Quảng Ninh: Đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa

HẢI NGÂN 11/11/2021 01:31

Chiến lược về phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử - bán dẫn đang đưa Quảng Ninh trở thành thị trường đầu tư đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Đài Loan.

Tỉnh Quảng Ninh là một cực của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, là một trong ba trụ cột chính của nền công nghiệp.

Tỉnh Quảng Ninh hiện thu hút được khoảng 10 dự án của các nhà đầu tư Đài Loan (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Tỉnh Quảng Ninh hiện thu hút được khoảng 10 dự án của các nhà đầu tư Đài Loan (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định ở mức 8,2%. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng khi tăng 36,2% cùng kỳ, vượt 14,7% kịch bản.

Có thể nói, nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang được coi là bước đi chiến lược và cần thiết để Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Do vậy, những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung thu hút có chọn lọc các dự án công nghệ công nghiệp cao, thân thiện với môi trường; trong đó có các nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc).

Tại buổi làm việc giữa tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư Đài Loan đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ, Quảng Ninh đang phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa. Với định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh mong muốn sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan, đặc biệt các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử - bán dẫn tại địa bàn các KCN của tỉnh.

Để hiện thực hoá được điều này, phía tỉnh Quảng Ninh đã cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo an ninh, an toàn cho các nhà đầu tư. Đồng thời, đồng hành cùng với nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực nhất cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, trong một cuộc làm việc giữa tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Foxconn tới tìm hiểu nghiên cứu đầu tư tại Quảng Ninh, ông Harry Zhuo - Tổng Giám đốc Tập đoàn Foxconn đã nhận định, với hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Quảng Ninh đã thu hút rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn và đây cũng là cơ hội tốt để Tập đoàn Foxconn đến đầu tư tại Quảng Ninh. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện trong việc cấp phép đầu tư cho dự án nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên của Tập đoàn Foxconn sẽ sớm hoàn thành.

Sau cuộc làm việc này, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt vào cuộc, tạo mọi điều kiện cho Foxconn trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép đầu tư. Đến tháng 9/2019, dự án của Foxconn tại Quảng Ninh mang tên “Dự án S-Việt Nam” đã được khởi công với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 26 triệu USD trên diện tích đất 100.000 m2 tại KCN Đông Mai. Và chỉ sau 1 năm, Foxconn tại Quảng Ninh đã xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên. Theo kế hoạch, trong năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và giá trị xuất khẩu này sẽ được nâng lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo.

Công nhân thuộc Tập đoàn Foxconn làm việc tại KCN Đông Mai (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Công nhân thuộc Tập đoàn Foxconn làm việc tại KCN Đông Mai (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Ngoài các dự án của Tập đoàn Foxconn tỉnh Quảng Ninh hiện còn khoảng 9 dự án của nhà đầu tư Đài Loan. Các dự án này có tổng vốn đầu tư  khoảng 138,48 triệu USD, thuộc các lĩnh vực linh kiện điện tử, dệt may...

Theo ông Lee Min Ho - Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn Trọng Vỹ, từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư 5 dự án tại Quảng Ninh. Trong đó, có 2 dự án dệt may với tổng vốn 57 triệu USD tại KCN Hải Yên; 2 dự án dệt may và 1 dự án điện tử với tổng vốn 70 triệu USD KCN Việt Hưng. Để có được kết quả này, phía chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã sâu sát cùng nhà đầu tư khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, cũng như triển khai xây dựng các dự án.

Thời gian qua, đặc biệt là trong 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp Đài Loan đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc đưa đón, cách ly các chuyên gia, người lao động của doanh nghiệp thông qua sân bay Vân Đồn được đảm bảo. Phía tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra nhiều giải pháp trong phòng, chống dịch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Với sự phát triển ấn tượng của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là sự đồng bộ về hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng các KCN, các doanh nghiệp tại Quảng Ninh sẽ tiếp tục thông tin, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan nghiên cứu cơ hội đầu tư vào địa phương”, đại diện các doanh nghiệp Đài Loan cho biết thêm.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 16 KCN, 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển có tổng diện tích 377.670 ha, được phân bố tại 11/13 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch. Trong đó có 8/10 KCN đã được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng của các nhà đầu tư thứ cấp. Đây cũng chính là dư địa để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư Đài Loan đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử - bán dẫn đến nghiên cứu đầu tư.

Việt Nam hiện có trên 2.800 dự án của các nhà đầu tư Đài Loan, với số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 35 tỷ USD, đứng thứ 4 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Còn tại Quảng Ninh, hiện số lượng dự án của nhà đầu tư Đài Loan còn khá ít, với khoảng 10 dự án, tương ứng 138,48 triệu USD, thuộc các lĩnh vực linh kiện điện tử, dệt may. Trong năm 2021, các nhà đầu tư Đài Loan vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam khi tiếp tục đăng ký đầu tư trên 1,1 tỷ USD dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

  • Uông Bí - Tâm điểm đầu tư bất động sản Quảng Ninh

    Uông Bí - Tâm điểm đầu tư bất động sản Quảng Ninh

    14:00, 10/11/2021

  • Kiểm soát người ra vào Quảng Ninh bằng

    Kiểm soát người ra vào Quảng Ninh bằng "hành trình không chạm"

    10:12, 10/11/2021

  • Quảng Ninh: Chạy chiến dịch 150 ngày đêm cho dự án đường ven sông

    Quảng Ninh: Chạy chiến dịch 150 ngày đêm cho dự án đường ven sông

    00:27, 10/11/2021

  • Quảng Ninh: Phòng, chống dịch bằng công nghệ tại các trường học

    Quảng Ninh: Phòng, chống dịch bằng công nghệ tại các trường học

    22:24, 09/11/2021

  • Quảng Ninh siết chặt quản lý phòng chống COVID-19 cho học đường

    Quảng Ninh siết chặt quản lý phòng chống COVID-19 cho học đường

    12:29, 09/11/2021

HẢI NGÂN