Sau hơn 100 ngày giữ vững địa bàn xanh không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, gần đây trên địa bàn Quảng Ninh đã xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng. Trong đó có nhiều ca F0 trong học đường.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh(GD&ĐT) tính đến ngày 6/11, toàn tỉnh đã có 10 học sinh là F0. Trong số 10 F0, có 6 học sinh ở thị xã Đông Triều (Trường Tiểu học Hồng Thái Tây có 5 học sinh, Trường Mầm non Hoa Phượng có 1 học sinh). TP. Uông Bí có 4 học sinh (Trường Mầm non Phương Đông có 1 học sinh, Trường Tiểu học Phương Đông có 2 học sinh, Trường THCS Phương Đông có 1 học sinh). Hiện, có 476 trường hợp giáo viên, học sinh là F1. Trong đó, thị xã Đông Triều có 145 trường hợp (32 giáo viên; 113 học sinh); TP. Uông Bí có 324 trường hợp (84 giáo viên; 240 học sinh); thị xã Quảng Yên có 4 trường hợp; TP. Hạ Long có 3 trường hợp.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong nhà trường, toàn bộ trẻ mầm non thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí đã nghỉ học. Học sinh phổ thông, học viên, sinh viên tại 2 địa phương này cũng chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Theo đó, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo và giáo viên, học sinh trong toàn ngành giáo dục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế bằng mã QR, khai báo trực tuyến và tích cực ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến nội dung chỉ đạo trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp ông Tô Lâm – Phụ huynh học sinh tại Uông Bí – Quảng Ninh cho biết: Do chủ quan vì Quảng Ninh giữ được địa bàn an toàn xanh trong thời gian dài, nên thời gian qua đã xuất hiện tâm lý, tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Do vậy, khi xuất hiện các ca bệnh, nhất là các ca F0 trong cộng đồng, đã liên tục lây lan ra địa bàn, có nguy cơ trở thành ổ dịch trong cộng đồng. Rồi đến lây lan cho các cháu trong học đường. Biện pháp bây giờ là các bậc phụ huynh phải bình tĩnh, nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan với dịch bệnh; chủ động xét nghiệm, tầm soát khi có các yếu tố dịch tễ, biểu hiện, triệu chứng của bệnh, kiên quyết không để mầm bệnh có cơ hội lây lan rộng, quyết tâm giữ vững được địa bàn an toàn dịch bệnh.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 646 trường học từ cấp mầm non đến THPT với hơn 335.200 học sinh. Công tác y tế học đường cũng đã được các ngành, đơn vị triển khai thực hiện thường xuyên. 9 tháng năm 2021, CDC Quảng Ninh, trung tâm y tế 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phối hợp cùng Sở GD&ĐT, phòng y tế, phòng GD&ĐT các địa phương kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị duy trì thực hiện tốt công tác y tế trường học; đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh.
Qua kiểm tra cho thấy, các trường học đều có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Các phòng này đều được trang bị giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ đựng dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường, cân, thước đo, huyết áp kế, nhiệt kế, bảng kiểm tra thị lực, bộ nẹp chân, tay cùng một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Cả 646 trường đều đảm bảo vệ sinh nước uống, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, thu gom xử lý chất thải; bàn ghế, bảng phù hợp với lứa tuổi; các phòng học đảm bảo ánh sáng theo quy định... 337 trường có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Cùng với đó, CDC Quảng Ninh, Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 19 trường, 7 điểm thi vào lớp 10. Còn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng y tế địa phương kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cả 645 trường học trên địa bàn, 31 điểm thi vào lớp 10; hỗ trợ các trường học thực hiện công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng bệnh...
Mặc dù vậy, y tế trường học hiện nay đang gặp rào cản rất lớn về nhân lực.Theo Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT về y tế trường học, người phụ trách công y tế trường học khá nặng, như: Giám sát vệ sinh môi trường nước uống, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải; giám sát các điều kiện về an toàn thực phẩm; quản lý bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh; phát hiện một số bệnh ở học sinh để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe; sơ cứu, cấp cứu cho học sinh; tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý... triển khai các biện pháp chống dịch; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe... Điều này đòi hỏi nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn, có tinh thần, trách nhiệm với công việc.
Tuy nhiên, theo thống kê của CDC Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù cả 646 trường học đều có nhân viên làm công tác y tế trường học, nhưng chỉ có 289 trường có cán bộ y tế chuyên trách, còn lại là thủ quỹ, kế toán, nhân viên thư viện, thậm chí là giáo viên kiêm nhiệm thêm y tế trường học. Bởi vậy, họ không thể thường xuyên kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch bệnh hay quản lý hồ sơ, theo dõi sát sức khỏe của học sinh tại trường...
Những trường không có cán bộ trình độ y tế chuyên trách cũng đã ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn, hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe học sinh; tuy nhiên nhân lực của các trạm y tế tuyến xã hiện nay ít người, lại phải tăng cường cho công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19 nên việc phối hợp với các trường xử lý những tình huống phát sinh còn chậm trễ. Bản thân nhân viên các trạm không thể xuống các trường học giám sát thường xuyên mà chỉ mỗi năm được vài đợt. Bởi vậy, các trường đều phải chủ động về công tác y tế học đường là chính. Tuy nhiên, do không có trình độ chuyên môn nên khi xử lý các vấn đề phát sinh như chẳng may có học sinh bị thương, bị sốt đột ngột, hay khi trường phát sinh học sinh nhiễm COVID-19, học sinh phải cách ly... cán bộ, nhân viên được phân theo dõi công tác y tế không khỏi lúng túng...
Để hoạt động y tế học đường được tốt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Để công tác này được hiệu quả hơn góp phần đào tạo, chăm sóc được những thế hệ tương lai cho Quảng Ninh phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực. Thời gian tới đòi hỏi các cấp ngành cần có những biện pháp quan tâm tháo gỡ kịp thời khó khăn cho công tác y tế trường học.
Có thể bạn quan tâm