Quảng Ninh: Golf tour - chìa khóa mở cửa du lịch quốc tế
Việt Nam đã sẵn sàng để mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa, đặc biệt là du lịch golf- lĩnh vực có sự tăng trưởng mạnh những năm gần đây.
>>>Chuyển đổi số mang lại gì cho ngành du lịch?
>>>FLC được vinh danh Top 10 ngành bất động sản – xây dựng thương hiệu mạnh Việt Nam 2020 – 2021
Đó là khẳng định của ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam tại toạ đàm “Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế” do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FLC tổ chức.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch golf
Giai đoạn 2017- 2021, Việt Nam được vinh danh là điểm đến golf tốt nhất châu Á, đặc biệt là điểm đến golf tốt nhất thế giới năm 2021. Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người chơi golf, 100 sân golf đang hoạt động. Bản đồ golf Việt Nam thì ngày càng mở rộng với nhiều điểm đến như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Bình... đặc biệt là Quảng Ninh. Đây chính là “chìa khoá” để đưa du lịch Việt Nam nói chung và những điểm đến golf nổi tiếng như Quảng Ninh, Bình Định… phục hồi tích cực sau giãn cách; đặc biệt, trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang khởi động lại việc đón khách quốc tế.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, vấn đề chúng ta đang quan tâm hiện nay chính là du lịch an toàn. Và du lịch golf đang là một dòng sản phẩm rất an toàn khi mà việc tiếp xúc khách, tổ chức cho golfer chơi golf đều là những không gian ngoài trời. Việt Nam hiện đang có 32 sân golf theo tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Tôi cho rằng, việc chúng ta thu hút dòng khách golf nước ngoài đặc biệt ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ đến Việt Nam sau thời điểm dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát để làm xu hướng kích cầu du lịch là một chủ trương hoàn toàn hợp lý. Bởi sau thời gian rất dài không thể di chuyển được do dịch bệnh thì tất cả các golfer đều rất là muốn đi trải nghiệm, tham quan ở vùng đất khác, đặc biệt là Việt Nam - điểm đến golf tốt nhất châu Á.
Ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, sau khoảng thời gian dài giãn cách và chống dịch, toàn thế giới đang cùng bắt tay vào mở cửa lại du lịch. Việt Nam đã sẵn sàng để mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa, đặc biệt là du lịch golf- lĩnh vực có sự tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Du lịch golf chính là phân khúc thị trường thu hút để tiến tới mở cửa du lịch, đưa ra những sản phẩm dịch vụ phù hợp.
“Sau dịch, du lịch golf sẽ vẫn thu hút khách hạng sang, đẳng cấp, thân thiện với môi trường. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh du lịch golf và phải đầu tư mạnh mẽ hơn, bởi đây được coi là loại hình du lịch an toàn, tránh tập trung đông người. Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế mới, làm du lịch trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, không sợ sệt”, ông Siêu cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam Việt Nam lại cho rằng, Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch golf. Đó là vị trí địa lý thuận lợi; tiềm năng về văn hóa, con người; sự đa dạng của nền ẩm thực và cuối cùng là tiềm năng về hạ tầng sân golf. Và để trở thành điểm sáng về du lịch golf trên thế giới, Việt Nam cần có kế hoạch phát triển và hoàn thiện sản phẩm dịch vụ này.
Cần sự kết nối từ nhiều phía
Theo các chuyên gia nhận định, tại Việt Nam, lượng người chơi golf dự báo con sẽ tăng lên trong những năm tới bởi Việt Nam từng là điểm đến golf châu Á trong 5 năm liên tiếp. Những người tới Việt Nam chơi golf không chỉ có khách du lịch mà còn cả thương gia ở các nước, ngoài ra, còn có các golf thủ đỉnh cao. Vì thế, golf tour là một trong những sản phẩm cốt lõi, một trong những “chìa khoá” chính trong bài toán mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam. Để xúc tiến và kích cầu được phân khúc này thì cần có sự hỗ trợ, kết nối từ phía cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.
Ông Hà Văn Siêu cho biết, khi được thí điểm mở cửa đón khách quốc tế, trong số 200 khách tới Phú Quốc, có đến 30 du khách tới để chơi golf. Đây là con số rất lớn, từ đó, cho thấy xu hướng du lịch golf. “Bài toán đề ra là tăng cường sự kết nối. Trong đó, chúng ta cần ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Những hoạt động của sân golf này kết nối với sân golf khác, địa bàn khác. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm”, ông Siêu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Linh cho rằng, muốn golf vào được Việt Nam, thì cần giảm thuế và vai trò quyết định là của các công ty lữ hành. Bởi khâu kết nối của công ty lữ hành với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... rất quan trọng.
>>>Quảng Ninh: Duyệt quy hoạch khu vực xây casino, sân golf tại Vân Đồn
>>>Khách du lịch quốc tế ghé Hội An sau 2 năm dài đợi chờ
Còn theo ông Đỗ Việt Hùng - Phó tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom chia sẻ: Với golf tour nói riêng và du lịch hộ chiếu xanh nói chung, FLC mong muốn Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, Tổng cục Du lịch, đẩy nhanh chính sách mở rộng giai đoạn 2 các tỉnh được đón khách quốc tế. Các địa phương phối hợp với doanh nghiệp, đón khách an toàn. Hiệp hội golf Việt Nam cần hỗ trợ quảng bá kết hợp các sân golf, tạo thành vành đai, tour tuyến không chỉ đón khách du lịch nước ngoài mà còn cả khách du lịch trong nước, để tạo thêm trải nghiệm cho golfer. “Với tỉnh Quảng Ninh, FLC đề xuất và mong muốn tỉnh có bộ hướng dẫn chi tiết cho các công ty lữ hành đón khách quốc tế theo chuẩn”, ông Hùng chia sẻ.
Du lịch golf trong bối cảnh bình thường mới được đánh giá là loại du lịch an toàn, hiệu quả và có lợi thế mà Việt Nam cần được khai thác. Dù còn một số hạn chế về chính sách, nhận thức, điều kiện phát triển... nhưng Việt Nam đang có cơ hội để tái cơ cấu, làm mới ngành du lịch trong đó có du lịch golf. Và dù trước hay sau COVID-19 thì sự kết nối giữa điểm đến, sân golf, hãng hàng không... là rất quan trọng để du lịch golf trở thành “chìa khoá” thu hút khách du lịch.
Ông Phạm Ngọc Thuỷ - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, các sân golf đều được thiết kế bởi những người nổi tiếng trong làng thiết kế sân golf. Hoạt động golf ảnh hưởng xã hội sâu sắc, mang đến sản phẩm du lịch mới, nét đặc trưng riêng. Liên quan đến phát triển golf nói chung và du lịch golf, một trong những điều kiện để nâng cao vị thế và khả năng là hoàn thiện các loại hình sân golf, tạo sự khác biệt, hấp dẫn cả về văn hóa và trải nghiệm. Ngoài ra, phát triển du lịch golf phải gắn với phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người dân ở vùng xung quanh. Bên cạnh đó, cần mở rộng việc khai thác nguồn khách, trong đó có bà con kiều bào, người dân địa phương…
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế đêm Quảng Ninh chưa thể sáng vì COVID -19
14:27, 18/11/2021
Khách du lịch quốc tế ghé Hội An sau 2 năm dài đợi chờ
11:38, 20/11/2021
Du lịch cần tăng tốc
21:48, 23/11/2021
Bất động sản du lịch Thái Lan và những gợi mở cho Việt Nam
00:01, 20/11/2021
Du lịch Phú Quốc trước giờ G
19:39, 19/11/2021