Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi cần thiết của TP Hải Phòng.
Những năm qua, TP Hải Phòng đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Theo đại diện sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng, giai đoạn 2012-2020, ngân sách TP Hải Phòng đã thu hút được các dự án sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao với tổng mức đầu tư 2,5 nghìn tỷ đồng. TP Hải Phòng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp có dự án, các hộ dân khoảng 406 tỷ đồng.
Theo thống kê, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật Bản… Để đạt được những thành tựu đó đã có sự đóng góp lớn của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Khoa học công nghệ đã giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Phát triển nông nghiệp 4.0 là là hướng đi tất yếu không chỉ của Việt Nam nói chung mà cả Hải Phòng nói riêng trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Tại Hải Phòng, thời điểm năm 2016, nông trường VinEco Hải Phòng có quy mô 214 ha thuộc xã Tân Liên, xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động đã đánh dấu bước đi đột phá trong phát triển nông nghiệp TP Hải Phòng. VinEco Hải Phòng được đánh giá là một trong những nông trường hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với các công nghệ nông nghiệp tiên tiến như tưới phun tự động Israel, công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa của Nhật Bản và Israel. Đến nay, VinEco Hải Phòng tổ chức sản xuất trên diện tích khoảng 90 ha với hơn 40 chủng loại cây trồng.
Theo ông Nguyễn Đức Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Tân Liên và một số xã trên địa bàn bước đầu có hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Bên cạnh đó, địa phương đã đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp đạt kết quả cao.
Giai đoạn 2020-2025, địa phương đã cấp giấy chứng nhận VietGap gắn với truy xuất nguồn gốc, nhãn mác bao bì, tem nhãn cho 6 sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp thuê đất của nông dân; dồn điền đổi thửa, tích tụ đất để tạo thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có nhiều sáng tạo, cách làm mới, hiệu quả kinh tế cao, gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở 7 xã...
Mới đây, thành ủy Hải Phòng đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm công nghệ cao tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo. Dự án tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm công nghệ cao do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hiền Lê làm chủ đầu tư, sử dụng diện tích đất 8ha tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, có công suất 24.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 436,9 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư của dự án là phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản đối với nông sản, thực phẩm tại các xã An Hòa, Thanh Lương, Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo. Tổng diện tích vùng sản xuất ban đầu 200ha, sau sẽ tăng lên 300 - 500 ha. Dự kiến, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng quý II năm 2021, hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình quý III năm 2023 và vận hành chính thức vào quý IV năm 2023.
Theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn TP Hải Phòng, nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, hàng hoá để xuất khẩu ra được nước ngoài phải thực hiện kiểm dịch, kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng và quy định cửa khẩu rất nghiêm ngặt…
Khi biết tin Hải Phòng đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm công nghệ cao tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, "chúng tôi rất hy vọng doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sẽ thực hiện đúng cam kết ban đầu với thành phố, mang lại giá trị gia tăng cao nhất cho khách hàng và thị trường" - vị doanh nghiệp này cho biết.
Được biết, Hải Phòng đã quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2030 với quy mô 5.870 ha trên địa bàn các huyện/quận và 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 590ha. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 đã xây dựng 17 vùng, đến thời điểm này đã có 3 vùng đi vào đầu tư sản xuất: sản xuất hoa tại Đông Sơn, Thủy Nguyên; chuẩn bị xây dựng hạ tầng cơ sở sản xuất đậu tương, rau xuất khẩu tại Đồng Minh, Vinh Quang, Hưng Nhân, Thanh Lương, trồng cỏ nuôi vỗ béo bò Úc tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Đồng thời đã quy hoạch được 20.340 ha vùng sản xuất tập trung với giá trị sản xuất trung bình hiện hành đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm.
Hiện, TP Hải Phòng có 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô diện tích gần 500 ha, vốn đầu tư trên 3.100 tỷ đồng. Ngoài ra cũng đã có 17 doanh nghiệp khảo sát, xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 2.186,6 ha, dự kiến kinh phí đầu tư 8.118,9 tỷ đồng.
Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Hải Phòng không chỉ đem lại những sản phẩm tốt cho sức khoẻ con người, thân thiện với môi trường mà còn đem lại thu nhập tốt cho người nông dân; góp phần phát triển ngành nông nghiệp của TP Hải Phòng, nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt và tăng thu nhập của người dân địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng xin làm sân bay mới (Kỳ I): Hồi sinh dự án đã chết?
14:20, 12/03/2021
Hải Phòng: Đề xuất xây dựng 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021
01:30, 12/03/2021
Hải Phòng: Dùng vốn ngân sách thành phố xây dựng 3 toà chung cư mới
06:30, 11/03/2021
Hải Phòng cần cơ chế đặc thù để cất cánh
01:57, 11/03/2021
Hải Phòng: Xây mới 10 chung cư bằng vốn ngân sách, tạo quỹ nhà ở cho người dân
10:00, 09/03/2021