Sơn Trường với triết lý Kaizen

HÀ LINH QUÂN 17/09/2021 17:17

Khác nhiều đại gia ở Việt Nam và thế giới, Công ty Sơn Trường (Hải Phòng) tự đứng vững trên hai chân của mình, không dựa dẫm vào bất kỳ sự ưu ái đặc biệt nào từ cơ chế hay chính sách.

Nhờ áp dụng triết lý Kaizen, Công ty Sơn Trường đã tự lực cánh sinh trong mọi hoạt động của mình.

KAIZEN LÀ GÌ? 

Vào đầu những năm 1970, nước Nhật phát triển đến mức có thể “mua cả thế giới”! Họ thôn tính bất động sản, doanh nghiệp, thậm chí cả một hãng phim của Holywood - “Thánh địa” Hoa Kỳ! Thành công của Nhật được lý giải nhờ các nhà công nghiệp xứ Mặt trời mọc phát triển khái “Triết lý Kaizen”- nói nôm na là “Không ngừng đổi mới”.

Thế nhưng, dân Mỹ mới chính tác giả của khái niệm này. Người đó là “Vua ô tô” Henry Ford. Hơn trăm năm trước, ông đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất hàng loạt đầu tiên trên trái đất với rất nhiều sự cách tân để giảm giá thành một chiếc xe Ford từ 700 USD xuống dưới 300 USD (tính theo thời giá hồi đó) và thời gian để xuất xưởng một “con xe” từ 12 giờ xuống còn 1 giờ!

Bị hấp dẫn bởi điều đó, năm 1920, một doanh nhân Nhật - Taiichi Ohno - đã tìm đến Hãng xe Ford để được thực mục sở thị. Ông cũng ghé thăm hệ thống siêu thị- thứ mà nước Nhật hồi đó chưa có. Chỉ vài năm sau, Toyota - một doanh nghiệp dệt khung cửi - được chính phủ Nhật đặt hàng làm ô tô theo những kỹ thuật do Ohno học lỏm từ Ford và siêu thị Mỹ.

Sau rất nhiều cuộc thăng trầm bởi chiến tranh và thương trường, năm 1966 Toyota chính thức khởi xướng “Triết lý Kaizen” và được giới doanh nhân Nhật nhiệt liệt hưởng ứng. Kết quả thấy liền: Sang thập niên thứ 70, hàng hóa Nhật tràn sang Mỹ, thậm chí nhiều công ty Nhật đã thôn tính các công ty Mỹ trong nhiều lĩnh vực! Điều trớ trêu nhất là năm 1979 Hãng Ford - nơi bắt đầu câu chuyện này - đã phải “nhập khẩu “Triết lý Kaizen” để áp dụng vào hệ thống quản lý của mình!

Cầu Tam Bạc do Công ty TNHH Sơn Trường xây tặng nhân dân TP Hải Phòng. Ảnh: T.L

Cầu Tam Bạc do Công ty TNHH Sơn Trường xây tặng nhân dân TP Hải Phòng. Ảnh: T.L

KAIZEN TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU

Trong một chuyến đi nước ngoài, ông Tạ Quyết Thắng- Tổng giám đốc Tổng Công ty Sơn Trường, được nghe nói về “Triết lý Kaizen”. Ông rất khâm phục người Nhật, song cũng không quá ngạc nhiên. Là người thông minh, từng trải, ông thừa khôn ngoan để hiểu: Năng suất cao hơn đối thủ chính là lợi thế cạnh tranh. Nếu không có một lợi thế cạnh tranh đặc biệt thì chuyện dẫn đầu thị trường chỉ là giấc mơ thoáng qua, và nếu chấm dứt đổi mới thì lợi thế đó cũng mất luôn.

“Khi chúng ta muốn mọi thứ giữ nguyên như cũ (vị trí dẫn đầu) thì chúng ta phải thay đổi mọi thứ. Những gì “vẫn tốt” trước đây, thì bây giờ trở nên không còn “đủ tốt”. Những cái ngày xưa là mới thì nay đông cứng trở thành kinh điển, già cỗi!”, ông Tạ Quyết Thắng nhấn mạnh.

Quyết tâm “đổi mới không ngừng” của Tạ Quyết Thắng đã được cấy sang não bộ của các cán bộ quản lý trong Công ty Sơn Trường.

Và trong thực tế, Sơn Trường đã áp dụng nhiều luận điểm thuộc về Kaizen từ trước khi ông tổng giám đốc được nghe nói về nó. Nếu một trong những nguyên tắc mấu chốt của triết lý này là “đến tận nơi, nhìn tận mắt, làm tận tay”, thì hầu hết cấp lãnh đạo của Tổng công ty này đều dành thời gian ở hiện trường hơn là ngồi an nhàn trong các văn phòng của mình. Kaizen có một quan điểm dẫn đường là phải triển khai nhanh chóng các quy trình được đổi mới, thì ở Sơn Trường cũng vậy, người ta sẵn sàng ấn nút khởi động những quy trình sản xuất nào đã loại bỏ những nút thắt, điểm dừng và đoạn rẽ làm mọi thứ bị chậm.

Khá nhiều doanh nhân nhà nước thường “trung thành” với quy trình, ông Thắng cho rằng: Quy trình nào không đi theo mục tiêu doanh nghiệp thì phải nhổ rễ quy trình đó đi. Mọi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả đều được dẫn dắt, quản lý bởi những nguyên tắc chứ không phải các quy trình. Một bộ nguyên tắc chỉ đạo luôn luôn được ông tuân thủ như sự kính trọng tinh thần cạnh tranh, lòng trung thành với chiến lược lâu dài và tính tiết kiệm chặt chẽ.

Phần khó nhất của đổi mới là biến ý tưởng thành thực tế. Tài năng nhất của ông Thắng là biết mài giũa ý tưởng lớn thành giản đơn, từ giản đơn thành hiện thực, nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên thông minh, có óc tưởng tượng. Ông thu nhận và trả lương cao cho người có khả năng tư duy phản biện, biết đưa ra câu hỏi đúng chứ không phải thuộc câu trả lời đúng.

Sơn Trường thành công nhiều lắm, không thể nói hết trong một bài báo. Chẳng hạn, cây cầu qua sông Tam Bạc dài 178m, rộng 26,4m, tải trọng hơn 50 tấn, trị giá 100 tỷ đồng, ông Tạ quyết Thắng làm tặng thành phố Hải Phòng, hoàn thành sau 50 ngày – Kỷ lục Guiness Việt Nam! Một cán bộ kỹ thuật của Sơn Trường phát biểu: “Nếu cứ đấu thầu sòng phẳng, Sơn Trường không ngán đối thủ nào hết, kể cả là những doanh nghiệp nước ngoài. Có rất nhiều thứ họ không làm được, chúng tôi làm được!”.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp vận tải

    Doanh nghiệp vận tải "thiếu oxy" vì Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải

    06:00, 16/09/2021

  • Lối đi nào cho WM Motor ở Đông Nam Á?

    Lối đi nào cho WM Motor ở Đông Nam Á?

    05:00, 16/09/2021

  • China Evergrande khi “nước đã đến chân”!

    China Evergrande khi “nước đã đến chân”!

    05:22, 15/09/2021

  • Dấu chân tham vọng của Infratil ở châu Á

    Dấu chân tham vọng của Infratil ở châu Á

    05:00, 14/09/2021

  • Yahoo “thay tướng để đổi vận”?

    Yahoo “thay tướng để đổi vận”?

    05:05, 13/09/2021

HÀ LINH QUÂN