Thanh Hóa: Năm 2023 thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Từ ngày 1/1/2023, tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, điều này cho thấy chính quyền luôn đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.
>>Doanh nghiệp phát triển – Thanh Hóa thịnh vượng
Cụ thể, ngoài các chính sách về đào tạo bồi dưỡng doanh nghiệp, doanh nhân, từ ngày 1/1/2023, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số cho doanh nghiệp. Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức ở trong nước nhưng không quá 55 triệu đồng/năm/doanh nghiệp. Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, kinh phí tối đa không quá 250 triệu đồng cho một doanh nghiệp với một thị trường xuất khẩu mới. Thông qua hoạt động hỗ trợ nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của Thanh Hóa diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch COVID -19 và tình hình chiến sự leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tiễn, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã phát huy tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương, ban hành kịp thời nhiều nghị quyết quan trọng, sát thực tiễn; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022; củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 4/2022, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết 214 về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2026. Nghị quyết đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, mang tính quyết định sự phát triển của doanh nghiệp trong tình hình mới, như các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới.
>>Thanh Hóa: Phấn đấu hoàn thiện từ cấp cơ sở để nâng cao chỉ số PCI
>>Thanh Hóa: Hành trình nỗ lực trở thành một cực tăng trưởng mới phía Bắc Tổ quốc
Taị Hội nghị cho ý kiến về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định, trong nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiêp. Mục tiêu phát triển doanh nghiệp luôn được tỉnh thể hiện quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Trong đó việc ban hành chính sách là cần thiết nhằm góp phần kiến tạo phong trào khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp cả về số lượng, chất lượng, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phải được văn bản hóa, văn bản pháp quy để thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Ông Phạm Bá Dung, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàm Rồng cho biết, doanh nghiệp và Nhân dân hết sức phấn khởi. vì khi một cơ chế, chính sách ra đời sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển bền vững và tạo thuận lợi cho sự phát triển chung của toàn tỉnh. Đây là bước mở đầu cho việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, điểm thắt trong điều hành quản lý nhà nước, thu hút được nguồn nhân lực và đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã sớm có nhiều cơ chế, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất.
Tranh thủ, nắm bắt thời cơ, vận hội mới, cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa đã và đang thi đua, nỗ lực, tăng tốc sản xuất kinh doanh, bước đầu gặt hái được những thành công đáng khích lệ, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa nhất là sau đại dịch COVID -19.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp phát triển – Thanh Hóa thịnh vượng
15:29, 20/12/2022
Thanh Hóa: Phấn đấu hoàn thiện từ cấp cơ sở để nâng cao chỉ số PCI
11:01, 18/12/2022
Thanh Hóa: Hành trình nỗ lực trở thành một cực tăng trưởng mới phía Bắc Tổ quốc
13:57, 15/12/2022
Thanh Hóa: Phát huy hiệu quả cơ chế đặc thù
12:00, 13/12/2022
Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò kết nối
09:48, 10/12/2022
Thanh Hóa: Xây dựng thành công “thương hiệu” hấp dẫn nhà đầu
11:43, 09/12/2022