Hải Phòng: “Giải tán” lồng bè để cứu vịnh Cát Bà
Hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cát Bà gây ô nhiễm môi trường và “cản mũi” Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới.
Tại cuộc làm việc mới đây, lãnh đạo thành phố Hải Phòng yêu cầu UBND huyện Cát Hải, các ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án di dời hàng trăm cơ sở nuôi cá lồng bè ra khỏi vịnh Cát Bà để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu vực này. Đây là hoạt động để tiến tới đưa Vịnh Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Phát triển quá đà
Hoạt động nuôi cá lông bè tại khu vực quần đảo Cát Bà xuất phát từ những năm 2000 – 2002. Theo báo cáo, năm 2000 toàn huyện Cát Hải mới có 70 bè với 560 ô lồng. Đến năm 2008, toàn khu vực huyện đã có 571 bè với 10.049 ô lồng cùng hơn 1.600 nhân khẩu sinh sống, làm việc tại đây. Trong đó, số lượng lồng bẻ chủ yếu tập trung tại các vịnh Lan Hạ, khu vực Bến Bèo thuộc đảo Cát Bà.
Do nhu cầu phát triển kinh tế nên trước đây các hộ dân ồ ạt phát triển lồng bè. Chính quyền khi đó cũng buông lỏng nên số lượng các lồng bè tăng nhanh chóng mặt. Theo ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, thống kê sơ bộ thời điểm hiện tại, vùng biển huyện đảo Cát Hải nói chung, vịnh Cát Bà nói riêng hiện có 429 hộ nuôi cá lồng bè. Các hộ này có hơn 8.000 ô lồng, mảng nuôi trồng thủy sản trên diện tích khoảng 100 ha mặt nước tại các vịnh Bến Bèo, Lan Hạ, chủ yếu nuôi cá, tu hài và các loài nhuyễn thể. Số lượng lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà đã vượt quá số lượng quy hoạch, vị trí được neo đậu. Phần lớn cơ sở nuôi cá lồng bè tự phát, chưa tuân thủ quy định kỹ thuật, bảo vệ môi trường biển làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Theo UBND huyện Cát Hải, nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản do lượng thức ăn chủ yếu là cá tạp, chế biến thủ công hay một phần cá ăn không hết rơi xuống đáy biển tích tụ lại, kết hợp với số lao động trên các lồng bè tăng nhanh (hiện có 1.229 người) và nhiều vật nuôi sinh sống trên lồng bè tạo ra lượng chất thải rất lớn đổ trực tiếp xuống biển. Trung bình lượng rác thu gom trên vịnh Bến Bèo và vịnh Lan Hạ từ 7-8 m3/ngày, có đợt cao điểm lượng giác thu 10 m3/ngày (chưa kể đến lượng rác thải trôi dạt trên vịnh) đang là hiểm họa gây ô nhiễm môi trường.
Chất thải trong quá trình nuôi cá lồng, bè chủ yếu là chất hữu cơ, gây trầm tích lắng động làm thay đổi tính chất và hệ sinh vật đáy biển. Diện tích mặt nước biển bị thu hẹp do lồng bè phát triển dày đặc, các lồng bè có độ sâu từ 3-4 m, hình thành nên những bức tường sinh vật, gây cản trở dòng chảy dẫn đến việc hòa tan, rửa trôi các chất hữu cơ chậm, làm tăng khả năng tích tụ, bồi lắng dẫn đến thay đổi hệ sinh thái vùng biển này.
Ngoài ra, việc sử dụng cát để nuôi tu hài và nuôi ngao hoa… đang ảnh hưởng đến cảnh quan, làm thay đổi môi trường tự nhiên đáy vịnh, xuất hiện nhiều loài vi tảo gây bệnh, ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. Các loài vi tảo này ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển và có nguy cơ huỷ diệt các loài vi sinh vật biển là thức ăn của các loài thủy sản khác như: Tu hài, hàu,... Điển hình một khu vực: Hang Vẹm, Vụng O… xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ và dịch bệnh hải sản gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ nuôi.
Sai một ly, đi một dặm
Ngay từ ban đầu, việc phát triển các lồng bè trên vịnh Cát Bà đã không được quản lý. Việc nuôi trồng thủy, hải sản với hình thức tự phát bằng ô lồng bè trên các vịnh có chủ trương hạn chế từ khi thành lập Ban quản lý các vịnh năm 2009. Tuy nhiên, các chủ cơ sở không chấp hành, vẫn tiếp tục mở rộng nuôi hải sản.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường vịnh, UBND huyện Cát Hải xây dựng kế hoạch điều tiết số lượng bè NTTS. Đến năm 2020, số lượng ô lồng NTTS tại các vụng, vịnh còn 152 bè/2.431 ô lồng, 80 giàn bè nuôi nhuyễn thể, 18 bè dịch vụ. Năm 2016 sẽ thực hiện cắt giảm 30 lồng bè, năm 2017 cắt giảm 120 bè, năm 2018 cắt giảm 120 bè, năm 2019 cắt giảm 64 bè. Về giàn bè nuôi nhuyễn thể, năm 2017, UBND huyện Cát Hải giữ nguyên số lượng đồng thời yêu cầu các hộ phải thay thế giàn tre, phao xốp bằng phao phuy, khung gỗ đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường và sắp xếp đúng vị trí quy hoạch.
Từ năm 2019, UBND TP Hải Phòng đã có báo cáo, đề xuất HĐND TP Hải Phòng ra Nghị quyết về việc hỗ trợ người dân để cắt giảm 288 bè nuôi trồng thủy sản với tổng cộng 5.435 ô lồng nuôi cá và gần 60 ha giàn nuôi nhuyễn thể (nuôi tu hài) trên khu vực vịnh Cát Bà ra khỏi khu vực.
Tuy nhiên, đến nay việc cắt giảm số lượng các ô lồng nuôi cá lồng bè, giàn nuôi nhuyễn thể trên vịnh Cát Bà vẫn tồn tại trên giấy. Bởi lẽ, Hải Phòng chưa có cơ chế hỗ trợ người dân cắt giảm, di chuyển những ô lồng nuôi cá lồng bè, giàn nuôi nhuyễn thể không phù hợp quy hoạch ra khỏi vịnh Cát Bà. Văn bản của Hải Phòng nêu rõ, nếu dùng mệnh lệnh hành chính di chuyển, cắt giảm những ô lồng, giàn nuôi nhuyễn thể mà không hỗ trợ cho người dân sẽ gây tổn thất lớn cho người nuôi trồng thủy sản, dễ nảy sinh tiêu cực, bức xúc cho người dân, gây khiếu kiện kéo dài.
Theo hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, việc cắt giảm các lồng bè nuôi trồng thủy sản là một trong những nội dung cơ bản. Nếu không cắt giảm lồng bè, làm sạch môi trường vịnh thì khó có thể Cát Bà lọt vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới. Và khi đó, thiệt hại mang lại rất lớn, bởi theo Giám đốc sở Du lịch Hải Phòng – Nguyễn Thị Thương Huyền, nếu Cát Bà được ghi tên vào Di sản thiên nhiên thế giới thì Cát Bà nổi danh, sức hấp dẫn ngày càng lớn, sẽ là sự quảng bá tự nhiên nhất, hiệu quả nhất cho du lịch Cát Bà và du lịch Hải Phòng.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng "cứu" ngành Du lịch cách nào?
08:00, 14/07/2021
Du lịch Cát Bà: Làm gì để tiếp tục hành trình vươn tầm thế giới?
18:37, 13/04/2021
Cát Bà: Điểm đến hấp dẫn
14:00, 01/01/2021
Doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu: Thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo
14:01, 15/12/2020
Hải Phòng làm việc với 7 doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà
04:50, 18/12/2020