Quảng Ninh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

HẢI NGÂN 16/11/2022 02:16

Quảng Ninh là một trong những đầu tàu kinh tế lớn của đất nước, tập trung đông lực lượng lao động, do vậy việc nâng cao đào tạo nghề là giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

>>>Quảng Ninh tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư FDI

>>>Quảng Ninh phát huy lợi thế để phát triển kinh tế biển

Nhu cầu lớn

Là một địa phương có đà tăng trưởng nhanh, hướng đến một nền dịch vụ, công nghiệp hiện đại, Quảng Ninh đang tìm lời giải phù hợp cho bài toán về nhân lực chất lượng cao.

Các KCN của tỉnh Quảng Ninh đang thu hút lượng lớn lao động đến làm việc

Các KCN của tỉnh Quảng Ninh đang thu hút lượng lớn lao động đến làm việc

Hiện tổng số lao động đang làm việc tại Quảng Ninh là 735.000 người. Hằng năm, tỉnh Quảng Ninh cần bổ sung 30.000 - 60.000 lao động. Như vậy, đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 821.000 người, con số này đến năm 2030 là khoảng 874.000 người. Chỉ riêng lao động trong ngành công nghiệp chế biến cần có đến năm 2025 là khoảng 129.000 lao động; đến năm 2030 là 178.500 lao động.

Theo các chuyên gia nhận định, với định hướng chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Quảng Ninh đều đang “khát nhân lực” trình độ cao, nhất là các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi, logistics ngành dịch vụ, du lịch… Đây đều là những ngành, nghề mà Quảng Ninh đang có định hướng đẩy mạnh phát triển, nhằm mục tiêu đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước vào năm 2030.

Người lao động làm việc tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Người lao động làm việc tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Theo ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: Cũng giống như một số nhà đầu tư hạ tầng KCN tại Quảng Ninh, DEEP C rất quan tâm đến vấn đề lao động chất lượng cao. Mỗi tỉnh, thành phố cần có những ưu tiên cho đào tạo, tập trung vào những ngành nghề như: điện tử, sản xuất máy móc thiết bị… Điều này đòi hỏi phải có thời gian để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng, nếu làm được, sẽ cải thiện đáng kể chất lượng nguồn lao động, giúp tăng lợi thế cho Quảng Ninh thu hút được các nhà đầu tư lớn.

>>>Quảng Ninh: “Đòn bẩy” du lịch cộng đồng

>>>Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Còn theo ông Wataru Fujisaki - Giám đốc Tokyo Gas cho biết, khi lựa chọn Quảng Ninh đầu tư, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ nguồn cung lao động mà địa phương có thể đáp ứng. Quảng Ninh có truyền thống về phát triển công nghiệp và hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện. Như vậy, cơ hội về nguồn nhân lực của doanh nghiệp chắc chắn cũng rộng mở. Cùng với lộ trình xây dựng hạ tầng cho nhà máy, doanh nghiệp đang nghiên cứu, xây dựng liên kết với các trường, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để có nguồn cung lao động, đảm bảo có thể vận hành được ngay sau khi nhà máy khánh thành, đi vào hoạt động.

Cần sự kết nối chặt chẽ

Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những khâu khâu đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Do vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp cần được các bên quan tâm thực hiện. Đặc biệt, cần có sự chung tay của nhiều “nhà” để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động. Trong đó, nhà trường cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và ngoại ngữ cho học viên. Nhà doanh nghiệp cần chung tay bằng các chính sách đãi ngộ, đào tạo và phát triển kỹ năng nhằm thu hút lao động. Nhà nước chú trọng an sinh như xây dựng nhà ở, bệnh viện, nhà trẻ… để thu hút và giữ chân công nhân sinh sống, làm việc.

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn Quảng Ninh hướng dẫn sinh viên thực hành sử dụng robot hàn tự động (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn Quảng Ninh hướng dẫn sinh viên thực hành sử dụng robot hàn tự động (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo đại diện Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh cho biết, để đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cung ứng cho doanh nghiệp, phía nhà trường đã xây dựng chương trình liên kết, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tìm hiểu chủ trương, chính sách về phát triển những ngành nghề ưu tiên của tỉnh. Đồng thời, khảo sát, rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo, hình thức đào tạo cho phù hợp với thực tế của doanh nghiệp…

Được biết, trong những năm qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 42 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở GDNN đã giới thiệu, cung ứng 10.384 lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức đào tạo 4.250 lao động cho doanh nghiệp; phối hợp bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 67 nhà giáo; bồi dưỡng kỹ năng nghề nâng bậc cho 2.790 lao động của doanh nghiệp; phối hợp xây dựng 27 chương trình đào tạo...

Theo ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao Động -Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước nhu cầu rất lớn về nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động trên địa bàn. Đặc biệt, quan tâm đến công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Quảng Ninh đạt trên 85%, tăng hơn 20% so với 5 năm trước.

Cũng theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã chủ động thiết lập các kênh kết nối để phía doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nhà trường và nhà khoa học xây dựng các chương trình hợp tác trong tuyển dụng, đào tạo lao động; đẩy mạnh hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động. Đồng thời, thường xuyên thông tin về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách liên quan đến nội dung này để doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và nhà trường nắm rõ, có định hướng triển khai phù hợp; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ.

Còn theo đại diện Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ như Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long thì đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp mở rộng đầu vào tuyển dụng, lựa chọn được những ứng viên có năng lực tốt, đáp ứng nhu cầu công việc vào làm việc tại doanh nghiệp.

Được biết, bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh Quảng Ninh sẽ có cơ chế thu hút, giữ “chân” người lao động ngoại tỉnh ở lại lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh. Đặc biệt, có cơ chế chính sách về nhà ở để thu hút lao động khi làm việc tại Quảng Ninh, bao gồm cả nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà ở cho nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia gắn với các thiết chế văn hóa để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc, sinh sống lâu dài tại Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, lực lượng lao động có độ tuổi từ 15 – 39 chiếm 51% dân số Quảng Ninh, trong đó có 38,3% có bằng đại học và sau đại học, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Không để ô nhiễm môi trường các cụm công nghiệp

    Quảng Ninh: Không để ô nhiễm môi trường các cụm công nghiệp

    00:06, 15/11/2022

  • Quảng Ninh: Đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu

    Quảng Ninh: Đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu

    18:32, 14/11/2022

  • Quảng Ninh: Bắt giữ nhiều tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép

    Quảng Ninh: Bắt giữ nhiều tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép

    00:06, 12/11/2022

HẢI NGÂN