Quảng Ninh: Giải pháp nào cho quản lý tài sản công?

HẢI NGÂN - LÊ LINH 16/12/2021 10:20

Việc thu hồi, chuyển đổi công năng, thanh lý bán tài sản, nhất là tài sản công phải hết sức chú ý, do đó các địa phương phải tăng cường rà soát đất công, trên đất có tài sản công.

>>>Hải quan Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa

>>>Quảng Ninh: Nỗ lực “đẩy hàng, ngăn dịch” tại các cửa khẩu

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh khi nói về vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn.

Một góc đô thị Quảng Ninh

Một góc đô thị Quảng Ninh

Chưa có phần mềm quản lý đồng bộ

Theo thống kê của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 42 sở, ngành, đơn vị quản lý nhà nước; 13 huyện, thị xã, thành phố và 125 đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh đang quản lý và sử dụng tài sản công. Các đơn vị đang sử dụng trên 13.000 tài sản công, với giá trị quy đổi lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lâm – Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh cho biết, việc mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được thực hiện theo đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục. Các cơ quan, đơn vị cũng nghiêm túc thực hiện chế độ quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công hiện hành nhằm tạo lập nguồn tài chính, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn một số bất cập.

tỉnh hiện có 42 sở, ngành, đơn vị quản lý nhà nước; 13 huyện, thị xã, thành phố và 125 đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh đang quản lý và sử dụng tài sản công

Quảng Ninh hiện có 180 sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh đang quản lý và sử dụng tài sản công

Theo ông Lâm, từ đầu năm 2021, Sở Tài chính đã rà soát lại toàn bộ việc quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát nhận thấy, việc quản lý tài sản dưới 500 triệu đồng chưa có phần mềm quản lý đồng bộ; trình độ quản lý, theo dõi quản lý ở cấp cơ sở còn hạn chế, chưa đồng đều, nhất là ở cấp xã nên công tác theo dõi, cập nhật tài sản đôi lúc còn chưa đầy đủ, đảm bảo thời gian yêu cầu. Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng để xử lý nhà, đất dôi dư theo quy định thời gian qua còn có nhiều khó khăn, kéo dài. Đối với các điểm trường dôi dư thường ở vùng sâu, vùng xa nên thực hiện bán không có người mua; các cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng để thực hiện điều chuyển.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát HĐND tỉnh Quảng Ninh với UBND tỉnh về công tác quản lý và sử dụng tài sản công, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý và sử dụng tài sản công. Theo đó, các địa phương, sở ngành và đơn vị còn chậm ban hành quy chế quản lý tài sản công, nội dung quy chế không rõ ràng ở hầu hết các cấp quản lý. Ngoài ra, hầu hết các đơn vị được giám sát đều có tài sản bàn giao không đúng thẩm quyền, không có quyết định của cấp có thẩm quyền. Việc bàn giao chỉ được thực hiện thông qua hình thức biên bản giữa đơn vị thi công hoặc chủ đầu tư và đơn vị sử dụng, nhất là đất đai, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản là hạ tầng giao thông, thủy lợi được hình thành sau đầu tư của cấp tỉnh, cấp huyện...

Tìm giải pháp gỡ “điểm nghẽn”

Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh. Đây được cho là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản hiệu quả trong thời gian tới.

>>>Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 1,5 tỷ vốn FDI năm 2022

>>>Quảng Ninh: Quy hoạch khu dân cư tại Vĩnh Thông vì sao bị “khai tử”?

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết, việc thu hồi, chuyển đổi công năng, thanh lý bán tài sản, nhất là tài sản công phải hết sức chú ý, do đó các địa phương phải tăng cường rà soát đất công, trên đất có tài sản công. Cùng với đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý tài sản công đảm bảo công khai, minh bạch.

Cũng theo ông Ký, có 2 nguyên tắc trong việc quản lý, sử dụng tài sản công đó là quản lý, sử dụng công khai, minh bạch đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Do vậy, thời gian tới, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn cần tập trung nâng cao trách nhiệm của mình trong việc chấp hành pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phát hiện xử lý vi phạm.

Công trình Liên cơ quan số 4 của tỉnh Quảng Ninh (phường Hồng Hà, TP Hạ Long)

Công trình Liên cơ quan số 4 của tỉnh Quảng Ninh (phường Hồng Hà, TP Hạ Long)

Theo Sở Tài chính Quảng Ninh, để quản lý khai thác có hiệu quả các tài sản dôi dư và xử lý dứt điểm các cơ sở nhà, đất chưa thực hiện sắp xếp, các địa phương phải tiến hành ngay việc kiểm kê, đánh giá lại tài sản, lập hồ sơ tài sản, tổ chức theo dõi, hạch toán đầy đủ, chính xác các cơ sở nhà, đất dôi dư trên hệ thống sổ sách kế toán. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các cơ sở nhà, đất dôi dư không được theo dõi, quản lý, cho thuê, cho mượn, bị lấn chiếm trái phép. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư để trình phương án sắp xếp lại đối với các trụ sở dôi dư theo đúng quy định.

Trước đó, để đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư và sử dụng hiệu quả tài sản công, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản phải thực hiện rà soát định mức, việc đầu tư phải đảm bảo phù hợp với định mức đã được phê duyệt; thống kê, đánh giá chất lượng, hiệu quả các tài sản; đối với tài sản hình thành sau đầu tư khi nhận bàn giao phải mở sổ tài sản và hạch toán, trích khấu hao tài sản theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, bố trí kinh phí, giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng đơn vị liên quan thực hiện sắm phần mềm kế toán tích hợp phần mềm về quản lý tài sản công của tỉnh với phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải quan Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa

    Hải quan Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa

    01:03, 16/12/2021

  • Thủy sản Quảng Ninh “bí” đầu ra

    Thủy sản Quảng Ninh “bí” đầu ra

    13:52, 15/12/2021

  • Quảng Ninh: Nỗ lực “đẩy hàng, ngăn dịch” tại các cửa khẩu

    Quảng Ninh: Nỗ lực “đẩy hàng, ngăn dịch” tại các cửa khẩu

    09:48, 15/12/2021

  • Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 1,5 tỷ vốn FDI năm 2022

    Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 1,5 tỷ vốn FDI năm 2022

    09:05, 15/12/2021

  • Quảng Ninh: Quy hoạch khu dân cư tại Vĩnh Thông vì sao bị “khai tử”?

    Quảng Ninh: Quy hoạch khu dân cư tại Vĩnh Thông vì sao bị “khai tử”?

    00:13, 14/12/2021

  • Quảng Ninh: Vươn tới những mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới

    Quảng Ninh: Vươn tới những mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới

    00:44, 13/12/2021

HẢI NGÂN - LÊ LINH