Cải thiện môi trường đầu tư Đà Nẵng theo hướng nào?
Đà Nẵng cần có giải pháp rút ngắn thủ tục, tăng cường xúc tiến, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển quỹ đất,... để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.
>>Thúc đẩy trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng
Theo số liệu từ Cục thống kê Đà Nẵng, tính đến 15/11, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới 8.788 tỷ đồng với công tác thu hút đầu tư trong nước. Trong đó, có 09 dự án cấp mới nằm ngoài khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư 6.297,2 tỷ đồng, có 14 dự án cấp mới nằm trong KCN, Khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 2.490,8 tỷ đồng.
Với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính từ ngày 01/01 đến ngày 15/11, thành phố thu hút được 181,006 triệu USD. trong đó có 96 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới là 149,931 triệu USD, có 37 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 20,644 triệu USD, 33 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 10,431 triệu USD.
Xét về số lượng dự án thu hút được như hiện nay, TP. Đà Nẵng xếp thứ nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, xếp thứ 6 cả nước. Đa số dự án tập trung vào lĩnh vực du lịch - nhà hàng, công nghệ thông tin,... cũng là thế mạnh của thành phố, song vốn đăng ký mỏng, lao động ít.
Dù vậy, công tác thu hút đầu tư tại Đà Nẵng được đánh giá còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề quỹ đất, hạ tầng KCN, CCN mới còn chậm đâu tư, thủ tục đăng ký doanh nghiệp chưa thực sự thuận lời,...
Ông Lê Minh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư miền Trung - Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng một số lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, logistic và một số ngành dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục chất lượng cao… vẫn chưa thu hút được các đối tác FDI lớn như mong muốn, chưa tương xứng với nhiều tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương. Trong đó có nguyên nhân từ việc phối hợp giữa các cấp, các ngành khi cần giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đôi khi chưa kịp thời.
“Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng vẫn còn quy mô nhỏ, trình độ công nghệ chủ yếu mức trung bình chưa tương xứng với yêu cầu, tiềm năng và lợi thế vốn có. Liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn khá hạn chế. Cùng với đó, thành phố đang thiếu quỹ đất sạch tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Một số các khu công nghiệp có thời hạn sử dụng đất còn rất ngắn, điều này làm các nhà đầu tư FDI không mặn mà, mặc dù pháp luật vẫn cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án...”, ông Dương nhìn nhận.
Ghi nhận hiện nay, các KCN tại Đà Nẵng vẫn còn “thưa” dự án có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Với hoạt động của doanh nghiệp, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu vẫn còn nặng về gia công, lắp ráp, chế biến thô,...
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương cũng chưa hình thành chuỗi liên doanh, liên kết, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng đang cân nhắc trước khi lựa chọn đầu tư tại địa phương, bên cạnh đó là bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới khiến các doanh nghiệp FDI phải su nghĩ.
Với kế hoạch thu hút đầu tư trong giai đoạn tới, Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường,… Để làm được việc này, địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư, trong đó cần có cam kết cụ thể trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo “lực hấp dẫn” đưa doanh nghiệp về phát triển. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và giải ngân (bao gồm giải phóng mặt bằng) cho các dự án đầu tư.
Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết địa phương đang tích cực thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Cùng với đó, ông Minh thông tin Đà Nẵng sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án động lực, trọng điểm mang tính động lực, đảm bảo tính đồng bộ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
“Thành phố sẽ rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh khơi thông nguồn lực.Đồng thời, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại”, ông Minh thông tin.
Trong công tác thu hút đầu tư, Đà Nẵng xác định sẽ mở rộng kết nối thị trường trong nước và ngoài nước, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng Cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Với định hướng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột gồm công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số được ưu tiên. Địa phương cần xây dựng cơ chế thu hút hợp lý, phù hợp với thực tế.
Cụ thể, cần cơ chế, chính sách giúp lực lượng doanh nghiệp công nghệ cao được tiếp cận các nguồn vốn vay, lãi suất ổn định để tập trung vận hành kinh doanh, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Song song với đó là cần có chính sách ưu đãi thay thế để kịp thời đáp ứng quy định của thuế tối thiểu toàn cầu,...
Tại lễ công bố quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa qua, đã có 7 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng. Trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trong nước (1 dự án tăng vốn đầu tư) và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép trong thời gian qua trên địa bàn thành phố. Tại đây, có dự án đầu tư điện tử Foxlink Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với vốn đầu tư đăng ký hơn 3.167 tỷ đồng, tương đương 135 triệu USD. Thứ hai là dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất chải nguy hại tại bãi rác Khánh Sơn - Đà Nẵng được thống nhất tăng tổng vốn đầu tư từ 522 tỷ đồng lên thành 2.021 tỷ đồng; tăng thêm 1.498 tỷ đồng. Cùng với đó là dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời CRC Solar tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư hơn 1.174 tỷ đồng, dự án Khu phức hợp chung cư Ánh Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 944 tỷ đồng tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn trên khu đất có diện tích 4.997 m2. Ngoài ra còn có 3 dự án Chung cư Hồ Xuân Hương (tổng vốn đầu tư hơn 792 tỷ đồng), dự án chung cư Tháp Đại dương (653 tỷ đồng) và dự án căn hộ Mia Plaza (600 tỷ đồng). |
Có thể bạn quan tâm