Quảng Ninh chung tay cùng doanh nghiệp vượt bão COVID-19

HẢI NGÂN 28/06/2021 00:04

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn bởi dịch bệnh, Quảng Ninh đã có những quyết sách kịp thời như: kích cầu du lịch; tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng, hải quan với doanh nghiệp…

Dưới tác động của bão COVID-19, ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh gần như bị “tê liệt” hoàn toàn. Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành du lịch Quảng Ninh chỉ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, bằng 60% cùng kỳ 2020. Doanh thu từ hoạt động này ước đạt 5.250 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều phương án nhằm kích cầu du lịch trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều phương án nhằm kích cầu du lịch trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời đưa ra phương án để kích cầu du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp ngay khi dịch bệnh được khống chế. Động thái mới nhất đó là tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khoá 14, Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 316/2020/NQ-HĐND về một số giải pháp kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Trong đó, thống nhất miễn phí 100% vé tham quan vịnh Hạ Long, Yên tử và bảo tàng Quảng Ninh đến hết năm 2021.

Theo một con số thống kê mới đây, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 500 con tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Toàn tỉnh có khoảng 240 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long được các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay tổng dư nợ hơn 1.800 tỷ đồng; trong đó số dư nợ bị ảnh hưởng của COVID-19 lên tới 1.600 tỷ đồng.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giữa tháng 6 vừa qua, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch đã đề nghị ngân hàng và các đơn vị liên quan thực hiện cơ cấu lại khoản vay, kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản nợ gốc cũng như lãi đối với các dự án vay vốn đóng tàu du lịch…

Trước những kiến nghị đó, phía ngân hàng đã thống nhất sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động theo các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Cụ thể, phía ngân hàng sẽ thực hiện theo các Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, miễn và giữ nguyên nhóm nợ…

Đoàn công tác của Bộ Công thương khảo sát tình hình xuất nhập khẩu tại cầu Bắc Luân II, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)p/

Đoàn công tác của Bộ Công thương khảo sát tình hình XNK tại cầu Bắc Luân II, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Không chỉ có các doanh nghiệp du lịch được hỗ trợ, trong tháng 4/2021, để giải quyết triệt để những vướng mắc trong hoạt động XNK, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt, kết nối doanh nghiệp sản xuất, XNK với các doanh nghiệp logistics, dịch vụ giao nhận, kinh doanh bãi cảng, kho bãi và các hãng tàu… Cục Hải quan tỉnh cũng tổ chức hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động nhập khẩu than của các doanh nghiệp ngoài tập đoàn TKV và hoạt động xuất khẩu mặt hàng Clinke qua cảng Cẩm Phả; thúc đẩy hoạt động nhập khẩu máy móc, rơ-mooc, ô tô tải, thiết bị mỏ qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia các hội nghị này, việc tổ chức gặp mặt, kết nối doanh nghiệp chính là sợi dây liên kết các doanh nghiệp XNK, người vận chuyển, đơn vị kinh doanh cảng và các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, tạo tiền đề để cải thiện thực trạng hoạt động logistics còn hạn chế tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Nguyễn Văn Hường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, ngay từ đầu năm, Cục Hải quan tỉnh đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động XNK qua các cảng biển, cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Cục Hải quan tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai công tác hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp với nhiều hình thức đa dạng.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Công Thương với tỉnh Quảng Ninh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, XNK, phía Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Công thương ủng hộ, giải quyết những kiến nghị của ngành than, ngành điện và hỗ trợ phát triển liên kết vùng giữa Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, phát triển ngành công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững tỷ trọng phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để sản xuất sạch hơn. Do vậy, tỉnh Quảng Ninh sẽ đóng cửa những mỏ khai thác than lộ thiên theo đúng lộ trình; đóng các mỏ khai thác đá quanh vịnh Hạ Long và các nhà máy sản xuất xi măng.

Cũng theo ông Ký, cùng với ngành công nghiệp thì nhóm ngành thương mại, dịch vụ cũng được tỉnh Quảng Ninh coi trọng. Hiện nay, ngoài các cặp cửa khẩu được nhà nước đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã dành nguồn lực đầu tư, hình thành nên cầu phao tạm tại Km3+4 và các kho ngoại quan. Qua đó, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được lượng lớn các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động XNK.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện trong nước thực hiện tiếp nhận than đúng với hợp đồng đã ký với ngành than và theo biểu đồ cấp than cho điện đã được Bộ Công thương phê duyệt. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch, tạo điều kiện cho các nhà máy nhiệt điện của tỉnh tăng công suất phát điện.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN, để thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tư vào địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương, Ban Đối ngoại Trung ương quan tâm ủng hộ địa phương tiếp tục thúc đẩy phát triển hoạt động XNK, thương mại biên giới; xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm vào thị trường trong nước và xuất khẩu…

Hy vọng với các đề xuất cũng như các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn được tỉnh Quảng Ninh đưa ra, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ yên tâm hoạt động sản xuất, từng bước phục hồi và phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt trong thời điểm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 như hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ

Có thể bạn quan tâm

  • Sai phạm tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh: Khởi tố 15 bị can

    Sai phạm tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh: Khởi tố 15 bị can

    10:16, 25/06/2021

  • Quảng Ninh: Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để đón khách du lịch

    Quảng Ninh: Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để đón khách du lịch

    00:38, 23/06/2021

  • Hạ Long (Quảng Ninh): Ám ảnh những quả đồi trọc

    Hạ Long (Quảng Ninh): Ám ảnh những quả đồi trọc

    03:50, 19/06/2021

  • Quảng Ninh: Doanh nghiệp tàu du lịch gặp khó khăn bao giờ mới được tháo gỡ?

    Quảng Ninh: Doanh nghiệp tàu du lịch gặp khó khăn bao giờ mới được tháo gỡ?

    01:18, 17/06/2021

  • Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thu hút đầu tư

    Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thu hút đầu tư

    00:17, 12/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh chung tay cùng doanh nghiệp vượt bão COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO