Do ảnh hưởng của mưa lớn kèm theo việc các thủy điện, hồ chứa xả nước, vùng trũng Quảng Nam lại bị lũ "ghé thăm".
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày cùng với việc các thủy điện, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xả lũ khiến nhiều vùng trũng bị ngập sâu. Theo dự báo của cơ quan khí tượng, mực nước lũ tại các địa phương đều đạt mức báo động II, có nơi đạt mức báo động III.
Theo ghi nhận của phóng viên DĐDN, mực nước lũ trên sông Thu Bồn tại Hội An sắp đạt mức báo động III, dự kiến có thể vượt qua ngưỡng này trong vài giờ tới. Nhiều tuyến đường vào thành phố Hội An cũng như phố cổ đã bị nước lũ "chiếm ngự".
Tại khu vực phường Thanh Hà nước lũ đã cao trên 0.5m, người dân tại khu vực đã dùng đến thuyền nhỏ để di chuyển ra khỏi vùng ngập úng. Khu vực chợ cá Thanh Hà có nơi nước đã cao xấp xỉ 1m, tiểu thương tại chợ đã phải di đi nơi khác để kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Thu - một tiểu thương tại chợ cá Thanh Hà cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây các tiểu thương đã phải dời địa điểm buôn bán đến 5 lần. Mỗi khi các thủy điện xả lũ là nước sông băng qua đoạn bờ kè tiến vào khu vực họp chợ khiến cho việc buôn bán gặp nhiều khó khăn.
"Năm nay lũ đến thường xuyên khiến cho việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, có một đợt lũ còn "nhấn chím" cả khu vực làng gốm Thanh Hà, địa phương phải di dời người dân đến nơi an toàn. Nếu như thời tiết vẫn còn diễn biến xấu có lẽ nước lũ sẽ còn dâng cao, như thế đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều." Bà Thu ngao ngán nói.
Phía dưới chợ cá Thanh Hà là khu vực đường dẫn vào trung tâm phố cổ Hội An, đây là khu vực trũng nhất nên mỗi khi có lũ thì đây sẽ là khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên. Theo nhiều người dân sống tại đây thì tần suất đón lũ năm nay đặc biệt nhiều hơn mọi năm khác. Lũ liên tục "ghé thăm" khiến cho việc kinh doanh không hề thuận lợi, chưa kể đến việc các hộ dân phải thường xuyên bảo quản tài sản nếu không sẽ bị hư hỏng.
"Lũ đến liên tục khiến khách du lịch cũng ít muốn đến tham quan, do đó nên việc mở cửa để buôn bán trở lại càng khó hơn. Có thể chúng tôi phải nghỉ đến hết năm nay, đợt khi mọi thứ ổn định trở lại, chứ cứ như hiện nay thì ngoài việc tốn thêm các khoản chi phí chúng tôi còn tốn thêm nhiều công sức để dọn dẹp." Một hộ kinh doanh tại khu phố cổ nói.
Không chỉ Hội An mà nhiều địa phương khác cũng chịu cảnh tương tự. Tại TP. Tam Kỳ mực nước ngập có nơi đã cao hơn 1m. Nhiều hàng quán phải đóng cửa vì không thể kinh doanh. Người dân địa phương cũng phải đi đường vòng mới có thể qua được các đoạn bị ngập.
Để đảm bảo an toàn trong việc di chuyển của người dân, các địa phương cũng đã thiết lập các chốt khuyến cáo để người dân không qua lại tại các vùng ngập nước. Đối với các khu vực ngập sâu luôn có cán bộ trực chốt để bảo đảm sự an toàn đồng thời nghiêm cấm người dân không qua lại, vớt củi trên sông.
Có thể bạn quan tâm
Biển Hội An hoang tàn (Bài 3): Loay hoay “chống đỡ”
05:00, 26/11/2020
Biển Hội An hoang tàn (Bài 2): Hệ lụy từ đâu?
05:00, 25/11/2020
Biển Hội An hoang tàn (Bài 1): Sống chung với nỗi lo sợ
05:00, 24/11/2020
Người Hội An bàng hoàng khi biển lại sạt lở nghiêm trọng
14:03, 15/11/2020
Hội An lại "chìm" trong nước lũ
12:06, 12/11/2020
Biển Hội An sạt lở nghiêm trọng, sóng "ăn" sập nhà dân
15:20, 08/11/2020
Nước lũ bao trùm phố cổ Hội An
14:12, 07/11/2020