Quảng Ninh: Động lực nào để phát triển kinh tế cảng biển?

HẢI NGÂN 31/03/2022 01:23

Việc tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng cảng biển, hướng đến hiện đại hóa các dịch vụ logistics đã tạo nền tảng quan trọng cho kinh tế cảng biển Quảng Ninh bứt phá trong năm 2022.

>>>Quảng Ninh: Giải pháp nào để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững?

>>>Quảng Ninh: Đẩy mạnh kết nối thương mại vùng biên

Điểm nghẽn…

Quảng Ninh có nhiều ưu thế nổi trội phát triển kinh tế biển như: Đường bờ biển kéo dài 250km, nhiều cảng nước sâu. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế... Hiện cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, chủ yếu là than, xăng dầu, hàng rời phục vụ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, XNK hàng hoá, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ…

Tàu biển đợi làm hàng tại cảng Con ong - Hòn Nét (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tàu biển đợi làm hàng tại cảng Con ong - Hòn Nét (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo bảng đánh giá về hiệu quả hoạt động của 351 cảng container trên toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và IHS Markit thực hiện vào thời điểm cuối năm 2021, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50. Trong đó, Cảng Cái Lân của tỉnh Quảng Ninh được xếp ở vị trí thứ 46, trên cả Cảng Hải Phòng và Cảng Cái Mép.

Dù sở hữu nhiều lợi thế, song việc phát triển cảng biển Quảng Ninh còn khá nhiều “điểm nghẽn”. Trong đó, việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển còn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, không chủ động nguồn bên ngoài. Nhóm các nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng biển và hạ tầng phụ trợ cảng biển; hỗ trợ các chủ tàu, chủ hàng, chủ cảng mở các tuyến vận tải hàng hóa đến, đi tại cảng biển của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa được triển khai. Các giải pháp liên kết, tiêu thụ, giao nhận, vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về Quảng Ninh thông qua cảng biển chưa có nhiều đổi mới, một số cảng chưa phát huy được hết công suất.

Tàu quốc tế trọng tải lớn cập cảng Cái Lân (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tàu quốc tế trọng tải lớn cập cảng Cái Lân (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ngoài ra, công tác phối hợp, xúc tiến đầu tư chưa có giải pháp đột phá, dẫn đến chưa thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn có thương hiệu về cảng biển và các hãng tàu uy tín đến Quảng Ninh để hợp tác kinh doanh. Cùng với đó, việc quy định doanh nghiệp tập kết đủ hàng hóa trên các sà lan tại một số khu vực cảng nổi trước khi tiến hành kiểm tra, lấy mẫu đối với hàng xuất khẩu đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, như: không đủ vị trí neo đậu cho sà lan; khu vực cảng nổi thời tiết có diễn biến rất bất thường hay có sóng to, gió mạnh... không an toàn cho phương tiện...

Theo ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing KCN Deep C, Quảng Ninh có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cảng biển một cách đột phá bởi sở hữu hệ thống giao thông đường bộ, sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển lớn. Trong bối cảnh Quảng Ninh đang thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT, nếu địa phương sớm có hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần đồng bộ sau cảng, chắc chắn sẽ tác động tích cực lên tốc độ, quy mô vận chuyển hàng hoá.

Đang dần được tháo gỡ

Xác định “điểm nghẽn” lớn từ hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư logistics, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung huy động, thu hút mọi nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển, tiến hành rà soát tổng thể bến cảng, luồng lạch, bến phao neo để đánh giá, điều chính quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh… Hiện 13 bến cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

>>>Quảng Ninh nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC thuỷ sản

>>>Quảng Ninh: Khổ với những bãi thải của ngành than

Hiện nay, cùng với dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh được khởi công xây dựng từ tháng 10/2021, dự án bến cảng nước sâu đa năng tại đảo Cái Chiên và bến cảng đa năng tại đảo Hòn Miều tại khu vực cảng Hải Hà đang được triển khai, Quảng Ninh cũng tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư với Bến cảng tổng hợp Con Ong (TP Cẩm Phả) để đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải đến 200.000 DWT.

Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định: Cảng biển Quảng Ninh là một trong số những cảng biển hàng đầu của quốc gia và là cảng biển quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Do đó, các cảng biển mới hình thành với hạ tầng đồng bộ, chắc chắn sẽ biến Quảng Ninh trở thành đầu mối cảng quan trọng trong bản đồ hàng hải quốc tế, hình thành lên những tuyến vận tải biển chiến lược.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác đầu tư Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác đầu tư Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Được biết, để thúc đẩy kinh tế cảng biển phát triển, Quảng Ninh đã tự bỏ “tiền túi” xây các tuyến đường ra cảng, kết nối liên thông với các tuyến cao tốc từ Hà Nội – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, sân bay Vân Đồn… Đồng thời, ưu tiên hoàn thành, nâng cấp hàng loạt đường nối tới cảng Cái Lân, KCN tại Quảng Yên, Hải Hà, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, đường trục chính KCN cảng biển…

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19, để tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực cảng biển, tỉnh Quảng Ninh đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc khai thác cơ chế một cửa quốc gia, ứng dụng công nghệ, thực hiện ký số giấy phép điện tử cho tàu thuyền cập hoặc rời cảng, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với các thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng biển.

Ông Hoàng Bá Nam - Bí thư Thành uỷ Móng Cái cho biết: Tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực cùng TP Móng Cái đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối ra cảng như đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ra cảng. Về phía TP Móng Cái, địa phương tập trung ưu tiên dành quỹ đất để phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ hậu cần sau cảng; tạo thuận lợi, thông thoáng trong thông quan hàng hóa, XNK, XNC…

Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển của cả nước, trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị, địa phương phải có cách làm sáng tạo, đột phá, nhất là trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển. Hướng đến hình thành các khu bến hiện đại và cảng cửa ngõ quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Nghị quyết 15-NQ/TU của tỉnh Quảng Ninh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2019-2025, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 17,5%/năm; đến năm 2025, dịch vụ cảng biển đóng góp khoảng 1,2% - 1,5% trong GRDP của tỉnh. Lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng 114,5-122,5 triệu tấn.

Giai đoạn 2026-2030, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,5%/năm. Đến năm 2030, dịch vụ cảng biển đóng góp 3% - 3,5% trong GRDP của tỉnh. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng 147,0 - 161,5 triệu tấn.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Quảng Ninh đổi mới nắm bắt “thời cơ vàng”

    Du lịch Quảng Ninh đổi mới nắm bắt “thời cơ vàng”

    20:55, 29/03/2022

  • Kỳ vọng đưa Quảng Ninh thành

    Kỳ vọng đưa Quảng Ninh thành "điểm đến bốn mùa"

    00:00, 29/03/2022

  • Quảng Ninh: Giải pháp nào để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững?

    Quảng Ninh: Giải pháp nào để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững?

    01:23, 28/03/2022


HẢI NGÂN