Bắc Giang: Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất

HẢI NGÂN 14/07/2021 00:26

Bắc Giang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có quy mô, giá trị sản xuất công nghiệp lớn, bảo đảm phòng chống dịch.

Đó là khẳng định của ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khi nói về những giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại… sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tỉnh Bắc Giang từng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, khi địa phương phải tạm dừng hoạt động của 4/5 KCN trên địa bàn vào ngày 18/05. Sau gần 2 tuần dừng hoạt động các KCN, đến cuối tháng 05/2021, Bắc Giang bắt đầu cho các doanh nghiệp trong KCN hoạt động trở lại. Từ đó đến nay, đã có hơn 260 doanh nghiệp thuộc 4 KCN đăng ký hoạt động trở lại với hơn 80 nghìn lao động. Còn tại các CCN, đã có 122/221 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ở ngoài KCN, CCN có 43/552 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoạt động lại.

Các doanh nghiệp trong KCN tại Bắc Giang vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất

Các doanh nghiệp trong KCN tại Bắc Giang vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Theo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 12/7, số lao động trong và ngoài tỉnh đi làm trở lại tại 4 KCN đạt khoảng 50% so với tổng số lao động của các doanh nghiệp trước khi nghỉ để phòng, chống dịch. So với thời điểm đầu tháng 7, số lượng lao động quay lại làm việc tăng gần 40.000 người.

Mặc dù tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều phương án để hỗ trợ công nhân quay trở lại làm việc, tuy nhiên đến nay các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do chưa đón đủ số công nhân. Theo một khảo sát mới đây của trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, hiện có 122 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký nhu cầu tuyển dụng hơn 60.000 vị trí việc làm, chủ yếu thuộc lĩnh vực may mặc, điện tử.

Đơn cử như công ty TNHH Điện tử Taeyang Việt Nam, thuộc KCN Đình Trám. Công ty bắt đầu ổn định sản xuất từ đầu tháng 7 và để đảm bảo hoàn thành các đơn hàng hiện có, công ty đã thông báo tuyển dụng khoảng 300 công nhân với thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng. Phía công ty chỉ yêu cầu về sức khỏe, chấp nhận đào tạo tay nghề sau khi ký hợp đồng và hỗ trợ chi phí xét nghiệm PCR 1 lần/tuần để bảo đảm an toàn phòng dịch nhưng hầu như không có lao động nào đến ứng tuyển.

Theo đại diện công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, để đảm bảo kế hoạch sản xuất, công ty vẫn còn thiếu hơn 500 công nhân. Hiện, công ty đã liên lạc để mời số lao động cũ quay trở lại làm việc. Thế nhưng, hầu hết đều chưa muốn quay lại vì số công nhân này chủ yếu sinh sống tại các tỉnh ngoài.

Theo ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, các huyện, thành phố cần nhanh chóng tổng hợp nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động thuộc địa bàn để kết nối người lao động với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

Còn theo ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, để khắc phục tình trạng này, các huyện, thành phố trên địa bàn cần tiếp tục quan tâm vận động người lao động quay trở lại làm việc đồng thời bố trí địa điểm cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động để khẩn trương khôi phục sản xuất.

Hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động được tỉnh Bắc Giang thực hiện qua nhiều kênh như: Tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm lưu động, sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm hay qua các phiên giao dịch việc làm lưu động...

Ngoài ra, để các doanh nghiệp thuận lợi trong việc liên hệ đón công nhân, tỉnh Bắc Giang đã liên tục cập nhật bản đồ phòng, chống dịch theo bảng màu xanh, vàng và đỏ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giúp doanh nghiệp khẩn trương đón công nhân ở vùng “an toàn” trở lại làm việc, khôi phục sản xuất.

Theo ông Ðào Xuân Cường - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, sau khi nhận được danh sách người lao động từ phía doanh nghiệp, tổ hỗ trợ doanh nghiệp lập tức phối hợp các lực lượng chức năng địa phương đẩy nhanh quá trình rà soát, xác nhận người lao động đủ điều kiện trở lại làm việc. Việc rà soát này được thực hiện nhanh chóng trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm nhận được danh sách.

Theo đại diện công ty TNHH In bao bì Sunny Việt Nam, KCN Song Khê - Nội Hoàng, để lựa chọn được công nhân đảm bảo an toàn dịch bệnh trở lại làm việc, công ty phối hợp với các địa phương rà soát các trường hợp không thuộc diện F; xây dựng phương án gọi người lao động đến trạm y tế xã, phường lấy mẫu test nhanh COVID-19. Đặc biệt, công nhân sẽ được đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào phân xưởng làm việc.

Công nhân làm việc tại KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Công nhân làm việc tại KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút lao động trở lại làm việc, để giúp các doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) và tổ giúp việc ban chỉ đạo khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại.

Theo ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, để phù hợp với trạng thái bình thường mới, BCĐ tỉnh và tổ giúp việc cần bám sát thực tế hoạt động của các doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch đi kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ tuyển, đưa đón người lao động trong và ngoài tỉnh quay trở lại làm việc; khẩn trương sắp xếp nhà ở cho công nhân theo hướng tập trung…

Về phía các huyện, thành phố, cần rà soát chính xác, đầy đủ số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, để có hướng giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp có nguy cơ cao, các đơn vị phải phân loại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh làm 3 cấp độ gồm: Nguy cơ cao, nguy cơ trung bình, nguy cơ thấp; kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, chỉ cho các doanh nghiệp này hoạt động trở lại khi đã khắc phục được những tồn tại.

Cũng theo ông Tuấn, các địa phương phải yêu cầu phía doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc lấy mẫu xét nghiệm SARS - CoV-2 cho người lao động mỗi tuần một lần để kiểm soát dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Bắc Giang: Mở “đường xanh” cho doanh nghiệp sản xuất

    Bắc Giang: Mở “đường xanh” cho doanh nghiệp sản xuất

    08:22, 02/07/2021

  • Hành trình đưa vải thiều Bắc Giang xuất khẩu EU bằng “Thương mại điện tử xuyên biên giới”

    Hành trình đưa vải thiều Bắc Giang xuất khẩu EU bằng “Thương mại điện tử xuyên biên giới”

    14:00, 29/06/2021

  • Tiến Nông đồng hành cùng nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều

    Tiến Nông đồng hành cùng nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều

    16:08, 28/06/2021

  • Vải Thiều Bắc Giang xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post

    Vải Thiều Bắc Giang xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post

    05:17, 25/06/2021

  • Vải thiều Bắc Giang “dạm ngõ” thị trường Đức

    Vải thiều Bắc Giang “dạm ngõ” thị trường Đức

    18:13, 23/06/2021

HẢI NGÂN