Cơ cấu tín dụng hỗ trợ người dân vùng thiệt hại bão lũ miền Trung - Tây Nguyên
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển bền vững của cả vùng miền Trung, Tây Nguyên triển khai đồng bộ về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của NHNN trên địa bàn.
Hội nghị giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên do Ngân hàng nhà nước tổ chức tại Tam Kỳ vào sáng hôm nay (4/12) nhằm tìm giải pháp thảo gở những khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp tại các tỉnh thành bị thiệt hại do thiên tai gây ra vừa qua…
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú tại Hội nghị giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cho rằng tác động của đại dịch COVID-19, trong 9 tháng đầu năm 2020, GDP toàn quốc tăng trưởng 2,12%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng cùng kỳ những năm trước.
Các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ - doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn duy trì được mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên không đạt mục tiêu đề ra.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong nửa đầu năm 2020, kinh tế 02 vùng miền Trung và Tây Nguyên đang giảm nhanh, là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, xây dựng, bất động sản giảm so với cùng kỳ. Ngành du lịch, dịch vụ có bước hồi phục nhưng còn nhiều khó khăn, sức mua thị trường giảm, lao động bị mất việc làm, giãn việc tăng.
Đối với hoạt động ngân hàng, tín dụng toàn quốc đến 27/11/2020 tăng trưởng 8,46%, Trong khi đó tín dụng đến cuối tháng 10/2020 tại miền Trung chỉ tăng 5,2%, tại Tây Nguyên chỉ tăng 3,78%; tín dụng đối với một số lĩnh vực như DNNVV, nông nghiệp nông thôn của cả 02 vùng tăng thấp, thậm chí còn giảm so với 2019.
Đợt tái bùng phát vào tháng 7 vừa qua, khu vực miền Trung và Tây Nguyên lại tiếp tục phải gánh chịu thêm ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ lớn nhất trong nhiều năm qua.
Các đợt bão, lũ quét, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh m iền Trung và Tây Nguyên bị đình trệ, tiếp tục ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động ngành ngân hàng.
Theo thống kê sơ bộ của chi nhánh các TCTD tại miền Trung và Tây Nguyên, đến 30/11/2020, tổng dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ khoảng 34 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng dư nợ trên địa bàn, đối với 79.610 khách hàng.
Để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, NHNN đã ban hành các Công văn 7751/NHNN-TD ngày 23/10/2020 và 8247/NHNN-TD ngày 12/11/2020 chỉ đạo các TCTD khẩn trương áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt áp lực về tài chính, tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất sau bão lũ.
Hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ, hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tại Hội nghị đã đánh giá mức độ ảnh hưởng của đợt bão, lũ tháng 10-11/2020 đến hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động ngân hàng tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của các TCTD trên địa bàn đối với khách hàng vay vốn; kết quả triển khai cụ thể; khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho rằng mức độ bão, bão lũ tại miền Trung và Tây Nguyên đang ngày càng nghiêm trọng, dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường hơn trong những năm tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xác định việc giải quyết tình trạng này cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương để thích ứng với biến đổi khí hậu vùng miền Trung, Tây Nguyên.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất do ảnh hưởng của bão lũ đang được chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng và xử lý nợ vay theo quy định.
Công tác hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại cũng được các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố xây dựng ban hành một số cơ chế chính sách về miễn giảm phí, lãi suất áp dụng riêng cho người dân các tỉnh bị thiệt hại nặng.
Công tác xử lý khó khăn về nợ vay như cơ cấu, gia hạn, giãn, hoãn nợ cho khách hàng, xem xét miễn giảm lãi vay và bước đầu cho vay mới tái thiết sản xuất, khôi phục kinh doanh sau bão lũ được triển khai. Đến 30/11/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ 262 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay cho dư nợ 31.958 tỷ đồng, cho vay mới 8.375 tỷ đồng; Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện khoanh nợ 86 tỷ đồng, xóa nợ 470 triệu đồng.
"Huy động vốn của khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn có mức tăng trưởng tốt so với mức tăng trưởng của cả nước. Đây là dấu hiệu việc đảm bảo nguồn lực để đầu tư cho vay, phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong khu vực." - Ông Tú cho biết.
Các TCTD vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nền kinh tế; đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng , đơn giản hóa thủ tục cho vay và tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng. Đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển bền vững của cả vùng miền Trung, Tây Nguyên triển khai đồng bộ về tiền tệ, tín dụng, lãi suất và hoạt động ngân hàng của NHNN trên địa bàn. Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; triển khai đầy đủ các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong các ngành/lĩnh vực thế mạnh của vùng như công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng, du lịch, kinh tế biển, cây công nghiệp ....
Ông Tú khẳng định NHNN sẽ chủ động cân đối nguồn vốn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực, cho vay các công trình, dự án kinh tế trọng điểm, các dự án và các chương trình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu của vùng; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần khôi phục kinh tế các địa phương sau dịch là nhiệm vụ cần thiết hiện nay của cả hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Có thể bạn quan tâm
Dự phòng và điều trị HIV/AIDS tại Quảng Nam: Không để ai bỏ lại phía sau!
17:56, 03/12/2020
Vùng trũng Quảng Nam lại bị lũ "ghé thăm"
05:00, 02/12/2020
Nước lũ dâng cao, các vùng trũng Quảng Nam lại "thất thủ"
15:12, 01/12/2020
Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam bắt tay nhau kích cầu du lịch
20:54, 25/11/2020