Long An: Nâng cao năng lực cạnh tranh từ DDCI
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số PCI được tỉnh Long An xác định như là một giải pháp cần thiết, góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Đó là chia sẻ của ông Trương Văn Liếp - Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Long An: Cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL
- Thưa ông, Chỉ số PCI của tỉnh Long An năm 2022 đạt 68,45 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2022. Đây là kết quả nỗ lực với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, sát thực tiễn từ chính quyền tỉnh, ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Thời gian qua, với nhiều nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính (CCHC), thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, Long An đã vươn lên mạnh mẽ trên bảng xếp hạng PCI. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai, thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp đánh giá cao về công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Năm 2022, qua rà soát, tỉnh có 42 phương án đơn giản hóa TTHC đối với 42 thủ tục thuộc 20 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành tỉnh, gồm: Cắt giảm thời gian giải quyết TTHC là 221 ngày/847 ngày, tỷ lệ cắt giảm thời gian đạt 26,09%. Ngoài ra, tỉnh quyết định bỏ hoặc sửa đổi nhiều thủ tục thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 15 cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Hồ sơ TTHC trên địa bàn tỉnh đều được giải quyết trước và đúng hạn...
Long An cũng triển khai bộ chỉ số đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI), nhằm đánh giá cảm nhận về thái độ, chất lượng hướng dẫn, giải quyết của cán bộ nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp; đánh giá mức độ quan tâm của người dân, doanh nghiệp đến các chủ trương, chính sách liên quan đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chương trình cũng thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế đối với các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
Kết quả DDCI là một trong các căn cứ để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, qua đó, tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương. Đánh giá hiệu quả công tác điều hành của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm; nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm tiếp theo, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong những lĩnh vực được khảo sát. Chương trình cũng tạo sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ về DDCI của tỉnh như là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng điểm số và vị trí của tỉnh trên bảng xếp hạng PCI.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là giải pháp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, thưa ông?
Đúng vậy. Tỉnh Long An luôn coi doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho phát triển. Quan điểm này được thể hiện một cách nhất quán trong quá trình chỉ đạo, điều hành công việc, nhất là những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và người dân.
Để môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng hơn, các chỉ số thành phần của PCI tăng dần qua từng năm, Long An đã và đang khẩn trương triển khai những giải pháp thiết thực với quyết tâm cao hơn, giải quyết tận gốc các "nút thắt, điểm nghẽn". Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án triển khai Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) và Kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao PCI năm 2023. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng công khai, minh bạch thông tin, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư một cách thiết thực, hiệu quả…
Đặc biệt, tỉnh sẽ chủ động rà soát, xác định giá đất cụ thể, sát với thị trường, góp phần thực hiện tốt việc GPMB; tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ tái định cư để các dự án sớm được triển khai và đi vào hoạt động.
- Ông có chia sẻ điều gì với các nhà đầu tư khi đến với Long An?
Với quan điểm nhất quán “xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”, tỉnh Long An rất trân trọng, luôn sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Long An hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chúng tôi đã xác định tinh thần phục vụ doanh nghiệp không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận của mình. Phải luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng thu hút các doanh nghiệp đến với Long An.
- Trân trọng cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm