Hải Phòng: Đầu tư hơn 92 tỷ đồng để cải thiện nguồn nước ngọt

HẢI NGÂN 19/12/2021 01:16

Dự án xây dựng công trình bổ sung, cải thiện chất lượng nguồn nước sông Rế với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 92 tỷ đồng vừa được TP Hải Phòng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư.

>>>Hải Phòng: Quận Ngô Quyền bị phê bình trong giải phóng mặt bằng các dự án

>>>Hải Phòng: Phố đi bộ tại Đồ Sơn tái khởi động trong năm 2022

Theo đó, tại Nghị quyết 63/NQ-HĐND, HĐND TP Hải Phòng đã phê duyệt về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình bổ sung, cải thiện chất lượng nguồn nước sông Rế.

Cán bộ công ty CP Cấp nước Hải Phòng kiểm tra mẫu nước phục vụ cho sinh hoạt

Cán bộ công ty CP Cấp nước Hải Phòng kiểm tra mẫu nước phục vụ cho sinh hoạt

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 92 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hải Phòng, được thực hiện tại huyện An Dương và quận Hồng Bàng. Thời gian thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023.

Dự án có quy mô gồm: Thu gom, tiêu thoát nước thải tại các điểm xả Hỗ Đông, xã Hồng Phong và thôn Kinh Giao, xã Tân Tiến, huyện An Dương. Trong đó, xây dựng cống điều tiết tại vị trí đầu kênh Kinh Giao và xây mới trạm bơm Kinh Giao; xây dựng mới trạm bơm Hỗ Đông và đường ống thoát nước thải từ trạm bơm Hỗ Đông đến kênh Hoàng Lâu; xây dựng đường ống qua kênh An Kim Hải nhánh 1. Cùng với đó, xử lý ách tắc kênh Hoàng Lâu, nâng câp cống qua đường 17B, nâng cấp cống qua đường bao KCN Tràng Duệ; xây dựng tuyến thoát nước từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm và xây dựng cống Kim Xá (qua QL5, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng).

nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt của Hải Phòng chủ yếu được lấy từ sông Rế thuộc hệ thống thủy lợi An Kim Hải và sông Đa Độ

Nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt của Hải Phòng chủ yếu được lấy từ sông Rế thuộc hệ thống thủy lợi An Kim Hải và sông Đa Độ

Dự án đầu tư xây dựng công trình bổ sung, cải thiện chất lượng nguồn nước sông Rế nhằm bổ sung trữ lượng nước ngọt cho sông Rế từ sông Cấm. Đồng thời, cải thiện chất lượng nguồn nước sông Rế, đảm bảo cấp tưới nước, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, phục vụ dân sinh phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Được biết, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 6 nguồn nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt gồm: sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, kênh Hòn Ngọc, kênh Chanh Dương và kênh Trục 1 (hệ thống trung thuỷ nông) Tiên Lãng.

Trong đó, nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt của Hải Phòng chủ yếu được lấy từ sông Rế thuộc hệ thống thủy lợi An Kim Hải và sông Đa Độ; chiếm gần 80% tổng sản lượng nước thô cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sách trên địa bàn. Riêng sản lượng khai thác từ sông Rế và kênh An Kim Hải (đầu nguồn sông Rế) là 210.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hàng ngày, nguồn nước từ những con sông này đang hứng chịu hàng vạn m3 nước thải chưa qua xử lý từ khu dân cư, cơ sở sản xuất, làng nghề.

>>>Hải Phòng: Lượng hàng qua cảng tăng nhờ mở nhiều tuyến hàng hải mới

>>>Hải Phòng: Dự án nghìn tỷ Cầu Rào 1 gấp rút đẩy nhanh tiến độ

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Quang Hoạt - Giám đốc công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải cho biết, qua rà soát trên sông Rế, lượng nước thải sinh hoạt của các khu đân cư, chợ dân sinh chưa được thu gom, xử lý, xả thải trực tiếp xuống kênh là tác nhân chính gây ô nhiễm cho nguồn nước hệ thống, tập trung tại một số điểm gồm: các xã Hồng Phong, Tân Tiến, Bắc Sơn, thị trấn An Dương, xã Nam Sơn, xã An Đồng (huyện An Dương); phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) và gần 720 hộ dân đang sinh sống hai bên bờ sông. Trong những ngày mưa lớn, chất lượng nguồn nước trong hệ thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng do toàn bộ lượng nước thải trên tràn ra hệ thống công trình thuỷ lợi.

Hiện trên hệ thống An Kim Hải có 430 điểm xả thải, trong đó có 372 điểm xả của doanh nghiệp và mới có 36 doanh nghiệp được cấp phép xả thải. Còn tại hệ thống sông Rế, theo báo cáo kết quả quan trắc năm 2020 của Sở TN&MT TP Hải Phòng, có hơn 50% số mẫu không đạt chỉ tiêu cung cấp nước thô để sản xuất nước sinh hoạt.

Công nhân làm sạch nguồn nước tại khu vực mương An Kim Hải

Công nhân làm sạch nguồn nước tại khu vực mương An Kim Hải

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Hải Phòng chia sẻ, kết quả quan trắc thời gian qua cho thấy, nguồn nước ngọt tại sông Rế cung cấp cho sản xuất nước sinh hoạt trên địa bàn ngày càng gia tăng ô nhiễm do các hoạt động hoạt động sản xuất cũng như một lượng lớn nước thải sinh hoạt thường xuyên xả vào nguồn nước mà chưa được xử lý. Tình trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, cung cấp nước sạch của công ty.

Cũng theo đại diện công ty CP Cấp nước Hải Phòng, năm 2021, công ty đã kiểm soát, phân tích hơn 2.100 mẫu nước thô. Kết quả cho thấy, nhiều thời điểm, một số chỉ tiêu nước thô không đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT; trong đó, chỉ số hữu cơ tại sông Rế gấp 1,3 lần.

Để duy trì ổn định nguồn nước thô cho sản xuất nước sinh hoạt, thời gian qua công ty đã phối hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi, cơ quan chức năng tăng cường tuần tra bảo vệ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các diễn biến về chất lượng nước thô, lắp đặt các điểm quan trắc tự động đo độ mặn từ xa về phía thượng nguồn cho đến các điểm thu nước.

Cùng với đó, ngoài áp dụng công nghệ lọc tiếp xúc sinh học u-BCF hiện đại của Nhật Bản, công ty đã bổ sung thêm vào dây chuyền xử lý nước tại nhà máy nước An Dương để xử lý ô nhiễm hữu cơ trong nước nguồn, giảm thiểu sử dụng hóa chất.

Tuy nhiên, với tình trạng một số chỉ tiêu ô nhiễm đang ở mức cao, nếu không có những giải pháp đồng bộ và kịp thời thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô ngày càng nghiêm trọng, nhiều khả năng vượt quá khả năng xử lý của các dây chuyền xử lý nước hiện nay.

Trước tình trạng chất lượng nguồn nước ngọt sông Rế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc đầu tư dự án xây dựng công trình bổ sung, cải thiện chất lượng nguồn nước sông Rế sẽ phần nào ứng phó hiệu quả, chống lại nguy cơ ô nhiễm, suy thoái nguồn nước.

Được biết, thời gian tới, UBND TP Hải Phòng sẽ tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt; tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các luật có liên quan. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, xác định các điểm xả thải và có thu gom, xử lý triệt để trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, đặc biệt là tuyến thoát nước từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Quận Ngô Quyền bị phê bình trong giải phóng mặt bằng các dự án

    Hải Phòng: Quận Ngô Quyền bị phê bình trong giải phóng mặt bằng các dự án

    01:37, 17/12/2021

  • Hải Phòng: Phố đi bộ tại Đồ Sơn tái khởi động trong năm 2022

    Hải Phòng: Phố đi bộ tại Đồ Sơn tái khởi động trong năm 2022

    10:48, 15/12/2021

  • Hải Phòng: Chuyển đổi số để bứt phá

    Hải Phòng: Chuyển đổi số để bứt phá

    01:34, 15/12/2021

  • Hải Phòng gấp rút lập trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp

    Hải Phòng gấp rút lập trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp

    00:00, 15/12/2021

  • Dịch bệnh phức tạp, Hải Phòng lên kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine COVID-19

    Dịch bệnh phức tạp, Hải Phòng lên kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine COVID-19

    15:07, 14/12/2021

  • Hải Phòng: Lượng hàng qua cảng tăng nhờ mở nhiều tuyến hàng hải mới

    Hải Phòng: Lượng hàng qua cảng tăng nhờ mở nhiều tuyến hàng hải mới

    20:20, 13/12/2021

HẢI NGÂN