Phương án nào triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng?

TUẤN VỸ 21/11/2023 08:07

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng sẽ được tách vốn đầu tư theo các hạng mục riêng biệt và thực hiện cho vay lại theo hạng mục độc lập, đảm bảo giá trị cho vay để triển khai hoàn thiện.

>>Liên kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc tại Dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng (Làng Đại học Đà Nẵng). Dự án này nằm tại địa phận P.Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) và P. Điện Ngọc (TX.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Theo rà soát của Bộ KH&ĐT, sau gần 26 năm triển khai (1997 - 2023) thì dự án mới có 5 dự án hoàn thành và 1 dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, UBND.TP Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án trên địa bàn thành phố và UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB), hiện nay TP. Đà Nẵng đã thực hiện được 78,95/110ha. Còn lại, phần diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa chưa thực hiện BT-GPMB, tổng diện tích chưa BT-GPMB của cả dự án là 193,9ha.

Dự án chậm triển khai đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân địa phương.

Dự án chậm triển khai đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân địa phương.

Theo số liệu từ Đại học Đà Nẵng, tổng vốn cần bổ sung giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện dự án là 6.164 tỷ đồng gồm 4.942 tỷ đồng dành cho BT – GPMB và 1.222 tỷ đồng dành cho xây dựng các hạng mục công trình tại khu quy hoạch. Và đây là nhu cầu vốn cho các dự án khởi công mới chưa thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 và cần ưu tiên cân đối.

Công tác BT-GPMB thời gian qua đã tạo vướng mắc lớn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án khi thường xuyên bị gọi là “dự án treo”. Cùng với đó, tiến độ chậm đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân ở địa bàn trong suốt nhiều năm qua.

Sau kiến nghị của Bộ KH&ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án. Cụ thể, sẽ ban hành nghị quyết của Chính phủ cho phép Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, ĐHĐN được tách vốn đầu theo các hạng mục riêng biệt và thực hiện cho vay lại theo hạng mục độc lập, đảm bảo giá trị cho vay lại bằng 10% vốn vay nước ngoài theo Nghị quyết số 14 ngày 20/2/2020 của Chính phủ.

Tại đây, nhiệm vụ của UBND tỉnh Quảng Nam là xây dựng phương án bố trí quỹ đất, thực hiện dự án xây dựng các khu tái định cư. Đồng thời, địa phương đề xuất nguồn vốn triển khai xây dựng các khu tái định cư và nhu cầu BT-GPMB đối với diện tích quy hoạch dự án phân kỳ theo từng giai đoạn.

Hiện tại, dự án vẫn chưa quy hoạch đồng bộ, nhiều phân khu chưa

Hiện tại, dự án chưa hoàn thiện các hạng mục.

Đối với Đà Nẵng, địa phương chủ trì lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác BT-GPMB đối với phần diện tích đất trên địa bàn.

Bộ GD&ĐT phối hợp với 2 địa phương rà soát quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo cấp có thẩm quyền. Song song là rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ và đề xuất phương án điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm triển khai để bổ sung.

Đối với Bộ KH&ĐT, Bộ này sẽ tổng hợp nhu cầu bổ sung nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng thời, cân đối nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi chủ trương sử dụng nguồn dự phòng được cấp có thẩm quyền thông qua.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về việc triển khai đầu tư dự án dự án này. Trong đó, việc chậm tiến độ triển khai sẽ dẫn đến nguy cơ phải hoàn trả vốn cho ngân sách nhà nước, nếu đến ngày 31/12 không giải ngân được vốn cho người dân.

Vì vậy, Đại học Đà Nẵng đề xuất Bộ GD&ĐT làm việc với địa phương này tổ chức triển khai xem xét, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 để làm cơ sở xây dựng các dự án đầu tư và lồng ghép vào quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2025 trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Song song là bố trí quỹ đất và nguồn vốn để triển khai xây dựng các khu tái định cư để bố trí đất tái định cư cho người dân. Đồng thời, đề xuất phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để hoàn thành giải phóng mặt bằng 23,13 ha còn lại thuộc phường Hòa Qúy và khoảng 9ha thuộc phường Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam), xây dựng công trình cấp thiết phục vụ giảng dạy đại học, sau đại học.

Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, cùng các Bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan. Trong đó, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025, nếu trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác BT-GPMB thì điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha.

Đối với diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và hình thành khu đô thị vệ tinh xung quanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Sốngp/lo tại dự án Làng Đại học Đà Nẵng

    Sống lo tại dự án Làng Đại học Đà Nẵng

    00:50, 05/10/2023

  • Quảng Nam kiến nghị điều chỉnh quy hoạch làng đại học Đà Nẵng

    Quảng Nam kiến nghị điều chỉnh quy hoạch làng đại học Đà Nẵng

    10:05, 12/08/2022

  • Dự án nào đang “gây sốt” tại làng Đại học Đà Nẵng?

    Dự án nào đang “gây sốt” tại làng Đại học Đà Nẵng?

    16:42, 07/12/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phương án nào triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO