TP Hải Phòng và doanh nghiệp cùng giải bài toán nguồn nhân lực

Diendandoanhnghiep.vn Giai đoạn 2021 -2025, Hải Phòng đặt ra mục tiêu thu hút được 12,5 – 15 tỷ USD, tuy nhiên, nếu địa phương này không tính giải bài toán nguồn nhân lực thì khó hoàn thành mục tiêu.

Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã thu hút được gần 9 tỷ USD vốn đầu tư FDI và trên 106.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Doanh thu từ các doanh nghiệp đạt 52,5 tỷ USD, mang về cho ngân sách trên 43.000 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho gần 158.000 lao động.

Công nhân tan làm tại KCN Tràng Duệ, TP Hải Phòng

Công nhân tan làm tại KCN Tràng Duệ, TP Hải Phòng

Cũng theo ông Kiên, hiện nay, nhu cầu lao động trong các KCN, KKT tại Hải Phòng liên tục tăng với mức tăng bình quân 15,7%. Nguyên nhân được xác định là do số lượng doanh nghiệp đầu tư tại các KCN, KKT ngày càng tăng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động rất lớn như: các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG tại KCN Tràng Duệ hay công ty Regina Miracle tại KCN VSIP Hải Phòng...

Thực tế hiện nay, việc thu hút được nguồn lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại Hải Phòng là rất khó khăn, bởi các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương cũng có KCN, KKT. Để có đủ lao động phục vụ sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải đi nhiều nơi tuyển dụng; thậm chí là đưa ra các ưu đãi để cạnh tranh và thu hút nguồn lao động. Sự chênh lệch về văn hoá, đời sống đã dẫn đến tình trạng nhiều người lao động “nhảy việc” từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.

Theo các chuyên gia, hiện chỉ 62,5% trong tổng số 4.937ha diện tích 12 KCN đang hoạt động tại Hải Phòng đã cần tới trên 160.000 lao động. Như vậy, số lượng nhân lực để đáp ứng cho diện tích còn lại và các KCN mới mà Hải Phòng đang triển khai như: KCN Nam Tràng Cát, KCN Tràng Duệ mở rộng, KCN Xuân Cầu… là vô cùng lớn. Và để giải được bài toán này, Hải Phòng cần xây dựng môi trường đủ sức hấp dẫn không chỉ với nhà đầu tư mà đối với cả người lao động, cần sàng lọc để chọn thu hút các dự án công nghệ cao và ít nhân lực nhưng có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trước đó, tại tọa đàm “Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền đã thẳng thắn cho rằng, nguồn nhân lực cần kỹ năng về sức khỏe nhưng kỹ năng này rất hạn chế. Ngoài ra, các kỹ năng tin học văn phòng như: excel, word và đào tạo các phần mềm trong doanh nghiệp thì cơ sở đào tạo lại coi nhẹ; coi việc đó học sinh phải học ở ngoài. Như vậy, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là một thực trạng của nguồn nhân lực bây giờ.

Chúng tôi làm doanh nghiệp, chúng tôi cần chính sách cởi mở để đưa xuống các doanh nghiệp và các trường đào tạo. Nhu cầu của chúng tôi là rất muốn có nguồn nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp” – ông Điệp nhấn mạnh.

Theo đại diện BQL KKT Hải Phòng, dự báo đến năm năm 2025 số lao động trong các KCN, KKT là 200.000 người; năm 2030 là 250.000 người. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2021, dự kiến Tập đoàn LG sẽ tăng vốn thêm 1 tỷ USD, công ty TNHH Flat Việt Nam tăng 75 triệu USD… Chỉ tính riêng dự án của Pegatron Việt Nam đang đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD, khi đi vào hoạt động cũng cần tới khoảng 22.000 lao động. Như vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất đòi hỏi cần thêm nhân lực để vận hành.

Theo ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành ủy Hải Phòng, trong 5 năm tới, Hải Phòng đặt mục tiêu sẽ thu hút 15 tỷ USD vào các KCN. Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu này, Hải Phòng vẫn còn cả lộ trình dài trước mặt. Việc tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đang là yêu cầu, đòi hỏi cũng như là lợi thế để cạnh tranh  thu hút đầu tư. Do vậy, các ban, ngành, đơn vị liên quan cần tháo gỡ ngay vướng mắc, đẩy nhanh các dự án xây dựng nhà ở xã hội dành cho người lao động. Việc xây dựng thiết chế cho người lao động phải thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người lao động.

Công nhân làm việc tại KCN VSIP Hải Phòng

Công nhân làm việc tại KCN VSIP Hải Phòng

Trước đó, tại Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của UBND TP Hải Phòng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các CCN TP Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, thì đến năm 2025, TP Hải Phòng sẽ mở rộng diện tích đối với 2 CCN thêm 45ha gồm: CCN Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên) và CCN Tân Trào (huyện Kiến Thụy). Quy hoạch mới 7 CCN với tổng diện tích 252 ha gồm: CCN Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên; CCN An Thọ và CCN Cửa Hoạt - Quán Thắng, huyện An Lão; CCN Tiên Cường I, CCN Tiên Cường III, huyện Tiên Lãng; CCN Nam Am và CCN làng nghề Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo. Với việc quy hoạch này, nhu cầu về lao động trong thời gian tới tại các KCN, CCN trên địa bàn TP Hải Phòng là rất lớn.

Để tăng cường chất lượng lao động cho các doanh nghiệp của TP Hải Phòng nói chung và các KCN nói riêng thì đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp căn cơ nhất.

Trước đó, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020, TP Hải Phòng đã đào tạo 263.500 lao động nông thôn các cấp trình độ. Trong đó, 223.961 lao động nông thôn được đào tạo theo hình thức xã hội hóa; 39.539 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo từ các chương trình, dự án của Trung ương và thành phố. TP Hải Phòng cũng chi ngân sách để hỗ trợ đào tạo cho 27.817 lao động nông thôn.

Theo đại diện UBND TP Hải Phòng, vừa qua, TP Hải Phòng đã đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện cơ chế liên kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; đưa người học, người dạy đến thực tập, kiến tập, làm quen với máy móc thiết bị của doanh nghiệp. Qua đó, tạo cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường hợp tác, kết nối chặt chẽ với các cơ sở đào tạo.

Trong 5 năm tới, địa phương đã đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 120.000 lao động nông thôn các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng. Đồng thời, phấn đấu đạt hiệu quả tối thiểu 85% học viên lao động nông thôn có việc làm ổn định và tăng thu nhập sau khi tốt nghiệp”, đại diện UBND TP Hải Phòng cho biết thêm.

Theo một con số thống kê mới đây, tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2011-2021 của Hải Phòng là 0,94%/năm. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 1.075,7 nghìn người, chiếm tỷ lệ 52,38% tổng số dân và chiếm 97,87% so với tổng số lực lượng lao động.

Như vậy, gần như đại đa số người dân ở độ tuổi lao động tại Hải Phòng hiện nay đều đang có việc làm, trong khi tỷ lệ tăng dân số chưa được 1% /năm thì việc đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ là một thách thức lớn. Tình trạng thiếu lao động được dự báo chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; ở các công ty da giày, dệt may. Vì vậy, trong thời gian tới, TP Hải Phòng cần phải giải được bài toán khó cho nguồn nhân lực, để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết TP Hải Phòng và doanh nghiệp cùng giải bài toán nguồn nhân lực tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713592552 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713592552 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10