Năng lượng tái tạo: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận

ĐÌNH ĐẠI 30/03/2023 15:32

Đó là đánh giá của ông Đạo Văn Rớt – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng “0” – Cơ hội và thách thức”.

>>>Năng lượng tái tạo: Cơ chế giá mua điện với dự án chuyển tiếp còn nhiều bất cập

Các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần phát triển KTXH của tỉnh Ninh Thuận.

Các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần phát triển KTXH của tỉnh Ninh Thuận.

Nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường

Ông Đạo Văn Rớt – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến cuối năm 2022, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút 51 dự án đầu tư năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với tổng công suất 3.262MW (gồm: 16 dự án điện gió/850MW; 35 dự án điện mặt trời/2.412MW). Tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 84.176 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 13 dự án thủy điện/1.558,45 MW đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch. Trong đó: Vận hành thương mại 09 dự án/309,45MW; Đang triển khai đầu tư xây dựng 02 dự án/1.120MW; Đang làm thủ tục cấp Quyết định đầu tư có 02 dự án/29MW.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3.656 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà dưới 01MW/357,536 MWp đã được Công ty Điện lực Ninh Thuận tiến hành nghiệm thu và lắp công tơ 2 chiều.

Đánh giá về các lợi ích kinh tế và môi trường mà năng lượng tái tạo mang lại cho địa phương, ông Đạo Văn Rớt cho rằng, các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần phát triển KTXH tỉnh nhà, tỉnh Ninh Thuận thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất cả nước (năm 2019 đạt 13,9%, 2020 đạt 10,02%);

Hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra và thu ngân sách về đích trước 03 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra; Hàng năm đóng góp sản lượng điện vào hệ thống lưới điện quốc gia (năm 2020 khoảng 6 tỷ kWh; năm 2021 đạt 6,822 tỷ kWh, năm 2022 gần 7 tỷ kWh).

Giải quyết công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương; Bên cạnh đó, các Chủ đầu tư tham gia đồng hành đóng góp các quỹ phúc lợi an sinh xã hội của địa phương; Phát huy hiệu quả và nâng cao giá trị sử dụng đất đối với diện tích đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, không có điều kiện để phát triển nông nghiệp.

Làm giảm phát thải khí nhà kính với tỷ lệ giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than), góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phát triển điện mặt trời mái nhà còn là hình thức sản xuất điện vừa phục vụ mục đích sản xuất-sinh hoạt, vừa tăng thêm thu nhập của người dân.

ông Đạo Văn Rớt – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận trình bày tham luận tại Hội thảo

ông Đạo Văn Rớt – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận trình bày tham luận tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng “0” – Cơ hội và thách thức” - Ảnh: Đình Đại.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Mặc dù vậy, ông Đạo Văn Rớt cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Thứ nhất, hiện nay còn 247MW đã đầu tư xong nhưng chưa được công nhận COD và huy động phát lên lưới (gồm 154MW ĐMT, 93MW ĐG). Đồng thời Bộ Công Thương, EVN chậm hướng dẫn Nhà đầu tư đàm phán Khung giá phát điện các Nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương, gây lãng phí.

Thứ hai, trong các dự án đưa vào vận hành thương mại, hiện nay vẫn còn bị cắt giảm công suất; việc cắt giảm này làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư, phương án tài chính của nhà đầu tư và thu ngân sách của tỉnh.

Thứ ba, các công trình lưới điện truyển tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, hầu hết đầu tư triển khai chậm tiến độ. Do đó, việc giải phóng công suất các dự án đưa vào vận hành trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang gặp khó khăn, không phát huy tối đa sản lượng điện sản xuất của các dự án phát lên lưới điện quốc gia.

Thứ tư, cơ chế chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi liên tục gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; Quy định về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và thu hồi đất thông qua nhiều bước và thời gian kéo dài làm cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đường dây truyền tải điện.

Thứ năm, việc phát triển dự án điện mặt trời trên các mặt hồ thủy lợi nhằm khai thác tiềm năng và tăng hiệu quả giá trị kinh tế, tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể;

Thứ sáu, việc xử lý môi trường đối với các tấm pin bể vỡ; hết vòng đời dự án chưa được cơ quan Nhà nước hướng dẫn cụ thể.

>>>VBF 2023: Chú trọng hợp tác công tư PPP để phát triển năng lượng tái tạo

Thứ bảy, QH điện VIII chậm phê duyệt; Cơ chế, chính sách giá điện mới các dự án năng lượng tái tạo chậm được ban hành làm ảnh hưởng định hướng rất lớn Kế hoạch phát triển năng lượng trên cả nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng; QH điện VIII không nêu cụ thể danh mục từng dự án của các địa phương mà phân theo từng vùng miền, dẫn đến địa phương không xác định được quy mô công suất cụ thể để có kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch; Việc phát triển điện gió biển/ngoài khơi hiện nay đang còn nhiều rào cản như: QH điện VIII, quy hoạch không gian biển, quy định cho thuê mặt biển, cấp phép….;

“Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng “0” – Cơ hội và thách thức” do VCCI HCM tổ chức thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham dự - Ảnh: Đình Đại.

Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng “0” – Cơ hội và thách thức” do VCCI HCM tổ chức thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham dự - Ảnh: Đình Đại.

Và một số khó khăn khác như: việc đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư; việc tiếp cận và huy động nguồn vốn từ các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức và hành động của các bên liên quan, niềm tin của các nhà quản lý, nhà đầu tư và người dân;…

Và những đề xuất, kiến nghị

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, đại diện ngành Công thương tỉnh Ninh Thuận đã nên 9 đề xuất và kiến nghị: Một là, sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII và ban hành cơ chế, chính sách giá điện mới đối với các dự án năng lượng tái tạo.

Hai là, Bộ Công Thương, EVN sớm hướng dẫn các Nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp lập hồ sơ đàm phán giá bán điện theo Khung giá phát điện Nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương

Ba là, theo Thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII có nêu (Thông báo số 277/TB-VPCP ngày 06/9/2022 của Văn phòng Chính phủ): “…Gió, nắng không ai lấy được của ta và cũng không phải mua; do vậy, phải tính toán khai thác tối đa, hiệu quả và hợp lý về giá bán điện, vì càng ngày công nghệ càng phát triển và sẽ giảm giá theo thời gian”. Do vậy kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét tích hợp các nguồn NLTT của các Tỉnh vào Quy hoạch điện VIII để tính toán đầu tư hạ tầng truyền tải đồng bộ với các dự án nguồn điện;

Bốn là, xem xét sửa đổi, bổ sung, phân cấp cho các địa phương về thẩm quyền chuyển đổi đất rừng sang đất khác để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án hạ tầng truyền tải;

Năm là, EVN có kế hoạch bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy hoạch đã duyệt nhằm giải tỏa toàn bộ công suất các nguồn điện tích hợp vào Quy hoạch điện VIII, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng;

Sáu là, sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia phù hợp theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 với Bộ Chính trị tại về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Bảy là, Chính phủ cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng theo hướng tăng cường nội lực, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hướng đến xuất khẩu; Ưu tiên phát triển các ngành chế tạo máy, thiết bị điện nhằm giảm giá thành trong dài hạn và đảm bảo sự ổn định của sản xuất là một yếu tố sống còn của an ninh năng lượng. Hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích và triển khai mô hình các Công ty dịch vụ năng lượng (lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng, dịch vụ logistic,..).

Tám là, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng (có thể hình thành các Viện, Trung tâm nghiên cứu, Trường Đại học chuyên môn cao và đào tạo các ngành học về năng lượng, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ cho ngành).

Chín là, Chính phủ cần đưa ra chính sách cụ thể nghiêm ngặt đối với nhà sản xuất pin mặt trời phải có trách nhiệm thu gom, xử lý lại phần nguyên liệu để tái chế, giảm rác thải ra môi trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Năng lượng tái tạo: Cơ chế giá mua điện với dự án chuyển tiếp còn nhiều bất cập

    Năng lượng tái tạo: Cơ chế giá mua điện với dự án chuyển tiếp còn nhiều bất cập

    07:50, 21/03/2023

  • VBF 2023: Chú trọng hợp tác công tư PPP để phát triển năng lượng tái tạo

    VBF 2023: Chú trọng hợp tác công tư PPP để phát triển năng lượng tái tạo

    14:47, 19/03/2023

  • Vì sao các doanh nghiệp năng lượng tái tạo kêu cứu Thủ tướng?

    Vì sao các doanh nghiệp năng lượng tái tạo kêu cứu Thủ tướng?

    04:20, 19/03/2023

  • Năng lượng tái tạo và kinh tế số sẽ là trọng tâm hợp tác mới giữa Việt Nam - Singapore

    Năng lượng tái tạo và kinh tế số sẽ là trọng tâm hợp tác mới giữa Việt Nam - Singapore

    04:52, 08/03/2023

  • Tăng giá điện: Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo

    Tăng giá điện: Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo

    11:00, 22/02/2023

  • Gỡ ‘nút thắt’ cho phát triển năng lượng tái tạo

    Gỡ ‘nút thắt’ cho phát triển năng lượng tái tạo

    03:27, 13/02/2023

ĐÌNH ĐẠI