Hải Phòng: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu
Hải Phòng sẽ giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Đó là khẳng định của ông Lê Anh Qân – PCT UBND TP Hải Phòng tại Hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp XNK.
>>>Hải Phòng: Cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc
>>>Hải Phòng cam kết phát triển khu công nghiệp sinh thái bền vững
Theo ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hải Phòng cho biết: năm 2021, TP.Hải Phòng đã đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực, tiếp tục trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Xác định rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, TP.Hải Phòng đã nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông đồng bộ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy tăng trưởng”.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: Để chuẩn bị cho hội nghị này, Cục Hải quan Hải Phòng đã gửi các Phiếu thu thập thông tin tới 540 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các hãng tàu, kinh doanh kho, bãi, cảng, dịch vụ logistic trên địa bàn TP Hải Phòng. Trên cơ sở kết quả tổng hợp, phân loại đối với 200 kiến nghị, liên quan tới 35 nội dung; Cục Hải quan đã báo cáo lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và gửi đến các Sở, Ban, Ngành có liên quan để cùng phối hợp nghiên cứu và tiến hành giải đáp.
Được biết, đã có 12 ý kiến được nêu trực tiếp. Trong các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp XNK cũng tập trung nêu nhiều ý kiến, kiến nghị về các lĩnh vực xuất nhập khẩu, các hãng tàu, kinh doanh kho, bãi, cảng, dịch vụ logistic.
Theo đại diện, Công ty TNHH dầu nhờn IDEMITSU Việt Nam phản ánh và nêu kiến nghị. “Doanh nghiệp chúng tôi nhập khẩu mặt hàng dầu mỡ nhờn và các phụ gia, nguyên liệu, đây là mặt hàng cần phải phân tích, giám định để xác định mã HS. Thực tế, doanh nghiệp không muốn khai báo sai mã số và cũng đề nghị lấy mẫu để giám định, kiểm định. Tuy nhiên, sau khi có kết luận mã HS dẫn đến tăng hoặc giảm thuế và doanh nghiệp ngoài việc phải khai và nộp thuế bổ sung các tờ khai đã thông quan trước đó, còn bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan. Vì vậy, đề nghị cơ quan Hải quan kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng không xử phạt trong trường hợp doanh nghiệp chủ động đề nghị lấy mẫu đi phân tích xác định mã HS”
Theo Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: Cục sẽ tiếp thu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi. Tuy nhiên, để tránh bị xử phạt, Công ty có thể áp dụng quy định tại Điều 18 Luật Hải quan về quyền của người khai hải quan, đó là “yêu cầu cơ quan Hải quan xác định trước mã số, đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan Hải quan; hoặc được xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác”.
Đại diện Công ty TNHH Aroma Bay Candles kiến nghị về việc Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công (trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng) không có địa điểm kiểm tra tập trung nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi có lô hàng phải kiểm tra thực tế.
Theo Cục trưởng Nguyễn Duy Ngọc: doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục đăng ký kiểm tra tại kho doanh nghiệp hoặc tập kết hàng tại một số địa điểm kiểm tra tập trung của Cục Hải quan Hải Phòng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Flat (Việt Nam) phản ánh, gần đây, Trung Quốc thực hiện chiến lược Zero Covid khiến hàng hóa nhập khẩu bị ách tắc nên phát sinh nhiều trường hợp phải hủy tờ khai, do vậy, doanh nghiệp đề nghị được áp dụng việc tự động hủy tờ khai đối với hàng hóa nhập khẩu như quy định tại khoản 1 Điều 22 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Theo ông Ngọc: “Theo quy định hiện hành, trường hợp của Công ty thuộc đối tượng phải hủy tờ khai và việc phát sinh chỉ mang tính chất thời điểm. Do đó, Cục Hải quan Hải Phòng chia sẻ với kiến nghị của doanh nghiệp; mong muốn doanh nghiệp chủ động khắc phục khó khăn trong giai đoạn này. Bởi xử lý vướng mắc có tính chất tình huống của công ty sẽ ảnh hưởng chung đến nhiều doanh nghiệp khác”.
Ngoài ra, một số phản ánh tại Hội nghị vượt thẩm quyền đã được Cục Hải quan Hải Phòng ghi nhận để báo cáo cơ quan có thẩm quyền sớm tháo gỡ như: doanh nghiệp đề nghị được áp dụng thủ tục kiểm hóa hộ đối với hàng xuất khẩu (Công ty TNHH Aroma Bay Candles); đề nghị sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép doanh nghiệp chế xuất được phép thuê kho bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để lưu giữ nguyên liệu, thành phẩm..; và cho phép doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và được làm thủ tục đăng ký, đề nghị việc được thuê kho ngoài tại Cục Hải quan địa phương đang quản lý (Công ty TNHH Công nghiệp nhựa KYOWA Việt Nam và Công ty Yazaki Hải Phòng Việt Nam)...
Ngoài ra, lãnh đạo và đại diện cơ quan chức năng UBND TP Hải Phòng giải đáp các kiến nghị liên quan đến khó khăn như: việc nối hệ thống đường sắt từ cảng tới các KCN, mong muốn TP Hải Phòng có thể xây dựng bãi Deport gần các KCN có sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn như KCN Nomura, KCN Tràng Duệ...; mở rộng phạm vi địa điểm thuê kho bãi của các doanh nghiệp; nâng cao quản lý nhà nước về hoạt động vận tải quốc tế; quy hoạch xây dựng ký túc xá cho người lao động từ nơi khác đến làm việc; xây dựng các cảng chuyên dùng nhập khẩu xăng dầu; các trung tâm logistics; xây dựng tuyến đường sắt nối tới Cảng; mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải quốc tế; cho phép các tập đoàn lớn nghiên cứu, khảo sát và lập dự án phát triển kho, bãi, cảng tại cảng Nam Đồ Sơn; quan tâm duy tu, nâng cấp, nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng; xử lý, giải quyết các điểm ùn tắc giao thông tại khu vực Đình Vũ vào giờ cao điểm; đề xuất giải quyết, xử lý nhanh một số vướng mắc trong chính sách Thuế, Hải quan; chuyển đổi trong thủ tục thông quan và áp dụng chứng từ điện tử cho tất cả các cơ quan hữu quan...
Theo ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hải Phòng cho biết: Thời gian qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức các Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp của thành phố cũng bị hạn chế đáng kể. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị, cuộc họp nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng việc tổ chức các Hội nghị chuyên đề theo từng lĩnh vực hoặc ngành nghề.
Phó Chủ tịch Lê Anh Quân đã khẳng định: “Hải Phòng sẽ luôn nghiêm túc lắng nghe, ghi nhận và giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, xử lý, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ; chủ động phối hợp với các ngành khác và đề xuất, báo cáo UBND thành phố nếu vượt thẩm quyền. Bên cạnh đó, mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến, hiến kế cho thành phố và tin tưởng với sự quan tâm, hỗ trợ, hiểu biết lẫn nhau, đồng hành giữa thành phố và các ngành, các doanh nghiệp sẽ góp phần đắc lực đưa Hải Phòng phát triển mạnh mẽ theo mục tiêu đề ra”, ông Quân nói!
Có thể bạn quan tâm