6 chính sách ưu đãi mới “hút” doanh nghiệp vào Khu kinh tế Thái Bình
6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư mới thuộc các nhóm ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được dành cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong KKT Thái Bình.
HĐND tỉnh Thái Bình vừa ban hành Nghị quyết, quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình giai đoạn từ năm 2020 - 2030.
Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong Khu kinh tế Thái Bình thuộc các nhóm ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng 6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư:chính sách ưu đãi về đất đai; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ san lấp mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN; hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ thủ tục hành chính.
Các nhóm ngành nghề được tỉnh Thái Bình khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế gồm: các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN và hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN; các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp có quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, ít gây tác hại đến môi trường; các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ; các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, Thái Bình đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; có cơ chế đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cho một số doanh nghiệp tầm cỡ lớn phát triển thành doanh nghiệp đầu tàu, hoạt động đa lĩnh vực, có quy mô khu vực và quốc tế để tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đào tạo lao động ở các trình độ, nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch, xác định các công việc và tiến độ mốc thời gian triển khai cho từng dự án để kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Thành lập tổ công tác tiếp nhận thông tin, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án cũng như các nhà đầu tư trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, lập dự án đầu tư và khởi công công trình.
Khu kinh tế Thái Bình bao gồm 30 xã, một thị trấn thuộc huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển với tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha.
Theo quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KKT Thái Bình sẽ được xây dựng và phát triển để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình. Sẽ quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có năng suất chất lượng cao; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Đô, Nam Thịnh, Nam Hưng; đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá…
KKT Thái Bình sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp (golf, casino).
Ngoài ra, KKT còn phát triển các sản phẩm kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan rừng ngập mặn và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của KKT. Du lịch KKT sẽ được kết nối với các hành trình du lịch nổi tiếng trong vùng bằng đường thủy, đường biển, đường hàng không, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hiện đại, đẳng cấp tại các khu vực Cồn Đen, Cồn Vành…
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành
15:17, 30/10/2019
"Không thu hút doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vào Khu kinh tế Thái Bình"
10:38, 30/09/2019
Nhiều ưu đãi "hút" đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình
15:27, 01/08/2019
IDICO muốn được lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình
08:00, 24/09/2018