Điện Biên: Khơi thông “điểm nghẽn” môi trường kinh doanh
Năm 2023, Điện Biên tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… góp phần hiện thực hoá mục tiêu tăng GRDP trên 10%.
>>Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Tây Trang: Phấn đấu hoàn thành thủ tục trình Chính phủ tháng 12/2022
Đây là chia sẻ của ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND Tỉnh Điện Biên với DĐDN trước thềm Xuân Quý Mão. Theo ông Đô, bước đột phá của Điện Biên những năm gần đây là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt (rút ngắn thời gian các thủ tục hành chính (TTHC), cấp phép đầu tư, xây dựng...) huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục tăng cao, thu hút đầu tư có chuyển biến rất tích cực.
- Ông có thể cho biết những chính sách cơ bản của Điện Biên trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp?
Năm 2022, tỉnh đã cắt giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày theo quy định xuống còn 1,5 ngày. Thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện liên thông trên môi trường mạng giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng (năm 2022, tỷ lệ nộp hồ sơ qua mạng của tỉnh ước đạt 90%)... Cam kết trong thời gian ngắn nhất, chi phí ít nhất doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC về đăng ký doanh nghiệp qua mạng từ xa và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Ngoài ra, Tỉnh triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2019-2023... Theo đó, Tỉnh chú trọng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
- Chắc hẳn những chính sách đó đã tạo “cú hích” thu hút đầu tư, phát triển kinh doanh, thưa ông?
Đúng vậy! Thời gian qua, Tỉnh đã đón nhận nhiều nhà đầu tư, tập đoàn, công ty lớn đến khảo sát, nghiên cứu, ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, tài trợ quy hoạch như: Tập đoàn Sun Group; Vingroup; Hải Phát; Liên danh Công ty Đèo cả - Văn phú - Phú Mỹ - Thành Lợi; Tập đoàn Flamingo; Tập đoàn Bamboo Capital, Tập đoàn TH,... đầu tư vào nhiều lĩnh vực như hạ tầng kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, nông - lâm nghiệp, khu đô thị, bất động sản, năng lượng…
Tính riêng năm 2022, Tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 17 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu dân cư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8.405,5 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021 ( 6.759,7 tỷ đồng)…
- Nhìn lại những nỗ lực của Điện Biên trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo ông đâu là những “điểm nghẽn” cần “khơi thông”?
Qua rà soát, đánh giá việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Tỉnh nhận thấy vẫn còn “điểm nghẽn” ở công tác điều hành của một số sở, ngành, địa phương và thực thi công vụ của cán bộ. Vì vậy, tới đây tỉnh sẽ triển khai “5 rõ”: “rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”…
Cùng với đó, tỉnh công khai, minh bạch TTHC, giám sát quy trình giải quyết công việc để xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân, từng công việc cụ thể. Thông qua các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp để kịp thời, luân chuyển, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức ở những vị trí "nhạy cảm", dễ phát sinh tiêu cực; đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu, gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm đối với những hạn chế, yếu kém…
Đặc biệt, tỉnh sẽ triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến... Qua đó giúp tỉnh có cái nhìn đầy đủ hơn cũng như "chỉ mặt, đặt tên" được các “điểm nghẽn”, lực cản trong CCHC để xử lý kịp thời…
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm