Việc triển khai trạm y tế lưu động trong KCN chưa có tiền lệ. Mặc dù vậy, để thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các ngành chức năng TP Hải Phòng đang quyết tâm thực hiện bằng được.
>>>Dịch bệnh phức tạp, Hải Phòng lên kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine COVID-19
>>>Hải Phòng: Doanh nghiệp xin tình nguyện hỗ trợ ô xy y tế phòng COVID-19
Đó là khẳng định của ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Giám đốc sở Y tế Hải Phòng khi nói về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Tính từ 18h00 ngày 13/12 đến 18h00 ngày 14/12/2021, Hải Phòng ghi nhận 211 ca nhiễm COVID-19 mới. Tích lũy số trường hợp ghi nhận dương tính với COVID-19 tại Hải Phòng là 2.975 ca. Trong giai đoạn 4 của dịch, từ ngày 27/4 đến 14/12/2021, Hải Phòng ghi nhận 2969 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, công bố khỏi trong ngày báo cáo là 95 ca; 864 ca hồi phục xuất viện; 2105 ca đang điều trị; 6 ca tử vong.
Theo Sở Y tế Hải Phòng, trong khi các ổ dịch ở Tiên Lãng, Hồng Bàng, Ngô Quyền đang dần được khống chế thì dịch lại diễn biến phức tạp ở Thủy Nguyên. Chỉ tính trong ngày 14/12, tại Công Ty TNHH Công Nghiệp Giày Aurora Việt Nam ở xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, cơ quan chức năng đã ghi nhận 84 ca nhiễm mới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hải Phòng đã thành lập xong 226 trạm y tế lưu động tại các xã, phường. Các trạm y tế lưu động đã kích hoạt hiện đang hỗ trợ hơn 300 F0 theo dõi điều trị tại nhà trong tổng số hơn 2.000 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Hải Phòng thời gian qua.
>>>Hải Phòng phát hiện ổ dịch lớn từ công trường xây dựng
>>>Hải Phòng - Hải Dương: Phủ rộng tiêm vaccine cho học đường
Ngoài việc thành lập hơn 200 trạm y tế tại các xã, phường, TP Hải Phòng đang gấp rút thiết lập trạm y tế lưu động trong các KCN để ngăn chặn phát sinh thành ổ dịch lớn. Đồng thời, thích ứng linh hoạt, chủ động kiểm soát dịch COVID-19; tránh được tình trạng doanh nghiệp tự ý cho công nhân nhiễm bệnh về địa phương khi xuất hiện ổ dịch lớn như từng xảy ra.
Theo ông Lê Khắc Nam, việc triển khai trạm y tế lưu động trong KCN chưa có tiền lệ. Mặc dù vậy, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các ngành chức năng TP Hải Phòng đang quyết tâm thực hiện bằng được.
“Mỗi KCN phải thành lập ít nhất một trạm y tế lưu động phục vụ người lao động làm việc tại các công ty sản xuất, kinh doanh trong KCN đó. Trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, sẽ lập thêm trạm y tế để bảo đảm mỗi trạm y tế lưu động phụ trách số lượng 50 -100 ca F0 để giảm tải cho địa phương có các KCN đóng trên địa bàn. Mỗi trạm y tế lưu động có phụ trách trạm là bác sĩ hoặc y sĩ, còn lại là nhân viên y tế, nhân viên khác của các công ty trong KCN, số lượng thành viên mỗi trạm y tế lưu động tối thiểu 5 người hoặc nhiều hơn tùy theo quy mô, số lượng người lao động làm việc tại KCN”, ông Nam nhấn mạnh.
Được biết, TP Hải Phòng đã yêu cầu BQL KKT Hải Phòng phối hợp với các doanh nghiệp chọn địa điểm phù hợp để bố trí trạm y tế lưu động. Trong trường hợp KCN không chọn được các công trình sẵn có thì có thể làm nhà tạm, nhà di động để trạm y tế hoạt động.
Trước đó, tại buổi làm việc giữa BQL KKT Hải Phòng làm việc với KCN An Dương về công tác phòng, chống dịch khi KCN này ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 mới, đại diện BQL KKT Hải Phòng đã đề nghị Công ty TNHH Đầu tư Thâm Việt, Chủ đầu tư KCN An Dương khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan bố trí lắp đặt trạm y tế lưu động tại KCN, đồng thời mua sắm đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Các đơn vị nhà thầu xây dựng lập danh sách công nhân chưa tiêm vaccine phòng COVID-19; dừng tuyển dụng lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN An Dương cần nhanh chóng chuẩn bị khu vực riêng làm chỗ cách ly F1 và điều trị F0 trong trường hợp xảy ra dịch bệnh; chủ động ký hợp đồng với các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP Hải Phòng để tiến hành xét nghiệm cho người lao động…
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Tuấn Anh – Giám đốc Công ty vận tải An Trang cho biết, việc TP Hải Phòng đang gấp rút thiết lập trạm y tế lưu động trong KCN là rất cần thiết. Hy vọng cùng với trạm y tế cơ sở, trạm y tế lưu động trong KCN sẽ đáp ứng xử lý dịch bệnh ngay từ khi mới phát hiện, ngăn chặn việc lây lan rộng trong KCN.
TP Hải Phòng hiện có khoảng 12 KCN đang hoạt động, thu hút trên 170.000 công nhân lao động làm việc. Từ ngày 22/11 đến nay, số ca mắc COVID-19 cộng đồng trên địa bàn TP Hải Phòng có xu hướng gia tăng. Trong đó xuất hiện các chùm ca bệnh tại KCN, liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất. Việc lập trạm y tế lưu động trong KCN là rất cần thiết và cấp bách để hạn chế thấp nhất dịch lan rộng trong khu vực này.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp – Tổng giám đốc công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, KCN Nam Cầu Kiền hiện có 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Để đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh, công ty đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch với đầy đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế và TP Hải Phòng. Phía KCN cũng phối hợp cùng các doanh nghiệp trong KCN xây dựng và diễn tập các phương án: 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến. Đặc biệt, KCN cũng đã đề xuất với TP Hải Phòng về việc dành quỹ đất để xây dựng Bệnh viện dã chiến phòng khi nguy cơ dịch bệnh bùng phát mà các cơ sở y tế bị hạn chế. Hiện phương án đang được TP Hải Phòng xem xét.
Có thể bạn quan tâm
Dịch bệnh phức tạp, Hải Phòng lên kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine COVID-19
15:07, 14/12/2021
Hải Phòng: Lượng hàng qua cảng tăng nhờ mở nhiều tuyến hàng hải mới
20:20, 13/12/2021
Cảng Hải Phòng vượt bão COVID để “về đích” sớm
17:31, 13/12/2021
Hải Phòng: Vì sao dừng tuyển dụng lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine?
02:15, 11/12/2021
Hải Phòng: Dự án nghìn tỷ Cầu Rào 1 gấp rút đẩy nhanh tiến độ
09:05, 10/12/2021