Đà Nẵng, Nha Trang từng có chuyện phát triển du lịch biển rất cấp tập, resort, khách sạn chiếm hết lối xuống biển của người dân. Âu lo và xót lòng hơn, người ta đã sử dụng đến cụm từ “mất biển”.

Nhưng đổi lại, các địa phương ấy đã biết cách biến lợi thế biển thành con gà đẻ “trứng vàng”. Ngược lại, Quảng Trị có thế mạnh du lịch biển mà nhiều nơi ao ước nhưng chưa có một dự án nào tầm cỡ đủ sức biến tiềm năng thành hiện thực.

Thêm 15 phút đi xe máy, “nữ hoàng của nhưng bãi tắm xứ Đông Dương” hiện ra trước mặt, biển Cửa Tùng (Vĩnh Linh - Quảng Trị). Đó là danh xưng một thời đi vào sách giáo khoa, nhưng nay không còn do xói lở, bồi lấp.

"Nữ hoàng của các bãi tắm ở Đông Dương" chỉ là quá khứ đối với biển Cửa Tùng (Ảnh: Khắc Trà)

Cách Cửa Tùng chừng 15 hải lý (gần 30km), một hình thù chồm ngổm, mờ ảo nổi lên giữa biển khơi chính là đảo Cồn Cỏ (vị trí ở 17°10' vĩ bắc và 107°21 kinh đông) một thời oanh liệt trong mấy cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.

Ngày nay, với diện tích vài km2, Cồn Cỏ được ngân sách đầu tư hạ tầng khá bài bản, các bãi rạn xung quanh đảo đúng chất hoang sơ, thích hợp với du lịch khám phá, lặn biển, câu cá, du thuyền, nghỉ dưỡng... nhưng từ lý thuyết đến hành động là quãng đường rất rất xa!

Trên cầu Cửa Tùng phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy đảo Cồn Cỏ (Ảnh: Khắc Trà)

Đứng trên cầu Cửa Tùng phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy đảo Cồn Cỏ (Ảnh: Khắc Trà)

Dải biển mười mấy km từ Cửa Việt đến Cửa Tùng đang gặp phải những vấn đề cả vi mô lẫn vĩ mô nên mãi không phát triển được. Theo tiêu chí đánh giá khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch, trong phát triển du lịch biển tại Quảng Trị đang mắc mớ ở chỗ “khả năng cạnh tranh của điểm đến” - đấy là một môn khoa học được nghiên cứu rất bài bản ở châu Âu.

Năm 2003, mô hình của Crouch và Ritchie được coi là nghiên cứu nền tảng, là cơ sở lý luận cho những nghiên cứu trong lĩnh vực về khả năng cạnh tranh của điểm đến.

Cụ thể, mô hình đã chỉ ra 36 tiêu chí sử dụng để đánh giá tính cạnh tranh, được chia làm 5 nhóm, bao gồm: Nguồn lực và các yếu tố hỗ trợ; nguồn lực và các yếu tố thu hút khách chủ đạo; các hoạt động quản lý điểm đến; các yếu tố chính sách; quy hoạch phát triển điểm đến, nhóm các yếu tố định tính.

Còn tiếp...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Trị: Trăn trở với ngành “công nghiệp không khói” (Bài 1) tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713561245 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713561245 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10