Hải Phòng: Doanh nghiệp chung tay tiêu thụ hải sản tại Cát Bà

HẢI NGÂN - LAN VŨ 24/08/2021 03:10

Hải Phòng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thu mua sản phẩm thủy sản từ các lồng bè phải tháo dỡ tại Cát Bà, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và nâng cao đời sống người lao động trong KCN.

Đó là chia sẻ của ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng tại hội nghị kết nối doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Cát Hải hiện có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản, với hơn 8000 ô lồng

Cát Hải hiện có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản, với hơn 8000 ô lồng

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã có loạt bài viết liên quan đến vấn đề: “Hải Phòng: “Giải tán” lồng bè để cứu vịnh Cát Bà”. Theo đó, hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cát Bà gây ô nhiễm môi trường và “cản mũi” Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới.

Theo UBND huyện Cát Hải, hiện đang có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu trên các cơ sở nuôi, tập trung tại vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu và vịnh Gia Luận. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, xung đột với định hướng phát triển du lịch của địa phương.

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiêu thế giới vào năm 2022, HĐND TP Hải Phòng đã thống nhất thông qua đề án quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải. Trong đó có nội dung hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Để việc tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản theo đúng kế hoạch, huyện Cát Hải đã phát đi lời kêu gọi các sở ngành liên quan và các địa phương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong quá trình thực hiện đề án cắt giảm, di chuyển tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Theo đó, huyện Cát Hải sẽ thực hiện tháo dỡ 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản nhằm tạo cảnh quan cho các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Ông Phạm Quang Hiển – Bí thư huyện uỷ Cát Hải cho biết, TP Hải Phòng đang trình UNESCO công nhận Hạ Long – quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiêu thế giới. Trong năm 2021, UNESCO sẽ thẩm tra lần cuối để xem xét và phê duyệt. Theo tinh thần chỉ đạo của thành phố, các cơ sở, doanh nghiệp thuỷ sản trên các vịnh của Cát Bà sẽ được tháo dỡ trong năm 2021, 2022. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với 440 doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản và chính quyền địa phương là việc tiêu thụ hơn 6.000 tấn cá thương phẩm, hơn 4.000 tấn nhuyễn thể.

Theo anh Hoàng Đình Tâm, chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh Lan Hạ, gia đình anh có 25 ô lồng nuôi cá song với hơn 6.000 con cá giống, hơn 20 tấn cá đến kỳ thu hoạch, bên cạnh đó còn hơn 2 vạn rổ nuôi các loại nhuyễn thể 2 mảnh. Toàn bộ số lồng bè của gia đình nằm trong lộ trình tháo dỡ năm 2021. Vì vậy, gia đình rất mong cơ quan chức năng hỗ trợ tiêu thụ số cá song, nhuyễn thể đã đến kỳ thu hoạch này.

Để hỗ trợ người dân Cát Bà, vừa qua, tại hội nghị kết nối doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong quá trình thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho rằng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên thời điểm này, thị trường chính của các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại quần đảo Cát Bà chính là Hải Phòng, trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Trung Kiên cho biết, hiện các KCN, KKT có gần có 180.000 lao động và chuyên gia nước ngoài đang làm việc, chiếm tới 70% lượng lực lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Vì vậy, thành phố kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tích cực việc thu mua sản phẩm thủy sản từ các giàn lồng bè phải tháo dỡ. Qua đó, giảm bớt các khó khăn của người dân trong quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp hãy là cầu nối, lan toả thêm, kết nối với các doanh nghiệp khác trong KCN. Các công ty hạ tầng trao đổi với các doanh nghiệp trong KCN để hỗ trợ huyện Cát Hải tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Kiên chia sẻ.

Hơn 6000 tấn thuỷ sản đang cần được tiêu thụ để phục vụ đềĐề án cắt giảm, di chuyển tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà

Hơn 6000 tấn thuỷ sản đang cần được tiêu thụ để phục vụ đề án cắt giảm, di chuyển tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà

Về phía các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn TP Hải Phòng cũng đã và đang nghiên cứu tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, KCN hiện có gần 5.000 lao động. Sau khi nhận được thông tin về việc hỗ trợ tiêu thụ thủy sản nuôi tại quần đảo Cát Bà, chúng tôi đã thông báo các doanh nghiệp trong KCN để cùng xây dựng kế hoạch cụ thể. Phía KCN đăng ký với huyện Cát Bà tiêu thụ khoảng 300 tấn thủy sản tại thời điểm hiện tại.

Đại diện công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt (KCN An Dương) chia sẻ, KCN An Dương hiện có khoảng 30 doanh nghiệp với lượng công nhân khoảng hơn 11.000 người. Chúng tôi đã xem qua số lượng và danh sách thuỷ sản tại Cát Bà. Các loại thuỷ sản có chất lượng rất tốt, đơn giá rất hợp lý. Chúng tôi đã thu xếp một số đầu mối liên lạc của các doanh nghiệp trong KCN, họ sẽ liên hệ trực tiếp với BQL KKT để thu mua thực phẩm.

Còn theo đại diện công ty TNHH USI Việt Nam, phía doanh nghiệp đã biết đến kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản Cát Bà. Đây là cơ hội để công ty thực hiện nhiệm vụ đối với xã hội. Về kế hoạch cải thiện bữa ăn cho công nhân viên, công ty sẽ dựa vào nhu cầu thực tế để liên hệ với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tại Cát Bà.

Ông Phạm Quang Hiển - Bí thư huyện uỷ Cát Hải cho biết, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong KCN, KKT Hải Phòng sẽ hỗ trợ người dân giảm bớt thiệt hại về kinh tế. Đồng thời, mở ra hướng tháo gỡ để huyện Cát Hải và các đơn vị liên quan triển khai việc giải tỏa các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cát Bà.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng đề xuất cơ chế đặc thù gì?

    Hải Phòng đề xuất cơ chế đặc thù gì?

    03:44, 24/08/2021

  • Hải Phòng: Chặn dịch từ cửa ngõ cảng biển

    Hải Phòng: Chặn dịch từ cửa ngõ cảng biển

    13:35, 23/08/2021

  • TP Hải Phòng và doanh nghiệp cùng giải bài toán nguồn nhân lực

    TP Hải Phòng và doanh nghiệp cùng giải bài toán nguồn nhân lực

    01:23, 23/08/2021

  • Hải Phòng: Đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do để tạo sự đột phá

    Hải Phòng: Đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do để tạo sự đột phá

    11:02, 21/08/2021

  • Hải Phòng: Nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định phòng chống dịch

    Hải Phòng: Nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định phòng chống dịch

    16:13, 20/08/2021

HẢI NGÂN - LAN VŨ