Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu điểm số đối với chỉ số đào tạo lao động năm 2022 đạt 5,8 điểm (tăng 0,42 điểm so với năm 2021).
>>Điện Biên “cắt sốt” giá vật liệu xây dựng
Phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề đang trở nên cấp thiết tại Điện Biên.
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2021, chỉ số đào tạo lao động của Điện Biên chỉ đạt 5,38 điểm, thấp nhất trong vòng 05 năm trở lại đây. Kết quả trên đòi hỏi Điện Biên phải nỗ lực hơn nữa trong việc tập trung cải thiện chỉ số thành phần về đào tạo lao động, tăng dần vị trí xếp hạng, điểm số PCI của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong ngắn hạn, Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu điểm số đối với chỉ số đào tạo lao động năm 2022 đạt 5,8 điểm (tăng 0,42 điểm so với năm 2021).
Về lâu dài, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, Điện Biên đã đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 40.500 lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng: 1.500 người, trung cấp 3.800 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 35.200 người; trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000-8.300 lao động; thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-70% vào năm 2025, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 40%. Tỉnh cũng phấn đấu 50% lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu; có từ 80% lao động người dân tộc thiểu số có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%...
Trên thực tế, kết quả tuyển mới giáo dục nghề nghiệp năm 2022 đạt và vượt chỉ tiêu giao. Minh chứng năm 2022 toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo 9.038 người, đạt 110,89% kế hoạch UBND tỉnh giao (8.150 người), tăng 10,42% so với kết quả thực hiện năm 2021. Trong đó: cao đẳng 130 người, trung cấp 341 người , sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 8.567 người (có 5.282 lao động được hỗ trợ học nghề ngắn hạn từ các chương trình, đề án). Hoạt động liên kết, phối hợp để tổ chức đào tạo theo mô hình 9+, doanh nghiệp ngoài tỉnh tổ chức đào tạo, tạo việc làm cho lao động trong tỉnh tiếp tục đạt kết quả, hiệu quả cao hơn những năm trước.
Tuy nhiên để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường cũng như thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp mà tỉnh đã đề ra, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách đã được ban hành. Ngoài ra, ban hành khung giá đào tạo nghề tạo cơ sở pháp lý thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng là cơ sở để tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo cho các đơn vị.
Đồng thời, Điện Biên sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt trong chiến lược phát triển, Điện Biên sẽ gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Thông qua việc, tỉnh sẽ tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và cung ứng nhân lực. Qua đó, các cơ sở đào tạo có thể huy động các chuyên gia giỏi tại các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên.
Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức khảo sát, tổng hợp chính xác nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và các dự án đầu tư trên địa bàn theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề và theo từng trình độ đào tạo, trên cơ sở đó định hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch để hợp tác và tổ chức có hiệu quả công tác đào tạo, cung ứng lao động, không để xẩy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực của các doanh nghiệp. Sở sẽ thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Điện Biên cũng sẽ tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp. Để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp, tỉnh huy động nguồn lực trong các chương trình, dự án đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên:Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của Điện Biên là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực; khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; thực hiện một số mục tiêu chủ yếu. |
Có thể bạn quan tâm
Huyện Mường Nhé (Điện Biện): Với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch
08:46, 22/09/2022
Ngành Giáo dục TP Điện Biên Phủ: Nỗ lực triển khai hiệu quả trương trình dạy học mới
09:30, 19/09/2022
Điện Biên: Tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT
18:08, 25/08/2022