Quảng Ninh: Không đánh đổi môi trường để đổi lấy dự án
Thu hút những dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đầu tư vào KCN tại Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ tạo ra dư địa phát triển mới cho nền kinh tế của địa phương.
Theo ông Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng BQL KKT tỉnh Quảng Ninh, để tạo ra dư địa phát triển mới cho nền kinh tế của tỉnh, BQL KKT sẽ tiếp tục lựa chọn thu hút những dự án chất lượng của đến từ các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các KCN. BQL KKT cũng sẽ đốc chủ đầu tư các KCN triển khai đầu tư các khu nhà ở cho công nhân trong thời gian sớm nhất; giúp người lao động yên tâm tham gia vào hoạt động sản xuất.
Trong số 13 KCN đã được quy hoạch, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập cho 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN, với diện tích 4.500ha. Trong đó, có 7/8 KCN được chủ đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện đầu tư các dự án, bao gồm: KCN cảng biển Hải Hà, KCN Nam Tiền Phong, KCN Sông Khoai, KCN Hải Yên, KCN Đông Mai, KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng. Các dự án này đều được chủ đầu tư triển khai đầu tư phát triển hạ tầng KCN theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đồng thời, tập trung thu hút các nhà đầu tư thứ cấp sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Đơn cử, tại KCN Đông Mai, chủ đầu tư đã xây dựng một KCN đồng bộ về hạ tầng, sử dụng công nghệ hiện đại. Trên diện tích đất gần 180ha, KCN Đông Mai đã thu hút được 22 dự án của nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 470 triệu USD. Trong đó, 6 doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng công nghiệp điện tử, công nghệ cao và công nghệ sạch.
Hay tại KCN cảng biển Hải Hà, KCN được được định hướng phát triển đa ngành, với trọng tâm là ngành công nghiệp dệt may. Giai đoạn 1 với diện tích 660ha đã được chủ đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, có 200ha được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp, bao gồm: 6 nhà xưởng tiêu chuẩn; nhà máy xử lý nước cấp công nghiệp; trạm xử lý nước thải; hệ thống lò hơi với công suất cung cấp hơi nước công nghiệp; trạm khí LPG; hệ thống đường nội bộ, cây xanh …
Hiện KCN cảng biển Hải Hà đã thu hút được 18 dự án của nhà đầu thứ cấp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, với tổng vốn huy động trên 1,3 tỷ USD như: chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may Texhong Ngân Hà với trên 400 triệu USD; nhà máy nhuộm Texhong Khánh Nghiệp Việt Nam trên 80 triệu USD; nhà máy vải không dệt Texhong Liên hợp Việt Nam với số vốn 213 triệu USD… Đặc biệt, các dự án này đã giải quyết được tình trạng thiếu nguyên vật liệu của ngành dệt may Việt Nam; cung cấp các sản phẩm dệt may cao cấp cho các thương hiệu nổi tiếng như: Lacoste, Polo, Uniqlo…
Theo ông Hong Tian Zhu - Tổng Giám đốc công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam (chủ đầu tư KCN cảng biển Hải Hà), ngay từ khi triển khai đầu tư hạ tầng KCN, công ty đã lựa chọn những công nghệ hiện đại để thu dung, xử lý nguồn nước thải đối với các nhà máy. Bởi sản xuất sợi dệt, may mặc có nhiều yếu tố dễ ảnh hưởng đến môi trường. Công ty cũng triển khai trồng nhiều cây xanh để tạo không gian xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Còn tại KCN Sông Khoai, mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có tổng mức đầu tư 500 triệu USD. Công ty Jinko Solar Hong Kong, một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến trên thế giới là nhà đầu tư cho dự án này. Đây cũng là nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai.
Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có diện tích sử dụng đất 32,6 ha, suất vốn đầu tư đạt 352,76 tỷ đồng/ha (tương đương 15,28 triệu USD/ha), cao nhất so với các dự án thứ cấp trong các KCN hiện nay của tỉnh Quảng Ninh. Dây chuyền công nghệ và máy móc, thiết bị của dự án sử dụng mới 100%, nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài.
Việc lựa chọn những dự án sử dụng công nghệ cao, chất lượng đầu tư vào các KCN tại Quảng Ninh được coi là một trong những động lực quan trọng kéo tăng trưởng kinh tế địa phương theo hướng phát triển bền vững.
Theo một con số thống kê, trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN tại Quảng Ninh đạt 8 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp này đã nộp ngân sách nhà nước trên 6.400 tỷ đồng. Hiện các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 56 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 31 doanh nghiệp FDI đang hoạt động với các ngành nghề chủ yếu gồm: điện - điện tử - cơ khí, công nghiệp chế biến, chế tạo khác và dệt may.
Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các KCN theo hướng công nghệ cao; phát triển KCN chuyên dành cho một ngành, nhóm ngành; KCN hỗ trợ; phát triển các ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng 4.0. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ mới, tiên tiến, giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại và kết nối được chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đầu tư vào các KCN.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh chung tay cùng doanh nghiệp vượt bão COVID-19
00:04, 28/06/2021
Sai phạm tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh: Khởi tố 15 bị can
10:16, 25/06/2021
Quảng Ninh: Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để đón khách du lịch
00:38, 23/06/2021
Hạ Long (Quảng Ninh): Ám ảnh những quả đồi trọc
03:50, 19/06/2021
Quảng Ninh: Doanh nghiệp tàu du lịch gặp khó khăn bao giờ mới được tháo gỡ?
01:18, 17/06/2021