Quảng Ninh: Đâu là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế?
Trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của COVID-19 cùng sự khan hiếm về tài nguyên khoáng sản, tỉnh Quảng Ninh đã định vị lại nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo.
Với hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, giao thông phát triển, cùng hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nếu như năm 2010, tỉnh Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến chế tạo, thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên 841 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Tổng nguồn vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2010 - 2020 đạt gần 69.000 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh, chiếm gần 29% tổng vốn toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp chế biến chế tạo đang được tỉnh Quảng Ninh xác định là động lực tăng trưởng mới của toàn ngành công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ninh phải đạt được ba đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ba đột phá bao gồm: thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng; tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Để thực hiện được điều này, Quảng Ninh phải thực hiện tốt 4 giải pháp cốt lõi gồm: quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Ký, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “ba trong một” gồm: KCN, khu đô thị, khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Từ đó, tạo môi trường sống và làm việc văn minh, hiện đại an toàn, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2020, ngành công nghiệp cả nước đã tăng trưởng 3,36% giá trị so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82% trong năm 2020. Công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.
Còn tại Quảng Ninh, các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thân thiện với môi trường cũng đang được địa phương đẩy mạnh. Bởi trước sức ép về nguồn tài nguyên than ngày một khan hiếm; ngành dịch vụ - du lịch rơi vào khủng hoảng do tác động của COVID-19 thì nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ là động lực tăng trưởng mới của Quảng Ninh.
Theo BQL KKT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020 -2025, tầm nhìn đến năm 2030 với quyết tâm đưa công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trong ba trụ cột chính trong ngành công nghiệp của địa phương.
Trước mắt, trong năm 2021, các KCN, KKT thuộc địa bàn quản lý của BQL KKT dự kiến sẽ thu hút thêm từ 400 triệu đến 500 triệu USD. Trong đó, thu hút mới từ 10-12 dự án, với tổng vốn đạt 350 đến 450 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 5-6 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 50 triệu USD. Các dự án thu hút mới sẽ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ cảng biển theo như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cho biết, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 83 dự án công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung chủ yếu tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Các dự án này có tổng vốn đầu tư đăng ký gần 56.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 24.000 lao động. Việc đầu tư cho công nghiệp chế biến chế tạo giúp người lao động có thêm công ăn việc làm, giảm mức độ nguy hiểm khi lao động. Còn với những doanh nghiệp như chúng tôi sẽ có cơ hội mở rộng thêm được nhiều thị trường trong chuỗi cung ứng sản phẩm, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hiệp định EVFTA.
Được biết, BQL KKT tỉnh Quảng Ninh cũng đang tiến hành thẩm định và hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án mới thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo trong quý I/2021, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng và 33 triệu USD.
Các dự án này bao gồm: Dự án đầu tư nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 KCN Texhong – Hải Hà; dự án Hai Yun Việt Nam; dự án tổ hợp nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế, dự án nhà máy sản xuất công cụ y khoa cùng ở xã Quảng Phong, huyện Hải Hà; dự án khu chế biến đá Cao lanh – pyrophilit Tấn Mài, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà; dự án xây dựng nhà xưởng may mặc, hoàn thiện sản phẩm may mặc tiêu chuẩn cho thuê…
Trước đó, KCN Việt Hưng (TP Hạ Long) đã trở thành KCN hỗ trợ, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô-tô, sản xuất máy móc, thiết bị phụ trợ. KCN Cái Lân đang được quy hoạch, cơ cấu lại, chuyển đổi ngành nghề trở thành KCN thông minh, công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng tiết kiệm, sử dụng hiệu quả đất đai. KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Hải Yên thuộc TP Móng Cái được định hướng là trung tâm công nghiệp thời trang, công nghiệp sáng tạo khu vực phía Bắc. KKT Vân Ðồn được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa, du lịch biển đảo cao cấp và tập trung thu hút đầu tư một số ngành sử dụng công nghệ cao như: y dược, sinh học, công nghệ na-nô, công nghệ năng lượng và môi trường…
Hy vọng với hướng đi mới này, tỉnh Quảng Ninh sẽ hiện thực hoá được mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt 15%; đến năm 2030 đạt 20%. Thu hút vốn đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 đạt trên 45.000 tỷ đồng; giai đoạn 2025-2030 đạt trên 30.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
DDCI Quảng Ninh 2020: Bổ sung đánh giá hiện tượng “đùn đẩy công việc giữa các sở, ban, ngành"
10:16, 19/03/2021
Quảng Ninh: Đi tìm lời giải cho bài toán tái khởi động ngành du lịch
01:03, 19/03/2021
Hải Phòng: Có nên xây dựng sân bay Tiên Lãng?
05:30, 18/03/2021
Hải Phòng xin làm sân bay mới (Kỳ II): Cần tầm nhìn xa, trông rộng
13:33, 17/03/2021
Hải Phòng: Cơn sốt đất bao giờ mới hạ nhiệt?
04:00, 15/03/2021
Hải Phòng: Nông nghiệp thông minh 4.0, hướng đi tất yếu
00:15, 13/03/2021