Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, góp phần đưa Long An phát triển nhanh và bền vững.
>>Long An: Có hay không việc KCN Hồng Đạt lừa dối nhà đầu tư nước ngoài?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh Long An đã xác định: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, góp phần đưa Long An phát triển nhanh và bền vững. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An trong việc phát triển nông nghiệp ƯDCNC, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Út, phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Thưa ông, đâu là điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Long An thời gian qua?
Những năm qua, phát triển nông nghiệp theo hướng ƯDCNC trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản xuất không ngừng gia tăng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được đa dạng hóa, hình thành các vùng nông nghiệp sản xuất tập trung, ƯDCNC. Các mô hình sản xuất UDCNC, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai thực hiện thành công trên diện rộng. Những loại cây, con được tỉnh chọn để thực hiện chương trình đã có những bước tiến mới, chất lượng hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Việc tổ chức sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn là mối liên kết "4 nhà" (nhà nông - nhà doanh nghiệp - Nhà nước và nhà khoa học), giúp ngành nông nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, tạo thương hiệu cho các sản phẩn nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC được xây dựng cho 4 loại cây trồng (lúa, thanh long, chanh, rau) và vùng chăn nuôi bò thịt, nuôi tôm nước lợ; trong đó, chú trọng xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, theo các mô hình VietGAP, GlobalGAP. Trong đó, nổi bật phải kể đến là lúa gạo, thanh long và chanh không hạt. Những loại nông sản đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư để chế biến, xuất khẩu.
Long An hiện có nhiều sản phẩm với thương hiệu nổi tiếng như lúa Nàng thơm Chợ Đào, rau Cần Đước, Cần Giuộc, thanh long ruột đỏ, khoai mỡ, chanh không hạt... là tiền đề để sản xuất chinh phục, mở rộng thị trường, mở rộng lợi thế cạnh tranh...
Đến nay, tiến độ triển khai, thực hiện ƯDCNC trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra, với trên 46.930ha lúa, 1.983ha rau, 2.290ha chanh, 4.154ha thanh long, 22,66ha tôm... Theo kế hoạch, đến năm 2025, Long An sẽ xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đối với cây lúa là 60.000 ha, thanh long 6.000 ha, rau 2.000 ha, cây chanh 3.000 ha, tôm nước lợ 100 ha; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Thưa ông, đâu là lợi thể trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của Long An?
Với ưu thế là vùng đất giàu tiềm năng, Long An nằm trong vùng KTTĐPN (được coi là vùng lõi) với các điểm mạnh về thị trường tiêu thụ (lớn và đa dạng), tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ và hệ thống cơ sở hạ tầng. Khả năng kết nối, giao thương trong và ngoài nước đều thuận lợi.
Long An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm cũng được xem là một điểm mạnh phát triển sản xuất các nông sản nhiệt đới đặc trưng, canh tác nhiều vụ trong năm với năng suất, chất lượng tốt cũng như phát triển mô hình canh tác đa tầng, hiệu quả cao... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn (trong quá trình xây dựng NTM) đã và đang được đầu tư hoàn thiện rất nhanh, thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.
Với vị trí liền kề thành phố Hồ Chí Minh, Long An đang có một quỹ đất dành cho phát triển dân cư đô thị và khu cụm công nghiệp khoảng 30.000ha; trong đó, trên 10.000 ha đã được chuẩn bị khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng. Trên sông Vàm Cỏ Đông, ở Bến Lức, cụm cảng Bourbon, Thành Tài, Kiến Thành, Cẩm Nguyên,…cho phép các tàu biển có trọng tải đến 7.500 tấn cặp bến. Ở Cần Giuộc, cách quốc lộ 50 không xa là Cảng Quốc tế Long An, cảng cho phép tàu biển có trọng tải đến 70.000 tấn cặp bến trên sông Soài Rạp.
Ngoài ra, cụm Cảng Phước Đông, nằm sát cạnh tuyến quốc lộ 50, trên Sông Vàm Cỏ (Cần Đước) cũng đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Có thể xem thực tế này là cơ hội lớn để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đầu tư phát triển công nghiệp trong đó có ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản cũng như dịch vụ hỗ trợ đầu vào đầu ra sẽ ảnh hưởng lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Long An đã tăng cường triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thực hiện, lan toả là cơ hội lớn để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, gắn với tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong quy hoạch tỉnh; đồng thời, xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ và thị trường để đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, làm nòng cốt hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho người nông dân. Đến năm 2025, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 25% - 30% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; đến năm 2030 là 50%.
Các mô hình sản xuất ƯDCNC, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai thực hiện thành công trên diện rộng tại Long An.
- Vậy, trong nông nghiệp những nội dung đột phá nào được tỉnh Long An tập trung thực hiện trong thời gian tới?
Để xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh Long An phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và bảo đảm môi trường được xử lý triệt để, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông lâm thuỷ sản của tỉnh bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là trên 3,2%/năm, Long An tiếp tục đầu tư ƯDCNC trên diện rộng vào các vùng sản xuất tập trung cây trồng chủ lực (lúa, rau, thanh long, cây chanh, nuôi bò thịt, nuôi cá da trơn, cá nước ngọt, nuôi tôm nước lợ).
Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường để đầu tư sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sạch làm nòng cốt hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người nông dân để liên kết sản xuất những sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường, tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời, khai thác sản phẩm từ các vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC, tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận an toàn, chứng nhận VietGAP và GAP khác, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đến năm 2025 chiếm trên 25% và đến năm 2030 chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trước mắt, trong năm 2023, tỉnh tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động và kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ triển khai chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh… Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất về kinh phí đầu tư, kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn, công tác giám sát cảnh báo… đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện cho vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đảm bảo cho hoạt động sản xuất và vận chuyển vật tư, hàng hóa; hỗ trợ các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc kết nối, trao đổi, khai thác thông tin xúc tiến thương mại; quảng bá hình ảnh các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP...
- Ông có chia sẻ gì với các nhà đầu tư trên địa bàn Long An nói chung và các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng?
Đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân là thông điệp xuyên suốt của chính quyền tỉnh Long An. Trên tinh thần đó, lãnh đạo tỉnh sẽ cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, với quan điểm nhất quán “xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”. Chính quyền tỉnh Long An rất trân trọng, luôn sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng hợp tác đầu tư phát triển, cùng thành công tại Long An.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
+ Xây dựng, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với cây lúa ở các vùng sản xuất tập trung tại các huyện vùng ĐTM: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa. + Xây dựng, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với cây rau ở các vùng sản xuất tập trung tại các huyện có vùng chuyên canh rau: Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, TP. Tân An và vùng khoai mỡ đặc sản huyện Thạnh Hóa. + Xây dựng, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với cây thanh Long ở các vùng sản xuất tập trung tại các huyện có vùng chuyên canh thanh long: Châu Thành, Tân trụ, TP. Tân An. + Xây dựng, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với cây chanh ở các vùng sản xuất tập trung tại các huyện có vùng chuyên canh cây chanh: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Huệ, Thạnh Hóa. + Xây dựng, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với chăn nuôi bò thịt ở các vùng sản xuất chăn nuôi bò thịt tập trung quy mô lớn: Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ. + Xây dựng, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với nuôi tôm nước lợ UDCNC ở các vùng sản xuất tôm nước lợ tập trung quy mô lớn: Cần Đước, Cần Giuộc (do huyện Châu Thành và Tân Trụ đến năm 2030 không còn vùng nuôi do chuyển sang đất phi nông nghiệp). + Xây dựng, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với nuôi cá da trơn ƯDCNC ở các vùng sản xuất cá nước ngọt tập trung quy mô lớn: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường. + Xây dựng, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với nuôi cá nước ngọt khác ngoài cá da trơn ƯDCNC ở các vùng sản xuất cá nước ngọt tập trung quy mô lớn: Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức huệ, Đức Hòa, Tân An. |
Có thể bạn quan tâm