Siết khai thác cát ĐBSCL
Giới chuyên gia cho rằng, nếu khai thác cát quá mức ở khu vực ĐBSCL, sẽ làm giảm lượng trầm tích bồi tụ, gây tình trạng sụt lún và mực nước biển dâng cao ở khu vực này.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), lưu vực sông Mekong đóng góp lượng trầm tích cho ÐBSCL với tỷ lệ bồi tụ trung bình hàng năm từ 0,3-1,8mm. Lượng trầm tích bồi tụ này sẽ góp phần chống lại tình trạng sụt lún và mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm 50% trong thời gian qua.
Bà Trịnh Thị Long, Giám đốc dự án Quốc Gia của WWF Việt Nam cho biết, sở dĩ có tình trạng giảm lượng phù sa, bùn cát này là do các đập thủy điện và khai thác cát tràn lan. “Việc khai thác cát không có kiểm soát đã và đang làm gia tăng tình trạng sụt lún và các tác động khác như: sạt lở, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Cùng với đó, quy định lỏng lẻo trong khai thác cát đã dẫn tới tỷ lệ khai thác cao hơn khả năng tự bổ sung của sông Mekong”, bà Trịnh Thị Long nhấn mạnh.
Ðể siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát khu vực ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, về tiêu chuẩn, tính năng kỹ thuật, phần mềm hệ thống giám sát trong quản lý khai thác cát trên sông. Điều đó sẽ giúp Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương quản lý chặt chẽ khoa học, chính xác, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khai thác trái phép. Đặc biệt, các phương tiện khai thác cát phải gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị giám sát sản lượng khoáng sản trong khai thác cát.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần tiến hành quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát san lấp cho toàn tuyến sông lớn đi qua nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL, như sông Hậu, sông Tiền và cấp phép khai thác theo lộ trình thích hợp. Điều này góp phần đảm bảo tính đồng đều về độ sâu 2 bên bờ, tránh tạo dòng xoáy cục bộ, gây sạt lở, sụt lún 2 bên bờ sông…”, một chuyên gia đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Cần hạn chế tối đa khai thác cát để giảm sạt lở ven sông
09:02, 22/10/2020
Nghị định 23/2020: “Cơ chế thép” dẹp loạn khai thác cát, sỏi trái phép
04:50, 16/10/2020
Quản lý khai thác cát sỏi tại Quảng Nam (Kỳ 2): Tỉnh “nóng”, huyện “lạnh”?
04:30, 10/07/2020
Khai thác cát tại Quảng Nam, hệ lụy khôn lường
04:50, 09/07/2020